Trách nhiệm

.

Nhận nhiệm vụ chuẩn bị nội dung sinh hoạt chuyên đề cho chi bộ hướng đến việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, ngẫm nghĩ về 10 biểu hiện của tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tôi quyết định đặt bút viết về hai chữ “Trách nhiệm”.

Có thể hiểu, trách nhiệm là nhiệm vụ phải gánh vác (theo Từ điển Tiếng Việt). Trách nhiệm của đảng viên - đây hoàn toàn không phải là một chủ đề mới mà là một nội dung mà Đảng, Chính phủ và nhân dân luôn coi trọng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải nêu cao ý thức, tinh thần trách nhiệm. Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích: “Tinh thần trách nhiệm là gì? Là khi Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.6, tr.345).

Một khi đảng viên, công chức, viên chức nêu cao tinh thần trách nhiệm trong mọi hoàn cảnh, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, có phương pháp làm việc khoa học, chủ động, sáng tạo, hết lòng, hết sức với công việc, nhiệm vụ được giao thì hoạt động công vụ tất yếu sẽ được hoàn thành một cách hiệu quả, bảo đảm chính xác, khách quan và công tâm. Hay nói cách khác, “trách nhiệm” là từ khóa mở ra thành công của quá trình cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong tình hình mới.

Tinh thần trách nhiệm của những công chức, viên chức là đảng viên đang công tác trong các cơ quan, đơn vị nhà nước mang những nét đặc trưng của nền tảng tư tưởng, lý tưởng cách mạng mà Đảng lựa chọn. Đó là sự tuân thủ tính tổ chức và tính kỷ luật; là những chuẩn mực trong mọi hành vi, lời nói, trong các hoạt động xã hội. Việc học tập, làm theo Bác về tinh thần trách nhiệm cần phải trở thành nhu cầu tự thân của mỗi đảng viên, công chức, viên chức để xứng đáng với chức danh, vị trí công tác hiện đang đảm nhận.

Trên góc trái mỗi tấm thẻ công chức đều in hình quốc huy thiêng liêng, đó có lẽ là lời nhắc nhớ mỗi người về trách nhiệm đối với đất nước, với nhân dân và với chính bản thân mình - với tư cách là một công dân. Có trách nhiệm với danh dự của cá nhân để không làm sai, không vụ lợi; có trách nhiệm với tổ chức, đơn vị để không ngừng phấn đấu vì sự phát triển chung và có trách nhiệm với Đảng, với nhân dân để kiên định lý tưởng cộng sản, giữ vững bản lĩnh chính trị, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực và tệ nạn xã hội.

Để làm được điều đó, mỗi người đều phải trải qua quá trình phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng về nhận thức và hành động, tích cực, tự giác trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Cùng với việc thể hiện vai trò tiên phong, gương mẫu, người cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay cần ủng hộ những nhân tố mới - những người dám nói, dám làm, dám đấu tranh bảo vệ công bằng, lẽ phải và dám đương đầu khó khăn để đổi mới, sáng tạo vì công việc chung.

Song song với đó, khi mắc phải thiếu sót, khuyết điểm phải thẳng thắn nhận trách nhiệm cá nhân, xác định rõ nguyên nhân để có biện pháp sửa chữa, khắc phục, không đổ lỗi cho khách quan, cho người khác; tích cực học tập nâng cao trình độ, kiến thức, năng lực toàn diện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát và kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy cơ quan Đảng, Nhà nước những người thoái hóa, biến chất. Có như vậy mới chung tay thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành và thực thi công vụ, củng cố niềm tin của nhân dân, vì nhân dân phục vụ. Đây cũng là mục tiêu mà Chỉ thị số 34-CT/TU mà Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng hướng đến.

Nếu trách nhiệm, sẽ không còn tình trạng né tránh, đùn đẩy; nếu trách nhiệm sẽ luôn làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Từ đó, nếu trách nhiệm, việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sẽ thực chất đi vào cuộc sống của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, thể hiện trong từng việc làm cụ thể, hằng ngày chứ không chỉ dừng lại ở những bản kế hoạch, những dòng đăng ký thực hiện trên giấy. Và nếu trách nhiệm, mỗi cán bộ, công chức, viên chức đều hiểu - trước hết và trên hết - phải xứng đáng là công dân của nước Việt Nam - một đất nước với bề dày lịch sử hơn bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước: “Có biết bao người con gái, con trai/ Trong bốn ngàn lớp người giống ta lứa tuổi/ Họ đã sống và chết/ Giản dị và bình tâm/ Không ai nhớ mặt đặt tên/ Nhưng họ đã làm ra Đất Nước” (đoạn trích Đất nước - Trường ca Mặt đường khát vọng, Nguyễn Khoa Điềm).

ĐỖ LAN HƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.