Đôi bầu mắm một thời rong ruổi nẻo quê

.

Trong bữa ăn nửa buổi dưới bóng mát góc bờ vườn hay bên mâm cỗ ấm tình làng nghĩa xóm, những câu chuyện quá khứ luôn là đề tài bất tận của bà con quê tôi. Nào ôn nghèo kể khổ, nào chuyện cấy cày thóc lúa, chuyện làm công điểm và mất mùa. Lần nào cũng vậy, chuyện về những cô bán mắm với đôi bầu “huyền thoại” hiện về râm ran cả lên.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Làng quê ngày xưa, người dân chỉ quẩn quanh với ruộng đồng. Không gian nhỏ bé gắn liền với ký ức lam lũ của nghề nông “một nắng hai sương”, “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”. Nhà nông vất vả cơ cực, sống tự cung tự cấp nên dịp đặc biệt lắm như giỗ quảy hay cưới hỏi gì mới nghĩ tới chuyện đi chợ. Bởi vậy, phần lớn thức ăn từ miền biển như cá, mắm là do các cô các mợ miền biển cung cấp.

Những vị khách không mời mà đến, cứ tự nhiên quảy đôi bầu mắm tới từng nhà, đi hết xóm này đến làng khác. Trước lạ sau quen. Nào cô Út Xin, cô Bốn Quyên, cô Tới, bà Củng... Họ đều là những phụ nữ miền biển khỏe khoắn, da ngăm ngăm màu nắng, giọng nói mặn mòi với nhiều âm rất khác quê tôi, vần “oi” thành “ua”, “am” thành “ôm”; từ đệm kiểu “kinh thiệt á nợ” rất vui tai. Họ thay phiên nhau gánh những gánh mắm nặng trĩu, lên quê đổi lúa, sắn, khoai lang, hay các loại sản vật như thơm, mít, chè khô... đem về biển. Là gánh đi hay về đều trĩu nặng, nhưng ai cũng quen với cuộc mưu sinh nhọc nhằn nên thấy bình thường. Từ những người khách lạ, mấy cô cùng đôi bầu mắm sáng bóng màu dầu rái đi khắp nẻo cùng quê trở thành người quen thân của cả làng. Họ đến đâu, gặp bữa cơm bữa khoai cũng được mời ăn như người nhà. Tôi nhớ cô Bốn Quyên hay ăn trầu môi đỏ thén; nhớ cô Tới thấp mập, nhớ bà Củng hơi móm, giọng giòn tan với lối mời chào hấp dẫn khó từ chối... Họ đem lên nguồn không chỉ sản vật miền biển mà còn là kho chuyện đi biển, chuyện cá ông linh thiêng. Tôi nhớ mãi chiếc vỏ ốc lấp lánh sắc màu được cô Út Xin tặng. Cô nói nhà cô còn có nhiều san hô, vỏ sò đẹp lắm nhưng nặng và cồng kềnh, cô không mang theo được. Tôi đưa chiếc vỏ ốc áp vào tai mà cứ tưởng đã nghe được cả tiếng sóng biển rì rào. Biển mênh mông và sóng biển vỗ như thế nào nhỉ? Lúc ấy, tôi mới thấy biển qua vài bức tranh trong sách học vần. Giấc mơ được tận mắt nhìn thấy biển với tuổi thơ ngày xưa thật xa xỉ, viển vông...

Nhà tôi nghèo, mẹ thường đổi sắn, mít... lấy mắm. Mắm là món ăn chủ lực không thể thiếu đối với mỗi gia đình những năm sau giải phóng. Mắm cơm, mắm nục thịt đỏ au, nước mắm đứng ở bề mặt, hớt vào ăn với sắn hay cơm đều ngon phải biết. Những khi được mùa, phía trên của bầu mắm là những mẹt cá nục, cá tươi mươi, cá lầm... hấp thơm lựng, da sáng trưng như cá sống. Còn mắm mực hay mắm ruốc, giá cả có phần nhỉnh hơn và lâu lâu mới được mua, anh em chúng tôi coi đó là đại tiệc nếu mẹ cho ăn với cơm ghế ít khoai hơn ngày thường một ít.

Tôi vẫn còn nhớ độ tháng Sáu, tháng Bảy âm lịch hằng năm, cứ nghe tin ngư dân trúng mùa cá là ba tôi và nhiều người trong xóm theo chân mấy cô bán mắm về dưới biển, muối mỗi nhà vài can mắm, để dự trữ ăn mùa mưa. Quà từ biển đem về là món cá hấp. Cá tươi rong được mấy cô bán mắm hấp giúp tại chỗ có vị ngọt thơm không gì sánh bằng. Rau muống sẵn dưới ao, bánh tráng sắn sẵn mấy chục cất trong phuy, chúng tôi mong ba về để ăn món bánh tráng cuốn cá, chấm với nước cá hấp. Bây giờ, thỉnh thoảng thèm món cá hấp xưa, tôi cũng mua về ăn, nhưng không tìm đâu cho ra cái vị ngọt ngon thuở ấy.

Làng tôi giờ vẫn nguyên khung cảnh hiền hòa và bình yên như mấy chục năm về trước, chỉ khác là những con đường đã bê tông hóa và nhà cửa khang trang hơn. Cuộc sống không còn đói khổ, giao thông thuận lợi nên một số nghề truyền thống dần dần biến mất. Những chiếc xe rao bán cà rem rộn ràng cả trưa hè không còn. Những đôi bầu mắm kĩu kịt trên vai các cô đã thành hình ảnh của quá khứ. Mắm không còn là món ăn chủ lực như xưa, nhưng bữa cơm mỗi nhà cũng không thể thiếu mắm: thịt luộc chấm mắm, rau luộc chấm mắm, cà, dưa trộn mắm... Cái vị nồng nàn của biển đã góp phần làm nên tính cách chân chất, mộc mạc, mặn mà của con người chăng?

Đôi khi đi biển, tôi cũng gặp lại mấy cô bán mắm ngày xưa. Thời gian, tuổi tác hằn in lên cả gương mặt và dáng vẻ, nhưng họ vẫn vồn vã, mừng rỡ như gặp người thân. Thì ra, nghĩa tình vẫn là điều quý giá nguyên vẹn. Câu ca “Ai về nhắn với nậu nguồn/ Mít non gởi xuống cá chuồn gởi lên” vẫn đằm thắm tình người như chưa từng mấy mươi năm xa cách. “Nậu nguồn” - tôi và dân làng mình vẫn mãi nhớ về những đôi bầu mắm - một phần quá khứ thân thương của làng.

NGUYỄN THỊ DIỆU HIỀN

;
;
Tin liên quan
.
.
.
.
.