HƯỚNG VỀ THỦ ĐÔ

Hà Nội vẫn là "nhà"

.

Dù chia xa Hà Nội, nhưng với họ, những người con Thủ đô, hoặc có thời gian dài gắn bó với Thủ đô đã rưng rưng khi nhớ đến những con đường, những hàng phố, những thức quà, hay thậm chí nhớ cả cái nóng nung mùa hè, cái rét mướt mùa đông, cái ngột ngạt người - xe trong mỗi cuộc đi, về của ký ức...

Bác sĩ Nguyễn Như Lễ, người rời xa Hà Nội 55 năm, vẫn luôn đau đáu nhớ về mảnh đất Hà thành nơi ông từng trải qua một thời tuổi trẻ sôi nổi và đầy tin yêu. Ảnh: T.Y
Bác sĩ Nguyễn Như Lễ, người rời xa Hà Nội 55 năm, vẫn luôn đau đáu nhớ về mảnh đất Hà thành nơi ông từng trải qua một thời tuổi trẻ sôi nổi và đầy tin yêu. Ảnh: T.Y

Cuộc chia xa kéo dài mấy chục năm

Bác sĩ Nguyễn Như Lễ (quê Hà Nội, hiện sinh sống tại phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu), nguyên cán bộ quân y Quảng Đà, nói lần chia xa Hà Nội để vào chiến trường miền Nam chiến đấu mới đó đã 55 năm. Gần hết một đời người. Vậy mà những ký ức về mảnh đất Hà thành dường như mới hôm qua, khi ông còn là chàng sinh viên Trường Đại học Y khoa Hà Nội (niên khóa 1964-1969) theo tiếng gọi Tổ quốc lên đường vào Nam chiến đấu. Trong ngôi nhà khang trang trên đường Tống Phước Phổ, bác sĩ Lễ nhắc về Hà Nội bằng cách ngân nga vài câu hát trong bài “Hà Nội và tôi” của nhạc sĩ Lê Vinh: “Những ngày tôi lang thang/ Tôi mới hiểu tâm hồn người Hà Nội/ Mộc mạc thôi mà sao tôi bồi hồi/ Mộc mạc thôi mà sao tôi nhớ mãi/ Tuổi thơ đã đi qua không trở lại/ Hà Nội ơi! Hà Nội ơi...”.

Ông nói, ngày tạm biệt gia đình, người thân, khăn gói vào khu căn cứ thuộc huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam), cũng là ngày ông chia xa Hà Nội kéo dài mấy chục năm. Hỏi ông có thấy tiếc nuối khi không quay lại Hà Nội sau ngày giải phóng mà chọn mảnh đất Quảng Nam - Đà Nẵng để làm việc, bác sĩ Lễ trầm ngâm: “Khi ấy, đội quân y công tác tại huyện miền núi Nam Giang có hơn 10 người nhưng đa phần là người dân tộc thiểu số. Sau giải phóng, một nhiệm vụ nặng nề không kém là tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện phong trào “3 sạch”, gồm ăn sạch, uống sạch và ở sạch. Ban ngày ông vượt núi chữa bệnh. Ban đêm học tiếng Cơ tu để giao tiếp với người dân địa phương.

Cuộc xa Hà Nội cuối năm 1969 là một quyết định mang tính sinh ly tử biệt, bởi không chỉ phục vụ chiến trường miền Nam, mà xa hơn là phục vụ đồng bào tái thiết cuộc sống sau ngày giải phóng. Vì lẽ đó, sau những năm tháng đồng cam cộng khổ, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân xứ Quảng đã đưa tôi đến một quyết định: chọn ở lại Quảng Nam - Đà Nẵng, thay vì về Hà Nội viết tiếp những giấc mơ còn dang dở”.

Thời trai trẻ, Hà Nội trong mắt ông Lễ là một thành phố yên bình, cổ kính và đầy ắp sự chân thành. Mỗi góc phố, mỗi hàng cây, mỗi quán cà phê nhỏ bên hồ Gươm đều là ký ức đẹp mà đời ông gìn giữ. Hà Nội dạy cho ông nhiều điều, không chỉ là kiến thức chuyên môn, mà còn là cách sống, cách yêu thương và gắn bó với mọi người xung quanh. Dù dành cả cuộc đời cống hiến cho mảnh đất miền Trung, nhưng mỗi khi nghe ai đó nhắc về Hà Nội, lòng ông lại dậy lên cảm giác nhớ nhung, thân thuộc. “Hà Nội là nơi tôi để lại một phần tuổi trẻ, của ước mơ và những kỷ niệm đẹp nhất”, ông Lễ nói.

Trong hàng ngàn sinh viên các trường đại học Hà Nội “xếp bút nghiên” lên đường vào Nam chiến đấu đầu những năm 1970 và ở lại Đà Nẵng đến nay còn có PGS.TS Trương Minh Dục, từng công tác tại Học viện Chính trị khu vực III (Đà Nẵng). Ông Dục kể, năm 1970, miền Bắc tập trung chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Đầu tháng 9-1971, ông nhận quyết định của Khu đội Hoàn Kiếm gọi lên đường nhập ngũ. Trong buổi lễ động viên, các thầy cô trong khoa Lịch sử dặn dò lứa sinh viên năm nhất, năm hai lên đường đợt này, rằng muốn viết lịch sử, trước hết phải làm nên lịch sử. Lời dặn ấy mãi đi theo ông như “tuyên ngôn” dành cho người học sử, viết sử.

