Làng mộc xưa xứ Quảng

.

Ai từng đến phố cổ Hội An sẽ thấy những kiến trúc bằng gỗ, là chùa, đình, miếu, hội quán, là những ngôi nhà xưa… tồn tại hàng trăm năm. Đi về vùng nông thôn xứ Quảng, thỉnh thoảng bắt gặp những ngôi nhà cổ bằng gỗ mà ta quen gọi là nhà rường. Tất cả những kiến trúc ấy được dựng nên bởi hai làng thợ mộc nổi tiếng ngày xưa: Kim Bồng và Văn Hà.

Đây là kết quả khảo sát hơn 300 ngôi nhà xưa tại tỉnh Quảng Nam mà tôi cùng các chuyên gia là kiến trúc sư, người trong ngành bảo tồn, bảo tàng thực hiện từ năm 2001 đến nay, và vẫn còn tiếp tục để tìm ra điểm giống nhau, khác nhau giữa tay nghề của các thợ mộc xứ Quảng với thợ mộc Xa Lang (nay thuộc xã Sơn Tân, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) hay các phường mộc ở Tam Quan (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định).

Tồn tại cùng thời gian

Làng mộc Kim Bồng (tên cũ là Kim Bồng Châu) thuộc xã Cẩm Kim, thành phố Hội An. Tổ tiên nghề mộc vốn có gốc gác từ nhiều vùng quê thuộc đồng bằng Bắc bộ, đặc biệt vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh. Làng chia ra Kim Bồng Đông làm đồ gia dụng, chạm trổ đồ gỗ và Kim Bồng Tây đóng ghe thuyền. Khi Hội An phát triển thành đô thị thương cảng quan trọng của xứ Đàng Trong, cũng như việc xây dựng cung điện của triều Nguyễn thì các nghề thủ công, trong đó nghề mộc được phát triển nhờ sự giao lưu, tiếp thu, trao đổi, chắt lọc để hình thành phong cách riêng của nghề mộc Kim Bồng.

Kỹ thuật và đề tài chạm trổ của người thợ Kim Bồng được cho là phong phú và mở rộng hơn khi có cơ hội tiếp xúc, giao lưu và tiếp thu trong quá trình thi công các công trình của người Nhật, người Hoa, người phương Tây đến lưu trú ở Hội An và các phường thợ mộc bạn khi thi công cung điện ở Huế. Nét khắc trau chuốt, sơn thếp tỉ mỉ trên các bức hoành, liễn đối đến đồ gỗ trang trí nội thất... hiện đang còn lưu giữ tại một số gia đình tại Đại Lộc, Điện Bàn, Quế Sơn.

Rõ nét nhất để thấy sự tài hoa của người thợ mộc Kim Bồng là nhà cụ Nguyễn Nho Phán, anh Nguyễn Nho Lĩnh ở phường Điện Minh, thị xã Điện Bàn với các đồ trang trí nội thất và đầu kèo, đuôi kèo. Nhiều đồ án chạm trổ tỉ mỉ, công phu tại nhà anh Ngô Văn Sĩ, thôn Phù Sa, xã Quế Xuân, huyện Quế Sơn với các chi tiết đầu - đuôi kèo, các ô xuyên bông thượng hạ (liên ba) và tấm hoành phi có khắc bài thơ theo bút pháp chữ thảo (thảo thi) là tác phẩm thư họa đẹp nhất mà chủ nhân đời sau lưu giữ.

Cụ Huỳnh Rị - một người thợ Kim Bồng - đang chạm khắc trên gỗ. Ảnh: N.T.H
Cụ Huỳnh Rị - một người thợ Kim Bồng - đang chạm khắc trên gỗ. Ảnh: N.T.H
Ông Đinh Thạch - người thợ mộc có tay nghề tại làng Văn Hà - đang hướng dẫnthanh niên trong làng cách chạm trổ trên gỗ. Ảnh: N.T.H
Ông Đinh Thạch - người thợ mộc có tay nghề tại làng Văn Hà - đang hướng dẫn thanh niên trong làng cách chạm trổ trên gỗ. Ảnh: N.T.H

 Định hình phong cách riêng

Ngoài sử dụng gỗ mít làm chủ đạo, nét cơ bản trong phong cách dựng nhà của thợ Văn Hà là luôn có bộ phận trỏng quả và tấm gia thu đỡ kèo nóc nên các thành phần như đế tôm, quả bí, lá quả/ấp quả được chăm chút, tỉ mỉ, trang trí và tạo nhiều dáng đẹp, thẩm mỹ cao.

