Hằng năm, mưa bão không chỉ gây thiệt hại về vật chất, tính mạng con người mà còn để lại những tổn thương, ám ảnh trong lòng trẻ nhỏ. Việc bảo đảm an toàn trường học mùa mưa bão, đưa các em trở lại trường học ngay sau những đợt mưa bão giúp các em có môi trường học tập an toàn, giảm đi những âu lo sau bão. Còn nhiều khó khăn, song các trường trên địa bàn thành phố đang từng bước chủ động công tác bảo đảm an toàn cho học sinh mùa mưa bão.
Lực lượng chức năng hỗ trợ Trường THCS Phạm Văn Đồng dọn dẹp vệ sinh sau bão lụt. ẢNH: K.H |
Nằm ở xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang), nơi thường xuyên bị ngập lụt, thầy và trò Trường THCS Phạm Văn Đồng luôn nỗ lực cố gắng để khắc phục khó khăn, bảo đảm công tác dạy và học, nhanh chóng đưa học sinh trở lại trường.
Thầy Dương Tấn Bửu, Hiệu trưởng Trường THCS Phạm Văn Đồng cho biết, nằm ở vùng thấp trũng nên mỗi khi mùa mưa bão tới, ở những điểm bị ngập lụt sâu, nhà trường phân công giáo viên phối hợp lực lượng dân quân tự vệ, công an xã hỗ trợ, dìu dắt học sinh đi qua những điểm ngập lụt để đến trường. Trước đó, từ đầu tháng Tám, Chín nhà trường tiến hành chặt cây tỉa cây xanh, khơi thông cống rãnh và chủ động thực hiện thông báo rộng rãi đến học sinh, toàn thể người lao động, phụ huynh lịch học và nghỉ khi có mưa lụt.
“Những hôm mưa bão lớn, như hồi tháng Chín vừa qua, nhà trường thông báo học sinh nghỉ học và dạy bù thông qua hình thức dạy trực tuyến, phụ đạo bổ sung kiến thức sau khi trở lại trường để kịp chương trình học. Với những em nhà ở vùng trũng sâu, thấp nước xuống nhưng chưa trở lại trường học thì nhà trường bổ sung kiến thức phụ đạo trực tuyến”. Trường THCS Phạm Văn Đồng, xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) hiện có 27 lớp với 1.155 học sinh.
Ở điểm Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu (phường An Khê, quận Thanh Khê), ngày 5-10 vừa qua, diễn ra hoạt động tổ chức tổng kết chuỗi hoạt động hưởng ứng ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai do Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức. Chuỗi hoạt động tại Đà Nẵng diễn ra từ ngày 1 đến 5-10 gồm nhiều hoạt động, trong đó, lấy trẻ em làm trung tâm nâng cao nhận thức về giảm nhẹ thiên tai, như thi sáng tác tranh "Góc nhìn trước thiên tai", cuộc thi rung chuông vàng "Cùng em phòng chống thiên tai - kiến tạo tương lai bền vững", vẽ tranh tường "Sẵn sàng trước thiên tai và biến đổi khí hậu", tập huấn "Hướng dẫn tổ chức hoạt động ngoại khóa về chủ đề phòng, chống thiên tai trong trường học"…
Ông Lê Văn Hoàng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hòa Vang cho biết, nhằm mục tiêu tăng cường thông tin truyền thông, nâng cao năng lực cộng đồng; nâng cao tinh thần, trách nhiệm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương trong công tác phòng chống thiên tai; sẵn sàng các phương án ứng phó với thiên tai năm 2024 và hưởng ứng chủ đề Tuần lễ Quốc gia năm 2024 “Hành động sớm - Chủ động trước thiên tai”, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tổ chức các hoạt động hưởng ứng phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế tại địa phương như hội nghị, hội thảo, treo pano, phổ biến tuyên truyền tài liệu, ấn phẩm truyền thông về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Nguyễn Minh Thành cho biết, năm 2024 công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tiếp tục triển khai có hiệu quả. Thực hiện Chỉ thị số 04/CT-UBND thành phố ngày 15-6-2024 của Chủ tịch UBND thành phố về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024, trên cơ sở đó, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các đơn vị, trường học khẩn trương thực hiện một số nội dung, hoạt động nhằm tuyên truyền các vấn đề liên quan đến việc củng cố, kiện toàn ban chỉ huy phòng, chống thiên tai của đơn vị, trường học.
Tăng cường rà soát, kiểm tra phương tiện, cơ sở vật chất, tránh chủ quan, thiếu sót và chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai. Triển khai có hiệu quả các phương án phòng, chống để ứng phó kịp thời nhằm bảo đảm an toàn về người và tài sản, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Chủ động chằng, chống trường lớp, phòng học, kiểm tra điều kiện an toàn của cơ sở vật chất; thực hiện cắt, tỉa cây xanh dễ gãy, đổ tại đơn vị; có phương án di dời tài sản, tài liệu đến vị trí an toàn.
Thường xuyên quán triệt và thực hiện có hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và nguyên tắc phòng ngừa, chủ động ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả, đặc biệt là khi có bão ảnh hưởng hoặc đổ bộ trực tiếp vào địa bàn thành phố; mưa lớn gây ngập lụt xảy ra trên diện rộng. Nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ để ứng phó thiên tai đạt hiệu quả.
KHÁNH HÒA