Một ngày nắng đẹp

.

Sau những ngày mưa bão âm ỉ, sáng nay nền trời trong xanh, báo hiệu một ngày nắng đẹp! Không dưng, nhìn ánh nắng đầu này rọi qua tán lá trước hiên nhà, Nhiên thấy dễ chịu hẳn. Vì cơn bão đã đi qua hẳn rồi, để lại khoảng trời yên ả cho nhịp sống sớm ổn định, hay vì chính những tia nắng mang lại lợi ích về tinh thần như khoa học đã chứng minh?

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Trên tivi, bản tin buổi sớm từ nhà hàng xóm vang rõ mồn một, rằng cơn bão đã đi qua. Thật may. Nhưng hôm nay, Nhiên cũng đối mặt với một “cơn bão” không kém phần gam go: “Nếu khách hàng không đồng ý dự án lần này, xem như giải tán team luôn” - sếp Nhiên chốt lại một câu đanh thép như vậy. Điều đó có nghĩa là vài thành viên trong team sẽ mất việc. Với vị trí trưởng bộ phận của mình, Nhiên luôn muốn tạo công việc cho các thành viên còn lại. Hơn nữa, bị từ chối dự án lần này cũng là một thất bại với Nhiên.

Nhiên đến văn phòng thật sớm. Tự tay cắm bình hoa, loại hoa mà mình yêu thích nhất: thạch thảo. Còn chút thời gian, Nhiên tự pha cho mình tách trà hoa cúc. Trong những lúc thế này, Nhiên cần có sự bình tĩnh để đón nhận kết quả, dù như thế nào.

Giữa lúc Nhiên đang đợi tín hiệu của đối tác từ điện thoại thì có tin nhắn. Nhiên lóe lên tia hy vọng rằng đó sẽ là của đối tác, nhưng ánh mắt cô đã chạm phải dòng tin nhắn hiện lên màn hình, là của bố: “Chúc con gái ngày mới tốt lành!”.

Từ ngày Nhiên gửi điện thoại về cho bố, chẳng biết ai chỉ bố cách cắt ghép hình, rồi chèn chữ các kiểu, mà ngày nào bố cũng gửi tin nhắn cho Nhiên. Có hôm bố còn chịu khó lục tìm những tấm hình hồi Nhiên còn nhỏ, trong cuốn album mẹ cất kỹ ở nhà kho, chụp lưu vào máy rồi gửi cho Nhiên. Bức ảnh lâu ngày bị ố mờ, lại bị rung khi chụp nên càng nhòe đi, vậy mà bố vẫn chèn chữ rồi gửi qua tin nhắn cho Nhiên.

Đa phần những tin nhắn ấy Nhiên không nhắn lại. Vì bận, và vì thấy nó chẳng quan trọng gì. Chỉ khi tiện tay lắm, cô mới nhấn vào biểu tượng like thay cho trả lời. Lần nào cũng vậy, bên dưới nút like của Nhiên hiển thị là “đã nhận”. Nhiên còn hình dung ra nét mỉm cười trên khuôn mặt hiền lành của bố.

Mẹ bảo, bố mê có con gái. Từ ngày có Nhiên, bố như thành người khác. Một lần, thấy điếu thuốc tỏa ra làn khói trên tay bố, mẹ chỉ cần nhăn mặt. Lập tức bố nhìn về phía Nhiên đang say sưa ngủ, bố dụi điếu thuốc rồi quăng ra mảnh sân đầy nắng. Từ đó, không thấy bố cầm trên tay điếu thuốc thêm lần nào nữa. Thỉnh thoảng bố đi gặp gỡ bạn bè, trở về thấy có chút mùi men là mẹ không cho chạm vào Nhiên. Thế là bố bỏ rượu dần.

Ngày Nhiên rời nhà lên thành phố học đại học, người bịn rịn không phải là mẹ hay anh Hai, mà là bố. Bố lẳng lặng bỏ ra vườn từ sớm, để tránh cảnh tiễn đưa. Nhiên hiểu tính bố, chạy ra vườn chào bố. Để không khí bớt bịn rịn, Nhiên nhờ bố hái cho Nhiên ít trái cây trong vườn để ăn dần. Ai ngờ, bố từ chối, biểu Nhiên đi nhanh không trễ chuyến xe… Lúc lên đến nơi, dọn hành lý ra mới thấy có nguyên thùng trái cây bố đã hái sẵn đóng gói từ sớm. Toàn loại Nhiên thích ăn.

