Hướng đến kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

Lan man quanh bìa báo Tết

.

Mỗi lần nghĩ về làm báo Tết, tôi tự nhủ, cần phải có những phút thăng hoa thực sự thì mới mong có một bìa báo Xuân tươi mới và đầy sức sống. Để có được phút giây ấy, điều quan trọng là cần phải luôn học hỏi, tích lũy kiến thức và kinh nghiệm; luôn nghĩ về bìa báo Tết với tâm trạng phấn khởi, vui tươi và “đổ” vào đó tâm huyết của mình... Và đặc biệt, cần lắm một sự chung sức đồng lòng!

“Độc nhất” càng tốt!

Tết đến xuân về, một phong tục tốt đẹp truyền từ xưa đến nay, làm nên hồn cốt của dân tộc, đó chính là nhà nhà người người đều lo vun vén cho một cái Tết tinh tươm, đủ đầy, tươi vui, sum họp…, khởi đầu một năm mới với niềm hy vọng sung túc, đoàn viên và hạnh phúc. Làm báo cũng vậy. Tờ báo, tạp chí nào cũng dốc sức cho việc tổ chức một số báo Xuân thật hay thật đẹp - vừa để tổng kết một năm làm báo vất vả mà sôi động, vừa trình làng một tờ báo Xuân - có nơi gọi “đặc san Xuân”, có chỗ nâng tầm thành “giai phẩm Xuân” - tràn đầy niềm tin và sức sống.

Việc chuẩn bị thường được Ban Biên tập, Tòa soạn và phóng viên lo từ 3 - 4 tháng trước Tết. Giữa tất bật các số báo hằng ngày, cuối tuần, điện tử..., bộ phận làm báo Tết còn tập trung nghĩ ra chủ đề, mời cộng tác viên, phân công phóng viên, lên ý tưởng cho trang bìa…

Trong số những việc ấy, trang bìa là nỗi trăn trở thường trực của những người làm báo Tết. Bởi bìa báo vừa phải chuyển tải được chủ đề của số báo; vừa bắt mắt, tươi mới, sáng tạo, độc đáo, và… “độc nhất” càng tốt!

Trước đây, bộ phận làm báo Tết thường chọn giải pháp truyền thống: Dùng ảnh chụp các “trai xinh gái đẹp, tài năng” hay hình ảnh “nhận diện” của địa phương, đơn vị, ngành rồi ghép cùng với cành đào phai, nhánh mai vàng…; hoặc đặt họa sĩ vẽ minh họa “cô gái và nhành hoa” hay các con giáp phù hợp với từng năm…

Nhưng mãi rồi cũng nhàm!

Đó là chưa nói, vì khác nhau về “con mắt thẩm mỹ” nên không phải ai cũng có cái nhìn như nhau về một sản phẩm bìa báo Tết! Có khi người thiết kế/ trình bày hay bộ phận làm báo Xuân cho rằng được, nhưng Ban Biên tập nhận định như vậy là không ổn! Rồi khi sản phẩm ra lò, là lúc đón nhận những tiếng khen chê đủ các cung bậc từ độc giả. Kể cả những sự cố nghiêm trọng cũng đã từng xảy ra với bìa báo/ tạp chí Tết, khiến đội ngũ lãnh đạo và bộ phận làm báo Xuân gặp phen lao đao… Đây là chuyện thường niên vào dịp cuối năm, khi làm báo Tết…

Bởi vậy, làm bìa báo Tết biết bao là nhiêu khê!

Tranh nghệ thuật cũng là lựa chọn

Lan man vậy rồi trở lại với bìa báo Tết ở Báo Đà Nẵng. Được phân công về làm Phó Thư ký Tòa soạn từ năm 2013, tôi cùng các cộng sự bước vào làm báo Tết với những âu lo thường trực đó và những lời động viên, chia sẻ kinh nghiệm từ các bậc tiền bối.

Tôi nhớ, lãnh đạo Ban Biên tập lúc đó luôn có đòi hỏi rất cao trong thực hiện báo Tết, với yêu cầu đó phải là “giai phẩm” - nghĩa là phải hay, đẹp và mới lạ; tập hợp được “tinh túy” của cả một năm làm báo! Bìa báo cũng vậy. Không còn những “trai xinh gái đẹp”, không còn những bức ảnh phong cảnh “thường thường bậc trung”, không còn đào phai mai vàng… nữa! Vậy là anh em “vắt óc” cùng Thư ký Tòa soạn. Phương án nào trình lên cũng chưa đạt.

Với vai trò tham mưu, tôi đề xuất chọn lựa những tác phẩm mỹ thuật có chất lượng nhưng cũng mang tính đại chúng trong số sáng tác của hội viên Hội Mỹ thuật thành phố. Hội Mỹ thuật thành phố thường tổ chức, tham gia các đợt sáng tác và triển lãm tranh hằng năm dành cho các hội viên, nên các tác phẩm tương đối có chất lượng, đạt các giải thưởng khu vực miền Trung - Tây Nguyên và trong nước. Và trong số các tác phẩm ấy, bao giờ cũng có những bức tranh mang dáng hình Đà Nẵng với sức vươn “mỗi ngày thêm mới”.

