Đôi lời minh oan cho Huyền Trân công chúa

.

Ngô Sĩ Liên ghi lại trong Đại Việt sử ký toàn thư sự việc giải cứu Huyền Trân như sau: Theo tục lệ Chiêm Thành, chúa chết thì bà hầu của chúa phải vào giàn thiêu để chết theo. Vua biết thế, sợ công chúa bị hại, sai bọn Khắc Chung, mượn cớ là sang viếng tang và nói với người Chiêm: “Nếu công chúa hỏa táng thì việc làm chay không có người chủ trương, chi bằng ra bờ biển chiêu hồn ở ven trời, đón linh hồn cùng về, rồi sẽ vào giàn thiêu”. Người Chiêm nghe theo. Khắc Chung dùng thuyền nhẹ cướp lấy công chúa đem về, rồi tư thông với công chúa, đi đường biển loanh quanh, chậm chạp lâu ngày mới đến kinh đô.

Trung tâm văn hóa Huyền Trân hay còn gọi là đền thờ công chúa Huyền Trân tọa lạc tại 151 đường Thiên Thai, phường An Tây, thành phố Huế, giữa không gian tĩnh lặng với cảnh sắc đậm chất thiền. Ảnh: Tư liệu
Trung tâm văn hóa Huyền Trân hay còn gọi là đền thờ công chúa Huyền Trân tọa lạc tại 151 đường Thiên Thai, phường An Tây, thành phố Huế, giữa không gian tĩnh lặng với cảnh sắc đậm chất thiền. Ảnh: Tư liệu

Một sự việc quan trọng như thế mà nhà chép sử chỉ gói gọn trong chừng ấy dòng một cách hết sức sơ sài, cẩu thả và hồ đồ. Điều đó đã gây ra bao sự hiểu nhầm đáng tiếc. Sao chép như vậy thì vô tình hay hữu ý Ngô Sĩ Liên đã bôi nhọ nhân cách Huyền Trân công chúa.

Cuộc giải cứu Huyền Trân chắc chắn là có nhiều điều bí ẩn. Triều đại nhà Trần vì một lý do tế nhị nào đó mà không muốn công khai vụ việc này. Những người trực tiếp tham gia vụ giải cứu như Trần Khắc Chung, Đặng Vân… đã mang theo bí mật ấy xuống mồ.

Chỉ cần tinh ý ta cũng có thể nhận thấy những điều hết sức phi lý trong đoạn văn trên của Ngô Sĩ Liên. Nên nhớ, giai đoạn lịch sử ấy (1220-1340), mối bang giao giữa hai nước Đại Việt và Chiêm Thành hết sức tốt đẹp. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông hai nước đã từng liên kết với nhau. Vua Chiêm mang quân ra tận Nghệ An giúp Trần Nhân Tông. Vua Trần Nhân Tông cử hàng nghìn binh mã, hàng trăm chiến thuyền ứng viện giúp chủ tướng Chế Mân đánh thắng Toa Đô (năm 1282-1285).

Việc Thái thượng hoàng và vua đồng tình gả công chúa cành vàng lá ngọc Huyền Trân cho Chế Mân (vua nước Chiêm) và Chế Mân dâng tặng hai châu Ô-Lý cho Đại Việt làm sính lễ đã nói lên mối bang giao tốt đẹp đó. Đây là chiến lược Hòa-Thân của cả hai nước để liên minh chống giặc xâm lược phương Bắc. Không lẽ chỉ vì sợ công chúa Huyền Trân bị đưa lên giàn thiêu mà Trần Nhân Tông và Trần Anh Tông lại làm một việc chẳng lấy gì quang minh chính đại như vậy đối với một nước láng giềng đang hết sức thân thiện với nước mình?

Chuyện Trần Nhân Tông và Trần Anh Tông sợ Huyền Trân bị đưa lên giàn hỏa thiêu là có thật. Chuyện Thái thượng hoàng và vua cử thượng tướng Trần Khắc Chung đi giải cứu Huyền Trân là có thật. Nhưng sự việc không phải đơn giản như mấy dòng sao chép sơ sài của tác giả Đại Việt sử ký toàn thư. Nhiệm vụ đặt ra cho vụ giải cứu này là bằng mọi giá cứu được Huyền Trân nhưng không làm tổn thương mối bang giao hai nước. Đó là một nhiệm vụ khó khăn, buộc Thái thượng hoàng và vua phải “chọn mặt gửi vàng”. Thượng tướng Trần Khắc Chung là một sự lựa chọn thích hợp và sáng suốt nhất.

