Giữ lại kỷ niệm

.

Khi gặp các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Ngọc Dân tôi đã nghĩ rằng, kỷ niệm thực sự là vô giá, nhìn vào mình rồi nhìn quanh mình, chỉ thấy toàn kỷ niệm… Kỷ niệm đã tạo ra con người bằng cách chất chồng những năm tháng, chất chồng đau khổ, hạnh phúc lên nhau một cách tài tình và nhẫn nại.

Chân dung họa sĩ Nguyễn Ngọc Dân.
Chân dung họa sĩ Nguyễn Ngọc Dân.

Bồi hồi với những cột điện nghiêng, những nùi dây điện mịt mù, cái loa phóng thanh phường, hộp đèn báo giao thông. Một thời còn đây mà như xa xăm… vẫn đang là kỷ niệm của ngày hôm nay, theo từng giây phút. Nhớ khi người ta phá bỏ đường dây điện lòng thòng trên các trụ điện để âm xuống đất, tôi đã bật ra ý định chụp ảnh giữ lại cái kỷ niệm vui vui buồn buồn của dây và cột… Nhưng chậm một chút thôi, chúng đã biến mất.

Ngọc Dân không chụp ảnh mà anh vẽ chúng. Cây cọ và con tim người họa sĩ có thể thổi nỗi niềm vào kỷ niệm, làm cho chúng trở nên day dứt. Ngọc Dân đã vẽ tả thực. Chắc chắn trong trường hợp này, với kỷ niệm đặc biệt này, cách thể hiện của họa sĩ Ngọc Dân là duy nhất, thực sự “Giữ lại” và thực sự truyền cảm. Bao nhiêu dâynhợ đan luồn nhau rối rắm. Những nùi dây đã nhiều năm như vậy mà không phiền lụy gì. Nhìn vào đường đi lối lại của chúng trong tranh của Ngọc Dân, tôi lặng người.

Sinh năm 1972 tại Hải Phòng, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1996, với 24 năm sống và sáng tác tại thủ đô, Nguyễn Ngọc Dân được coi là một trong những họa sĩ thế hệ 7X nổi bật của Hải Phòng và Hà Nội. Họa sĩ Nguyễn Ngọc Dân có triển lãm cá nhân “Chân dung - Biển” năm 2003 Hà Nội; triển lãm sắp đặt cá nhân “Vắt qua phố” năm 2007 tại Hà Nội; triển lãm sắp đặt cá nhân tại Leiden, Hà Lan vào năm 2008 và 2009.

Thứ nhất, nó là năm tháng, là kỷ niệm thật dài của chúng ta. Thứ hai, hình như chỉ lúc này tôi mới phát hiện ra vẻ đẹp kỳ thú của nó… Và tự dưng rất là vô lý, thấy nuối tiếc, giống như nuối tiếc một nỗi buồn. Thứ ba, thật là kỳ công. Sự nhẫn nại của người họa sĩ này chẳng thua gì sự nhẫn nại của thiên nhiên. Sự khúc chiết cũng vậy. Nếu không có tâm thần mê mải của tình yêu, cộng với tư duy rành rọt thì làm sao mà thể hiện nổi những mẫu vật quá khó này.

Những mẫu vật vừa khô khan vừa rối rắm lại vừa ẩn tàng nhiều cảm giác. Phải có một độ rung cũng rất ẩn tàng thì mới bắt được chúng, dừng chúng lại, cho chúng thổ lộ những điều mà người nghệ sĩ cảm thấy. Một người bạn tôi nói rằng “Hình như kỷ niệm gian lao làm cho người ta nhớ nhiều hơn kỷ niệm sung sướng”. Tôi cũng đồng ý là vậy. Ngày ấy những búi dây điện cuồn cuộn suốt những con đường, nhưng chúng đã đem lại cho người biết bao lợi ích.

Còn những chiếc loa phóng thanh, bây giờ sẽ là phiền toái, nhưng ngày ấy bao nhiêu người tụ tập dưới chúng để nghe tường thuật trực tiếp bóng đá, và hò reo thích thú khôn cùng. Rồi thời Mỹ ném bom. “Đồng bào chú ý!... Đồng bào chú ý!...”. Tiếng loa ấy, người thời ấy không bao giờ quên được...

Trong cái lộn xộn của dây điện khi kéo đến từng nhà lại là tín hiệu của văn minh khi dây điện là cầu nối với thế giới bên ngoài. Ảnh: NVCC
Trong cái lộn xộn của dây điện khi kéo đến từng nhà lại là tín hiệu của văn minh khi dây điện là cầu nối với thế giới bên ngoài. Ảnh: NVCC

Phát hiện cái không bình thường trong những điều bình thường là tố chất riêng biệt của sáng tạo. Ngọc Dân là người phát hiện ra chất hội họa ẩn chứa trong những mẫu vật rất không hội họa này. Đã ai định nghĩa chất hội họa là gì chưa. Thật khó diễn giải vì nó khá trừu tượng. Có lẽ cũng là cảm nhận thôi. Ngôn ngữ hội họa phong phú và hoàn toàn khác với ngôn ngữ của các bộ môn nghệ thuật khác. Nó nói bằng sự im lặng, tự thân tỏa ra cái chất của riêng mình, đó là đẹp, ẩn dụ và tràn đầy cảm xúc.

Tả thực nhưng đã được cân nhắc rất nhiều. Lấy cái gì, bỏ cái gì. Đặt chúng như thế nào để gợi tả góc nhìn của kỷ niệm. Và cái nền mà những kỷ vật ấy đặt lên sẽ được thể hiện như thế nào. Tôi đặc biệt bâng khuâng vì bầu trời, những mái nhà, những vòm lá… được vẽ rất đơn giản, vừa đủ đề những vật thể lặng lẽ kia rung lên.

Rất cám ơn sự mẫn cảm của họa sĩ. Hoàn toàn không chỉ là khả năng phát hiện, khả năng diễn tả tuyệt vời, mà còn là độ rung sâu lắng mà họa sĩ đã tạo nên, luôn được âm ba bên trong, làm cho những kỷ vật vô tri mãi mãi là kỷ niệm của những người đang sống trên mảnh đất thân yêu này.

Nâng niu kỷ niệm phải chăng là một phẩm chất đẹp của tình cảm. Chúng ta sẽ không thể quên được quá khứ gian lao của đất nước. Giữ lại kỷ niệm để nâng ngày hôm nay lên cho một ngày mai tươi sáng.

TRẦN LUÂN TÍN

;
;
.
.
.
.
.