Chất ngọc bên đời

.

Nhiều năm trước, bên hiên chiều êm tại nhà người bạn gái bên sông Hàn, được nghe một giọng hát lạ và hay, trong đĩa CD có tên Hoài cảm. Người hát chọn cho mình cái tên cũng là lạ. Lặng lẽ, khiêm nhường. Tiếng hát ấy, có lẽ chẳng mấy người biết đến, ngoại trừ dăm người thân quen và một số bằng hữu. Ấy là một giọng hát nghiệp dư, như người ta thường quen gọi. Thật ra, đó là giọng hát không kém gì những giọng chuyên nghiệp. Gọi nghiệp dư, chỉ vì người hát không xem việc hát ca là sự nghiệp gì to tát.

Lại chợt thấy ngạc nhiên, khi đứng trước những cái tên Hương xưa, Hoài cảm (tên hai ca khúc của Cung Tiến). Ảnh: ST
Lại chợt thấy ngạc nhiên, khi đứng trước những cái tên Hương xưa, Hoài cảm (tên hai ca khúc của Cung Tiến). Ảnh: ST

Nhớ lại gần 30 năm trước, sau khi thực hiện xong tập thơ của nhiều bạn hữu đồng hương, một hôm được đón người khách chưa quen đến thăm nhà. Mới nghe anh đọc hai khổ đầu một bài thơ của anh, đã hơi ngạc nhiên. Anh chưa từng in thơ trên tờ báo nào, nhưng có những bài thơ hay. Và có nghề. Dăm bài thơ được nghe, phần lớn thuộc các thể thơ truyền thống nhưng có nét riêng. Và gần đây, được đọc một bài thơ của anh, trên một tờ tạp chí. Tác giả người khách lạ ấy, người đã đến nhà tôi, từ 30 năm trước.

Và rồi một hôm, nhận được một đĩa nhạc tặng, từ người quen trao lại. Người hát những ca khúc trong đĩa nhạc là một người em nhỏ đã mất liên lạc mấy mươi năm, từ cái thời mê say nghệ thuật của tuổi mới lớn với ban nhạc Tuổi Thơ tại chùa Phước Kiến cuối những năm 60 của thế kỷ trước. Đĩa nhạc có tên chọn là Hương xưa, gồm những tác phẩm hay của các nhạc sĩ Văn Cao, Phạm Duy, Cung Tiến, Tô Vũ… Lại thêm một giọng hát hay của người phố cổ. Có bản sắc riêng. Và tất nhiên, không “nghiệp dư” chút nào.

Lại chợt thấy ngạc nhiên, khi đứng trước những cái tên Hương xưa, Hoài cảm (tên hai ca khúc của Cung Tiến). Tại sao chỉ còn là chút hương cũ, tưởng chừng đã giạt bay theo gió? Tại sao lại là niềm nhớ tiếc về một thời nào tốt đẹp đã mất trong thời gian? Có lẽ, chẳng ai muốn tin, cái đẹp-cái thiện chỉ tồn tại trong ký ức của con người! Như thế, dường như ai cũng muốn tin rằng, những gì là tinh hoa của con người cần hiện diện ngay trong những năm tháng hiện tại này. Chẳng phải sao, khi vẫn còn đó những bằng chứng về thời gian không mất: có khi, ngọn gió năm tháng vô tình thổi bay đi tấm màn giấu che của chính nó, để hiện lên cái chất ngọc không mờ của những tinh anh trong đời sống.

Qua những thông tin rời rạc, nghe đâu “người khách lạ” đã gặp từ hơn 30 năm ấy sẽ “bước vào làng”? Và mong sao giọng ca “thất lạc” của người em năm cũ có dịp đến với người nghe nhiều hơn.
Thành phố có khá nhiều người mến yêu âm nhạc. Và có nhiều người hát hay, đàn ấm. Có lẽ không nên (hay không thể) nói về khá nhiều những “chất ngọc” tương tự, ở nhiều lĩnh vực khác, của thành phố bên sông này.

Ấy là những lóe sáng, là sự phát lộ của cái đẹp chẳng có nhiều người biết đến! Lẽ nào, sự hờ hững của cuộc đời đã đẩy trôi bao nhiêu tài năng vào quên lãng? Không, phải tin rằng cuộc đời dẫu có buồn hơn, thì cuộc đời vẫn luôn đẹp hơn. Đẹp hơn, chính vì buồn hơn. Vì, đã đến lúc con người nhìn thấy rõ nỗi buồn của chính mình.

Nỗi buồn trong sáng của mùa xanh dài lâu. Một nỗi buồn cần thiết cho mỗi đời người mà nếu thiếu vắng, cuộc đời sẽ nhạt hơn biết mấy! Có phải như thế không?

NGUYỄN ĐÔNG NHẬT

;
;
.
.
.
.
.