Mẹ bảo, có lần anh Hai giận bố bỏ nhà đi 3 ngày mới về. Lý do là bữa đó anh Hai dẫn bạn gái về chơi. Bạn gái không đi một mình mà đi với 2 cô bạn thân. Cả nhóm kéo nhau ra vườn chơi đến chiều mới về. Sáng hôm sau bố ra vườn thì hỡi ôi, cành lá xơ xác, trái non rụng đầy gốc cây. Bố không tiếc trái, mà bố thương cây. Hái trái cũng phải biết cách, chứ hái ẩu tả như vậy cây mất sức lắm. Bữa trưa, trong lúc ăn cơm bố nói nặng nhẹ sao đó mà anh Hai bỏ nhà đi. Bị la, anh không cãi, nhưng ấm ức nói với mẹ: “Nếu con Út làm vậy, bố có la nửa lời không? Con cũng là con bố kia mà…”.

Anh Hai nói đúng, bố chẳng khi nào la mắng gì Nhiên. Có lần Nhiên gặp sự cố trong công việc, buồn quá liền đón xe về nhà, ra thẳng vườn ngồi bệt xuống chỗ bố đang làm. Nhiên không muốn khóc nhưng nỗi tủi hờn không cầm được nước mắt. Bố đi hái cho Nhiên mớ ổi sẻ, trái vú sữa vừa chín tới, thêm vài trái sầu riêng rụng lăn lóc dưới gốc cây, đem cho Nhiên rồi lẳng lặng đi làm công việc của mình. Bữa đó, chờ mãi không thấy bố con về, mẹ vào đã thấy bố làm món gà nướng đất sét cho Nhiên. Bố lấy gà ra khỏi lớp than hồng, gà vừa chín tới, ứa nước ngọt dậy mùi thơm phức. Thấy bóng dáng mẹ từ xa, biết là mẹ sẽ lớn tiếng làm ồn, bố đưa tay lên miệng ra hiệu im lặng, để cho Nhiên ngủ. Mẹ khẽ lắc đầu, đúng là chỉ có con gái rượu mới được bố cưng chiều đến vậy.

Bố cũng quen với việc Nhiên chẳng trả lời tin nhắn nên không chờ đợi gì, vẫn cần mẫn gửi đi mỗi ngày. Bữa nay, không dưng Nhiên muốn nổi cáu vô cớ với bố nhưng kịp kềm lòng lại.

“Vẫn chưa à?” - sếp hỏi Nhiên trước khi vào phòng mình. Nhiên không buồn trả lời, chỉ lắc đầu với anh.

Trưa, bóng nắng thẳng đứng trên tàn cây. Sếp báo tin với Nhiên: “Phía đối tác trả lời qua mail rồi. Họ nói cho họ thêm ít thời gian để thẩm định kỹ hơn. Xem như còn hy vọng nhé?”. Nhiên cùng những đồng nghiệp của mình thở phào. Đó không phải điều mà Nhiên mong đợi, nhưng dù sao điều đó vẫn tốt hơn là tin nhắn từ chối.

***

Buổi sáng Chủ nhật, nền trời trong veo. Hiếm khi Nhiên rảnh rỗi nguyên ngày nên quyết định tự thưởng cho mình một ly cà phê sữa sóng sánh thơm ngon nơi quán quen. Từ trên tầng lầu, bên ô cửa kính nhìn xuống, Nhiên thấy phố xá như thênh thang hơn. Những hàng cây bên đường sau cơn mưa lớn đêm qua đã trôi sạch bụi bẩn, để lại màu xanh mát mắt. Nhìn cây, Nhiên nhớ đến bố. Cô chợt nhớ ra hình như mấy hôm rồi mình không nhận được tin nhắn chúc ngày mới tốt lành của bố.

