Tại một khán phòng ấm áp ở Thành phố Hồ Chí Minh, bỏ lại bên ngoài những bận rộn hối hả của thành phố sôi động nhất nước, buổi sáng Chủ nhật (6-10) đã được mọi người dành trọn cho sách và những chia sẻ đầy tâm huyết từ kho tàng tri thức của nhân loại.
Kết quả giải Sách hay 2024. Ảnh: S.T |
Tại lễ công bố giải Sách hay 2024, từ kịch bản, người dẫn chương trình tới người công bố giải, người nhận giải, và cả khách mời phát biểu đều gặp nhau ở sự chân tình, lòng khiêm cung, cảm xúc nhiệt thành. Theo đó, lễ trao giải trở thành một cuộc hội ngộ, trà đàm giữa những người bạn tâm giao về sách từ bốn phương tụ hội. Có cảm giác như ai cũng cố gắng nói ngắn đi một chút để còn được… nghe những người khác nói.
Vững niềm tin với sách
Nhìn lại hành trình 17 năm trôi qua kể từ khi dự án Khuyến đọc sách hay ra đời (2007), đại diện cho các thành viên trong dự án, ông Giản Tư Trung tự hào vì những gì mà dự án đã đóng góp cho cộng đồng. Đó là các hội thảo gây được ấn tượng lớn với mọi người, “đánh động” một sự thay đổi cần thiết về văn hóa đọc sách như: Người Việt có mê đọc sách, hay “Tết đọc sách của người Việt, tại sao không?”; đó là sự lan tỏa và cộng hưởng cần thiết để năm 2014 Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 21-4 là ngày Sách Việt Nam (kể từ năm 2021 đổi thành ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam); đó là dự án sách cho các trại giam...
Và tất nhiên, khi nhìn lại hành trình 17 năm, những thành viên sáng lập của dự án Khuyến đọc sách hay từ những ngày ban đầu cho tới hôm nay rất tự hào khi vẫn giữ được những giá trị cốt lõi của giải thưởng với tính độc lập, tính khai phóng và tính hợp pháp, từ đó tiếp tục duy trì hai mục đích lớn của giải thưởng sách hay là giới thiệu tới công chúng những cuốn sách giá trị và gợi mở xu hướng đọc sách, làm sách hay, tiến bộ với mọi người. Không phải ai cũng biết giải thưởng này không hề có hiện kim đi kèm, và những thành viên trong ban giám khảo hoàn toàn tự nguyện cho công sức bỏ ra để đọc và thẩm định rất nhiều cuốn sách do bạn đọc đề xuất tại cổng thông tin Sachhay.org hoặc do chính họ tìm đọc.
Gần 20 năm đồng hành cùng dự án, những thành viên tâm huyết vẫn giữ vững một niềm tin bất di bất dịch, đó là cho dù thế giới đã bước vào một thời kỳ bùng nổ công nghệ và bão hòa thông tin, sách vẫn là nguồn cung cấp tri thức tinh hoa, tri thức nền tảng mà bất cứ ai muốn nâng tầm bản thân đều sẽ phải tìm đến và gắn bó trong sự học suốt đời.
Cùng với niềm tin ấy, những người luôn theo sát với sự phát triển của thị trường sách ở Việt Nam như ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, còn nhận thấy một xu hướng tích cực đang ngày càng rõ hơn của ngành xuất bản, một điều mà theo ông là điểm sáng đáng chú ý, đó là ngành xuất bản đang ngày càng chú trọng hơn những đầu sách nuôi dưỡng các giá trị tốt đẹp của con người, đặc biệt là mảng sách dành cho thiếu nhi. Đó là sự xuất hiện của nhiều cuốn sách nói về tình yêu thương, tình cảm gia đình, về bồi dưỡng nhân sách, thái độ biết yêu quý tự nhiên và bảo vệ môi trường...
Những trăn trở thời đại
Có một cách thú vị để bạn biết được đâu là những vấn đề mà thời đại chúng ta đang lo lắng hoặc nghĩ ngợi nhiều nhất về nó, đó là xem những cuốn sách xuất bản gần đây. Nhìn vào những cuốn sách được trao thưởng ở giải Sách hay năm nay, ta có cảm nhận rõ rệt hơn về những vấn đề lớn mà cuộc sống đang trăn trở.
Đó là một cuộc khủng hoảng trong giáo dục, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới như lời TS. Bùi Trân Phượng trong phần chia sẻ về hai cuốn sách được tôn vinh trong hạng mục Giáo dục; là nỗi lo lắng về một cơn “sóng thần công nghệ” đang ồ ạt kéo tới, đe dọa sinh kế và thậm chí cả sự tồn tại của loài người, cùng với đó là câu hỏi chúng ta phải làm gì, học gì để ứng phó với đợt sóng thần ấy. Đó là nỗi trăn trở về một xã hội đang bị mất dần tính người trong một thế giới bủa vây bởi công nghệ, là những hồi chuông cảnh báo gióng giả khi tính nhân văn, tình yêu thương đang bị xói mòn trong thế giới ảo nhiều hơn thực.
Nhưng các cuốn sách được giải không chỉ là những trăn trở, mà còn là những tín hiệu vui, những giải pháp đề xuất, những hiến kế ở tầm chiến lược như chính tiêu đề sách: “Vì một Việt Nam dân giàu nước mạnh”, hay “Chiến lược - Cơ chế - Con người: Thế kiềng 3C của tồn vinh doanh nghiệp”, hay “Future Wise - Điều gì đáng học cho tương lai?”…
Lần đầu tiên trong lịch sử 17 năm của dự án, giải Sách hay đã tôn vinh cuốn sách nghiên cứu ở một lĩnh vực hẹp là dân tộc học - nhân học với cuốn “Bất chấp định mệnh - Văn hóa và Phong tục tập quán người Bru - Vân Kiều” của tác giả người Hungary Vargyas Gábor. Càng đặc biệt hơn khi cuốn sách thuộc diện rất kén độc giả này lại do bạn đọc đề xuất, một điều mà theo PGS.TS. Đinh Hồng Hải, nó cho thấy trình độ đọc sách của người Việt, đặc biệt của người trẻ đã nâng cao lên rất nhiều.
D. KIM THOA