Ông vừa có tài quân sự vừa có tài ngoại giao. Chính Trần Khắc Chung đã có công lớn trong cuộc chiến thắng quân Nguyên-Mông vào năm 1289 (đúng năm Huyền Trân ra đời) và sau đó được phong chức Đại Hành Kiển. Khi trao nhiệm vụ cho Trần Khắc Chung chắc chắn Thái thượng hoàng và vua đã lường trước một số tình huống và dự kiến một vài kế sách ứng phó.

Theo một số tự liệu đáng tin cậy thì vua Chế Mân băng hà vào tháng 5-1306; tháng Chín, Huyền Trân sinh thái tử và mãi tháng Mười năm đó đoàn giải cứu của Trần Khắc Chung mới đến kinh đô Chiêm Thành đóng tại Quy Nhơn (Bình Định). Cuộc giải cứu kéo dài gần một năm trời.

Tháng 8-1307 đoàn mới đưa được Huyền Trân trở về Thăng Long. Bao nhiêu sự việc phức tạp xảy ra trong thời gian đó. Trước hết là vị thế của Huyền Trân. Nàng giờ đường đường là hoàng hậu của nước Chiêm, sống trong hậu cung có quân lính canh phòng nghiêm ngặt ngày đêm nên việc tiếp cận với nàng đâu phải dễ dàng. Hơn nữa, nàng đang thời kỳ sinh nở nên việc tiếp cận lại càng khó khăn. Như vậy buộc lòng Trần Khắc Chung và đoàn giải cứu phải chờ đợi ít nhất là ba, bốn tháng.

Trong thời gian đó Trần Khắc Chung tranh thủ tiến hành công tác ngoại giao, thuyết phục vừa nhu vừa cương để người Chăm buộc lòng đồng ý cho đưa Huyền Trân về nước. Lại còn Huyền Trân nữa. Chắc gì Huyền Trân đã đồng ý trở về cố quốc trong hoàn cảnh chồng vừa mất, chưa mãn tang và thái tử vừa mới lọt lòng? Trong một năm chung sống với Chế Mân, nàng thấu hiểu vì sao cha nàng đã chọn Chế Mân làm con rể.

Trần Nhân Tông quá hiểu về cốt cách và tài năng của Chế Mân. Chế Mân là một vị anh hùng của người Chiêm thời đó. Chức danh Hoàng hậu của Huyền Trân được Chế Mân và triều đình sắc phong đủ cho ta thấy tình cảm tốt đẹp của cặp đôi “trai anh hùng, gái thuyền quyên” này. Đứa con mới sinh của nàng cũng là một bằng chứng cho tình cảm tốt đẹp đó. Thuyết phục nàng trở về cố quốc đâu phải là chuyện dễ dàng. Tất cả đều phải có thời gian và phụ thuộc vào tài ứng biến của Trần Khắc Chung.

Chuyện Khắc Chung “dùng thuyền nhẹ cướp lấy công chúa" là hoàn toàn bịa đặt. Có người đã chứng minh khá thuyết phục rằng, một chiếc “thuyền nhẹ” làm sao thoát được màng lưới thủy quân hùng mạnh và dày đặc đã từng đánh tan 5 nghìn quân, 100 hải thuyền, 250 chiến thuyền của Toa Đô; làm sao bảo đảm được tính mạng của một phụ nữ chân yếu tay mềm vừa mới sinh con lênh đênh trên biển những khi sóng to gió lớn?

Nếu chiếc “thuyền nhẹ” đó thoát ra khỏi vòng vây của thủy quân Chiêm Thành trong thời gian nhanh nhất (vì chậm sẽ bị bắt) thì làm gì có chuyện gần một năm “loanh quanh” trên biển mới về đến kinh đô Thăng Long. Điều đó cho chúng ta phỏng đoán khả năng cuộc giải cứu đã được tiến hành bằng biện pháp ngoại giao và công đầu thuộc về tài thuyết phục của Trần Khắc Chung. Bởi thế mà sau khi ông mất, triều đình ban tặng cho ông chức Thiếu sư (chức danh xếp hàng thứ hai thời bấy giờ).

Công chúa Huyền Trân có buồn vì xa quê hương, đất nước; là nỗi mặc cảm khi bị vua cha sắp đặt mối lương duyên bởi mục đích Hòa-Thân của hai quốc gia láng giềng. Nhưng những nỗi buồn đó mau chóng qua đi khi nàng sống hạnh phúc bên người chồng mà nàng hết sức yêu thương và kính trọng. Nỗi đau khổ lớn nhất của công chúa Huyền Trân chính là nỗi đau mất chồng, nỗi đau phải xa đứa con thơ dại, nỗi đau vì những lời đơm đặt đầy ác ý của người đời. Phải chăng vì thế mà công chúa đã chọn con đường quy y cửa Phật sau khi về nước?

MAI VĂN HOAN

;
;
.
.
.
.
.