Tôi trao đổi với họa sĩ Hồ Đình Nam Kha, lúc đó là Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố, rằng đây cũng là con đường để đưa những sáng tác của anh chị em họa sĩ đến với đông đảo quần chúng, thông qua bìa báo Xuân hằng năm. Những tác phẩm được chọn làm hình ảnh chủ đạo của bìa Báo Đà Nẵng Xuân phải đạt chất lượng, có chủ đề phù hợp, có đường nét và sắc màu tươi vui… Từ đó, Báo Đà Nẵng Xuân đã sử dụng những tác phẩm mỹ thuật từ các họa sĩ của thành phố để làm bìa báo Tết.

Những cộng sự đầy trách nhiệm

Nhưng việc sử dụng các tác phẩm mỹ thuật vài ba số báo Tết rồi cũng thành lối mòn đơn điệu. Cần phải đổi mới, sáng tạo liên tục. Hết ảnh phong cảnh, trai xinh gái đẹp, tranh vẽ… thì phải vận dụng đến tài năng của bộ phận trình bày ở Tòa soạn. Trong thời đại mà công nghệ đã có những bước tiến dài, thì kỹ thuật trình bày bìa báo Xuân không còn là thách thức. Cái khó nhất vẫn là… ý tưởng!

Đương nhiên, muốn có ý tưởng thì phải học hỏi, nghiên cứu và sáng tạo.

Mỗi năm, Hội Nhà báo thành phố phối hợp các đơn vị, địa phương tổ chức Hội Báo Xuân. Đây là dịp hội tụ các anh tài trong làng báo Việt Nam, cũng là cơ hội để học hỏi một cách nhanh nhất. Tôi động viên các cộng sự ở Tòa soạn nói chung và anh chị em ở bộ phận trình bày nói riêng đến tham dự và tìm kiếm những ấn phẩm báo Xuân mình cho là đẹp và độc đáo để học hỏi, từ đó ấp ủ ý tưởng cho năm sau…

Trong số đó, tôi nhớ mãi ấn phẩm Xuân cuối cùng trước khi tôi được điều động nhận công tác khác. Đó là số Báo Đà Nẵng Xuân Canh Tý 2020 với chủ đề “Đà Nẵng, Xin chào!”

Lúc đó, tôi cùng các cộng sự bàn bạc nhiều lần nhưng vẫn hơi “bí” đề tài bìa báo Xuân vì yêu cầu đổi mới khắt khe. Nội dung thì đã xong, nhưng ý tưởng bìa báo thì vẫn còn ở trên… mây. Trong khi đó, bộ phận trình bày thì bận bịu công việc số báo hằng ngày và cuối tuần cũng như trình bày các trang ruột của giai phẩm Xuân. Không còn cách nào khác, tôi “ấn” nhiệm vụ cho Thanh Huyền với thời hạn “ngày mai phải có”. Cô cộng sự nhận nhiệm vụ trong tâm trạng không lấy gì vui lắm vì cô cũng mới vừa xong ca trực đêm.

Nhưng điều tôi không ngờ là 5 giờ sáng, điện thoại báo tin nhắn Zalo tới! Mắt nhắm mắt mở, tôi liếc nhìn hình ảnh trên màn hình. Và… sáng mắt tỉnh ngủ luôn: Một thiết kế rất mới hiện ra! Vậy là đêm qua Thanh Huyền đã không chợp mắt vì tác phẩm này?

Tôi đi làm sớm, lên Tòa soạn, thì Thanh Huyền đã đem mấy tờ giấy bản lớn, in thiết kế bìa trải ra bàn. Tôi vẫn nhớ cảm xúc của mình lúc đó, vừa vui mừng vừa rưng rưng xúc động. Vui mừng vì có bìa báo Xuân mới; rưng rưng vì nghĩ đến việc cô vừa xong ca trực đêm, về nhà đã phải lăn vào làm bìa báo Xuân. Tôi cảm ơn Huyền, hội ý với cộng sự ở Tòa soạn để bổ sung ý tưởng rồi báo cáo với Ban Biên tập. Tôi trình bày ý kiến của nhóm thực hiện. Sau đó, Ban Biên tập hội ý, thống nhất với tác phẩm này, có góp ý sửa đổi để hoàn thiện hơn…

Như tôi đã nói, có thể với người này người kia, thiết kế bìa báo Xuân ấy chưa hẳn là xuất sắc, nhưng với tôi đó là một kỷ niệm khó quên. Tôi nhớ đã đề xuất và Ban Biên tập tặng thưởng xứng đáng cho người thực hiện bìa ấn phẩm Đà Nẵng Xuân Canh Tý ấy…

Và tôi nhớ những cộng sự của mình ở Tòa soạn đã cùng tôi đi qua những tháng ngày đầy gian khó, với sự sẻ chia và tinh thần trách nhiệm cao như vậy. Có lúc tranh luận thẳng thắn, gay gắt - nhưng đó là những tranh luận trên tinh thần phản biện, để cùng tìm ra giải pháp tốt hơn với một đích đến là giai phẩm Xuân của Báo Đà Nẵng ngày càng mới hơn, hay hơn và đẹp hơn…

NGUYỄN THÀNH

;
;
.
.
.
.
.