Món gỏi mang đầy vị chát

.

“Bôn ba đi khắp xứ người
Tuổi thơ yêu dấu, mỉm cười theo tôi”

Đọc những câu thơ trong bài Trở lại tuổi thơ của tác giả Đức Hướng, tôi như muốn quay về với miền dấu yêu, nơi có những tháng ngày hồn nhiên tươi đẹp.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Đó là những buổi sáng lang thang trên đồng tìm cua, bắt ốc; những ngày gió lộng rong chơi tìm cỏ đuôi gà; những buổi chiều tà ngắm hoàng hôn buông xuống. Trong bức tranh trải dài khắc ghi vào miền nhớ, bên cạnh xóm nhỏ với những người gần gũi, thân thương, còn có những hương vị rất riêng đã in sâu vào tâm tưởng. Hương vị của những món ăn dân dã mà thú vị của trẻ con ngày ấy không thể thiếu món gỏi trái cây đặc sản một thời. Thật ra đây là món trộn đơn giản với đủ loại rau trái ở ngay vườn, mà chính vẫn là khóm mít.

Ngày đó, mỗi khi tiếng sôi liu riu từ bụng cất lên, tôi lại chạy ra sau vườn ngắm nhìn cây mít. Nghe có vẻ khăng khít yêu thương, kỳ thực đang đứng dưới gốc dòm lên, mong bắt được chiếc khóm xinh xinh hay ẩn mình trong vòm lá. Lúc còn nhỏ tôi nào phân biệt được đâu là trái mít, đâu là khóm mít lúc mới bằng ngón tay. Do vậy mà nhiều lần tôi cứ nhằm trái mít non mà hái. Dường như sứ mệnh của những chiếc khóm ấy không phải để mang lại múi mít vàng thơm lựng cho bao người, mà để âm thầm mang đến niềm vui cho lũ trẻ nhà quê như chúng tôi.

Tôi nhớ như in những buổi chiều cùng lũ bạn trong xóm rủ rỉ sau vườn. Mỗi khi thấy được chiếc khóm đã muồi với lớp áo chấm vàng li ti bên ngoài, tôi lập tức tìm cách hái ngay như thể tìm được trái gì ngon lắm. Công đoạn rủ rê bắt đầu sau đó bằng cách réo nhỏ Hoa nhà bên này kiếm vài quả “ô ma” (quả trứng gà) vàng hườm, ới nhỏ Quyên nhà bên kia ngắt vài quả khế. Ba đứa tíu tít tụm lại sau hè nhà tôi, háo hức soạn sửa cho bữa lỡ chực chờ.

Nhỏ Quyên thường sẽ chạy ù sang nhà chú Tư tìm thêm nhúm rau quế tím. Đó giống như lớp trang trí không thể thiếu cho cái món ăn đậm kiểu tự chế này. Trong lúc đó, tôi lãnh phần làm chén nước sốt không thể đặc biệt hơn từ mắm ớt tỏi và đường. Nếu không có sự đóng góp này của tôi thì món gỏi thực sự “thuần chay” đúng nghĩa.

Dưới gốc cây thầu đâu xào xạc lá, ba đứa cẩn thận lót những chiếc lá chuối khô như trịnh trọng trải thảm để bắt đầu thưởng thức bữa tiệc. Chỉ mới lướt qua những lát quả xanh vàng dịu dàng dầm mình trong mắm ớt, e ấp nấp dưới lớp quế xanh, nhìn quanh đứa nào cũng nuốt nước miếng đánh ực. Gắp một ít cho vào miệng, ôi chao là ghiền! Bao nhiêu mỹ vị như dồn về đầu lưỡi, quyện lấy nhau quấn quýt không rời. Chút chát, chút chua không chào thua chút ngọt. Chút cay, chút mặn lăn xăn, thêm chút hăng nồng của lá quế khiến ai cũng mê mẩn đến ngẩn ngơ, chìm trong tận hưởng. Thỉnh thoảng trúng miếng ớt, tôi và nhỏ Hoa nước mắt mũi chảy dài mà miệng vẫn không ngừng nhai. Cả đám vừa hít hà, vừa sụt sịt mà vẫn chén tì tì đến khi hết sạch mới thôi. Hôm nào nhà có cái bánh tráng nướng giòn đem ra ăn cùng, ngon không chi bằng.

Trẻ con hồi đó ít khi được ăn bánh kẹo hay quà vặt, nên những gì có trong vườn hầu như đều trở thành đối tượng để lũ chúng tôi thử nghiệm. Phải chăng nhờ vậy mà bao nhiêu ngọt ngào, đắng chát của quê nhà chúng tôi đều ghi nhớ. Món ăn mang đầy vị chát ấy lại làm cho tuổi thơ tôi ngọt ngào đến lạ.
Bây giờ, ở quê không còn nhiều nhà trồng mít hay ô ma, cũng không nhiều người nhớ đến món ăn xưa cũ ấy. Riêng tôi, cứ mỗi khi vô tình lướt qua những chiếc khóm mít rung rinh, vị chát bất chợt vẫn nghèn nghẹn nơi cổ. Có lẽ những dư vị ngày xưa đã in sâu vào tâm khảm, để rồi mỗi khi chạm vào tôi lại thấy vấn vương vô cùng.

HIỀN NGUYỄN

;
;
.
.
.
.
.