Những đề tài chạm khắc thường gần gũi với nông thôn, dẫu rằng ít nhiều ảnh hưởng đề tài mang tính tín ngưỡng của Đạo giáo - Nho giáo -

Phật giáo từ nghệ thuật cung đình Huế hoặc kiến trúc phố cổ Hội An có gốc và tín ngưỡng của người Hoa. Đề tài trang trí trên gỗ như gốc, cành trúc tre biến thành rồng (trúc hóa long), cành mai chuyển thành chim phượng (mai hóa phượng) cây tùng hóa lộc (nai) bình dị hơn sen hóa cá, hoặc đề tài cặp đôi như sen với vịt (liên áp), tùng với nai (tùng lộc). Các đề tài dễ hiểu như cá với sóng nước, sóc với nho. Tuy nhiên, những cặp đề tài thực vật và động vật đều đa số không theo quy ước, truyền thống.

Cụ thể là các linh thú như long, lân, quy, phượng, người thợ Văn Hà chỉ hé mở ở điêu khắc một số đầu kèo của ngôi nhà xưa mà chủ nhân của nó có chức tước lớn như nhà quan án sát Trần Như Nhượng (Tam Xuân 1, Núi Thành), nhà Tiến sĩ Trần Dư (Tam An, Phú Ninh), nhà ông Nguyễn Vĩnh Phúc (phường Hòa Hương, thành phố Tam Kỳ)... Những đề tài về Bát Bửu (tám món quý) của Nho, Phật, Lão cũng không phân biệt rõ, ví dụ chiếc đàn thường là đàn nguyệt, quạt mở không xếp được.

Nhưng hoạ tiết chữ vạn thì rất giống nhau với kỹ thuật khắc ám họa. Nhận biết rõ của thợ mộc Văn Hà là kiểu thức gia thu thủ quyển: cũng với mục đích đỡ và nóc nhưng ở vị trí đầu hồi. Bộ phận trỏng quả được thay bằng hình thức một tấm ván gọi là gia thu và phỏng theo mô tuýp hình cuốn thư nên gọi là gia thu thủ quyển. Một số nhà ở Tam Kỳ, Núi Thành lập lại hình thức bộ phận trỏng quả tại hai đầu hồi, còn tăng thêm một số ván trang trí hoặc song tiện có chạm khắc lấp kín ô tam giác định hình của vì nóc.

Những ngôi nhà do thợ Văn Hà tham gia thi công, phần chạm trổ trang trí thường nằm phía Nam Quảng Nam đến tận Quảng Ngãi, ít chịu ảnh hưởng bởi các luật lệ, tính ước lệ của phong cách nghệ thuật cung đình Huế cũng như kiến trúc của người Hoa tại phố cổ Hội An. Khi sử dụng cũng chắc lọc, dễ hiểu, mộc mạc trong suy nghĩ nhưng cũng tỉ mỉ, công phu trong thể hiện... Với đề tài hệ thực vật có hoa cúc, hoa trang, hoa mai, hoa chanh, hoa sen, trúc tre. Các hệ đồ vật, như bát bửu, các thú linh cũng chỉ phỏng theo các hình ảnh đã thấy ở các kiến trúc phố cổ Hội An, cung điện Huế mà các chủ nhân ngôi nhà đã đề nghị người thợ sao chép lại.

Các ngôi nhà cổ ở phố cổ Hội An và vùng nông thôn Quảng Nam giống nhau về kiến trúc, nhưng cũng có những điểm khác nhau như sự có mặt vì nách kiểu chồng các đoạn trính nhỏ, ngắn ở các nhà, đình ở phố cở Hội An hoặc nhà thường có mắt cửa gắn trên cửa chính ra vào nhưng lại không thấy xuất hiện ở những ngôi nhà của người thợ Kim Bồng làm tại Điện Bàn, Đại Lộc, Quế Sơn. Chúng ta cũng thường bắt gặp đôi mắt cửa được bố trí ở cửa chính và cửa ở trong nhà ở Tam An, Tam Xuân 1, Tam Thành do những người thợ mộc Văn Hà dựng nên. Phải chăng chủ nhân ngôi nhà hoặc người thợ cũng đã học hỏi từ kỹ thuật mở rộng lòng nhà đến nghệ thuật trang trí các mắt cửa của những ngôi nhà cổ người Hoa ở Hội An...

NGUYỄN THƯỢNG HỶ

;
;
.
.
.
.
.