Giữa cuộc trường chinh qua những địa danh Thái Nguyên, Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang), Thanh Hóa, Kon Tum, Nha Trang, Đắk Nông, Ninh Thuận, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh… chiến đấu đến ngày đất nước thống nhất, chàng sinh viên Trương Minh Dục luôn mang theo trong mình hình ảnh về một Hà Nội hào hoa. Mỗi khi gặp khó khăn, gian khổ, ông thường tự nhắc mình rằng, Hà Nội - với tất cả sự thanh lịch và hào hoa của nó - đang ở phía sau, là động lực để những người con Thủ đô tiếp tục chiến đấu và cống hiến.

Khi vào đến chiến trường miền Nam, những kỷ niệm về Hà Nội càng thêm rõ nét. Giữa ngày nắng lửa, bụi đỏ ở mảnh đất Tây Nguyên, hay giữa rừng rậm Nam bộ, hình ảnh về mùa đông lạnh giá của Hà Nội luôn làm lòng ông ấm lại. Có nhiều đêm trong chiến hào, ông mơ thấy mình đang đi trên phố Tràng Tiền, gió thu se lạnh luồn qua áo khoác và đó cũng là những ký ức mà chiến tranh hay thời gian không thể xóa nhòa.

Ngõ nhỏ, phố nhỏ nhà tôi ở đó

Những con người rời xa Hà Nội, dường như chưa bao giờ ngừng nhớ về mảnh đất Hà thành nơi mình từng gắn bó. Như cách ông Trịnh Quang Dân (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) - một người gắn bó với Hà Nội 30 năm trước khi quyết định chuyển gia đình vào Đà Nẵng sinh sống - nói Hà Nội đọng lại trong ông là những dãy nhà tập thể cũ kỹ nhưng ấm áp tình người. Nhớ cái lạnh se sắt mùa đông. Nhớ giọng người trầm ấm. Nhớ hàng nước chè xanh chạy dọc trên những con đường đến cơ quan.

Ông Dân chia sẻ, mỗi lần nghe ai đó hỏi về Hà Nội, ông lại thấy sống mũi mình cay cay. Một thứ cảm xúc nghèn nghẹn trào dâng, như thể mảnh đất đó chưa bao giờ rời xa ông. “Phố nhỏ, ngõ nhỏ, nhà tôi ở đó”, câu hát quen thuộc ấy luôn vang lên trong tâm trí ông mỗi khi nhớ về ngôi nhà nhỏ tại khu tập thể Mai Hương (quận Hai Bà Trưng), nơi gia đình ông sinh sống tròn 30 năm.

Ông Dân kể, Hà Nội những năm ông gắn bó là một thành phố vừa đủ lớn để bận rộn, nhưng cũng vừa đủ nhỏ để con người không quá cách xa. Mỗi sáng, ông thường băng qua những con phố nhỏ đầy gánh hàng rong và hàng nước chè xanh nghi ngút khói. Hương thơm thoang thoảng của chè xanh hòa cùng giọng nói trầm ấm của những chị bán hàng đã trở thành thứ âm thanh quen thuộc.

“Mùa thu Hà Nội hay cái lạnh se sắt mùa đông là điều làm tôi nhớ nhất. Bởi lúc ấy, được ngồi bên bát phở nóng, hay được thưởng thức chén trà xanh cùng bạn bè, đồng nghiệp sẽ trở thành thú vui tao nhã ít nơi nào có được”, ông Dân nói trong ánh mắt xa xăm, như thể đang nghĩ về những con phố cũ đầy ắp kỷ niệm đời mình.

Từng công tác tại cơ quan Thông tấn xã Việt Nam đến ngày về hưu nên với ông Dân, Hà Nội còn là nơi chứng kiến những thăng trầm trong sự nghiệp, nơi con ông sinh ra, lớn lên và cùng nhau trưởng thành. Ông bảo, đó luôn là nơi ông hướng về, dù hiện tại gia đình đã rời Hà Nội, chuyển vào Đà Nẵng sinh sống cùng con cháu.

Có lẽ không đâu như Hà Nội, nơi mà cái ngột ngạt của người, xe chen chúc trong mỗi giờ tan tầm lại trở thành một phần không thể thiếu trong ký ức của người dân Hà thành. Như nhà văn Chu Lai, có lần vì cảm thấy Hà Nội ngột ngạt quá, đã quyết định “thay đổi không khí” ở một thành phố khác. Nhưng ở chừng hai tháng, ông lại thấy nhớ hàng sấu, nhớ mái nhà cổ kính, nhớ ngọn gió heo may, nhớ hàng cây soi bóng hồ Gươm hay cả cái chật chội bụi bặm không chịu được mà khăn gói về lại Thủ đô.

Thế mới biết, mỗi vùng đất đi qua trong cuộc đời mỗi con người, luôn thấp thoáng câu thơ của Chế Lan Viên “khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Chính vì sự nhớ nhung tưởng chừng không đáng nhớ đó, mà nhà văn Chu Lai đã chọn quay lại Hà Nội, sau vài cuộc thiên di đến vùng đất mới...

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.