Đó là một buổi chiều chuyển trời với mưa giông kèm gió mạnh - khi chúng tôi bắt đầu chuyến tham quan thực tế tại Nhà trưng bày Hoàng Sa (đường Hoàng Sa, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà). Giữa không gian ấm cúng mà linh thiêng bởi những dấu ấn lịch sử được lưu giữ, tiếng nước mưa, tiếng gió ầm ào từ bên ngoài vọng vào đôi lúc làm chúng tôi mường tượng như mình đang lênh đênh trên một chiếc thuyền ra với đảo - với Hoàng Sa của đất nước chúng tôi.
Được xây dựng theo hình tượng con dấu của vua Minh Mạng trong Sắc chỉ thành lập Hải đội Hoàng Sa năm 1835, Nhà trưng bày Hoàng Sa là nơi giới thiệu những thông tin, tư liệu, hình ảnh giá trị về quá trình xác lập và bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tại đây, các tư liệu được chia theo chủ đề, xuyên suốt lịch sử về quá trình hình thành, vị trí địa lý, chủ quyền Hoàng Sa trên các văn bản, bản đồ hợp pháp được lưu hành trong và ngoài nước. Giọng nói truyền cảm của bạn thuyết minh viên như đưa chúng tôi ngược dòng thời gian, về với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, và tại mỗi giai đoạn lịch sử đó, Hoàng Sa vẫn luôn hiện hữu như một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Theo chính sử ghi chép, ngay từ năm 1836, vua Minh Mạng y lời tâu của bộ Công, sai thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền ra Hoàng Sa vẽ bản đồ và cắm mốc chủ quyền. Từ những tấm bản đồ, tư liệu cách đây hàng trăm năm đến từng vỏ ốc, con sò…, tất cả đều là bằng chứng sinh động cho quá trình cắm mốc, dựng bia chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa. Vẫn còn đó hình ảnh Mộc bài - minh chứng cắm mốc chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa dưới thời vua Minh Mạng hay Cột bia chủ quyền do người Pháp dựng năm 1938 khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa… Vẫn còn đó mô hình chiếc thuyền cha ông ta từng rẽ sóng ra khơi bảo vệ quần đảo của Tổ quốc, những vật dụng tuy đơn sơ nhưng chứa đựng cả câu chuyện lịch sử lớn lao của một thời oanh liệt.
Không gian trầm mặc, hoài cổ như đang thì thầm giữa sóng nước, kể về lễ khao lề thế lính Hoàng Sa của cư dân Lý Sơn ngày trước. Đây là nghi lễ mang đậm tính nhân văn của người dân Lý Sơn, xuất phát từ thực tiễn hoạt động của hải đội Hoàng Sa xưa, luôn phải đối mặt với nguy cơ “một đi không trở lại”. Những câu hát dân gian ngày nào: “Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn/ Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây...”, “Chiều chiều ra ngóng biển xa/ Ngóng ai đi lính Trường Sa chưa về…", đã phản ánh lịch sử bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của dân tộc - những trang sử được viết bằng mồ hôi, xương máu và cả sinh mạng của nhiều thế hệ cha anh.
Lặng lẽ ngắm nhìn những tư liệu cổ như lần lượt đi qua từng cánh cổng thời gian, ánh mắt, trái tim bỗng dừng lại ngậm ngùi, rưng rưng ở tờ giấy chứng sinh của một công dân Việt Nam ra đời trên mảnh đất Hoàng Sa, ở tờ giấy chứng tử của các nghĩa sĩ Hoàng Sa đã anh dũng bảo vệ lãnh thổ đất nước. Những câu chuyện của tiền nhân với biển, với đảo vẫn được lưu dấu rõ nét, khắc dấu trong tâm tưởng hậu thế về một mảnh đất yêu thương giữa trùng dương của một dân tộc chính nghĩa và anh hùng.
Viết tiếp trang sử hào hùng của cha ông, ngày nay trong từng suy nghĩ hành động, dù là nhỏ nhất của cuộc sống thường ngày, mỗi người dân đất Việt đều luôn ghi nhớ tận trong sâu thẳm về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa như một điều hiển nhiên và tất yếu của lịch sử. Hoàng Sa vẫn kiên cường duy trì những bước đi vững chắc trong quá trình thực thi quản lý hành chính huyện đảo Hoàng Sa. Bằng nhiều cách thức, nhiều nguồn đóng góp tin cậy khác nhau, kho tư liệu về Hoàng Sa ngày càng dày dặn, đầy đặn hơn, càng khẳng định chắc chắn chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
ĐỖ LAN HƯƠNG