Ở tài khoản mạng xã hội của Nhiên, tin nhắn mới khiến màn hình bật sáng liên tục. Thời này mọi thứ đều có hội nhóm, từ công việc, bạn bè đến tổ khu phố, các hoạt động khác. Vì vậy mà tin nhắn của bố đã trôi xuống thật sâu. Chỉ qua vài thao tác, Nhiên đã có thông tin cần tìm. Hóa ra tin nhắn sau cùng của bố cách đây đã hơn tuần. Nhiên lấy làm lạ. Thường thì mỗi ngày bố đều nhắn cho Nhiên, có khi cả sáng và tối. Nhưng sao suốt mấy ngày nay bố không nhắn cho Nhiên?

Những ý nghĩ mơ hồ khiến Nhiên càng thêm lo lắng. Nhiên vội nhắn cho bố: “Bố ơi!”. Một lúc vẫn chưa thấy tín hiệu “đã nhận” như mọi lần. Nhiên sốt ruột gọi cho anh Hai. Anh ngủ nướng hay là có chuyện gì rồi? Nhiên gọi cho mẹ. Trong điện thoại, giọng mẹ tỏ ra bình thản: “Bố con bệnh nằm mấy hôm nay. Mẹ đang nấu cháo cho bố đây. Nhưng không sao, bệnh cũ thôi nên con đừng lo. Khi nào bố khỏe lại, mẹ sẽ đưa điện thoại cho bố dùng. Bố dặn mẹ giấu con vì không muốn ảnh hưởng công việc của con”. Mẹ trả lời rõ ràng, đầy đủ rồi cúp máy.

Nhiên rời khỏi quán, để lại ly cà phê còn đầy nguyên chưa đụng tới. Cô ra thẳng bến xe mua vé về quê.

Trên xe, suốt dọc đường Nhiên chẳng thể nào chợp mắt. Cô xem từng bức ảnh bố gửi cho mình qua tin nhắn mỗi ngày. Trong số đó, chỉ vài lần Nhiên trả lời lại. Cô đã bận rộn vì điều gì để đến cả tin nhắn trả lời bố chỉ mất vài giây thôi mà cũng không làm được? Ý nghĩ ấy khiến Nhiên không thể tha thứ cho mình. Trên xe, giọng Trần Tiến như không phải đang hát mà thổn thức bên tai cô: “Về đi em làng quê cũ/ có con sông xưa vỗ về/ Về ôm vai mẹ уêu dấu/ để được khóc như đứa trẻ thơ”… Dòng nước mắt chảy tràn trên mi Nhiên từ lúc nào.

Nhiên về không báo trước khiến cả nhà bất ngờ. Người vui nhất là bố. Bố nằm trên giường, nhưng chỉ thấy Nhiên là gượng dậy như phản xạ. Bố bảo: “Mùa này nước tràn bờ, cá linh nhiều lắm. Để bố đi bắt ít về nấu canh cho con ăn”. Mẹ trừng mắt với bố: “Ông lẩm cẩm à? Tưởng mình còn khỏe lắm chắc?”. Rồi mẹ sai anh Hai: “Con qua xem thằng Cò đi đồng về có cá linh xin ít trưa mẹ làm món cho em”. Anh Hai “dạ” rồi chạy đi thật nhanh trước khi đón ly cà phê Nhiên vừa mua dọc đường mang về cho anh Hai.

Nhiên ngồi cầm tay bố. Bàn tay bố gầy, những đường gân xanh nổi cộm trên lớp da. Nhiên cứ ngồi vậy, chẳng nói được câu nào với bố. Mẹ đi lên đi xuống mấy lần, nói xen vào: “Có con gái về là khỏe lên ngay ấy mà!”.

***

Buổi trưa đầu tuần, sếp gọi cho Nhiên. Nhiên đoán chừng sếp vừa mới họp xong, hẳn là có thông tin gì đấy muốn truyền đạt. Nhưng Nhiên vào đề trước: “Anh tìm người giúp em trong giai đoạn này, em muốn ở nhà thêm với bố…”. Vừa lúc mẹ đi hái rau về đến nên Nhiên tắt luôn điện thoại. Sợ mẹ biết Nhiên sốt ruột công việc, không cho Nhiên ở lại với bố.

Mẹ vừa đi qua Nhiên mấy bước, tín hiệu điện thoại vang lên. Là số của sếp. Không dưng Nhiên có suy nghĩ khác. Hay là nghỉ việc? Như vậy đỡ bận lòng cho cả hai bên. Dù sao cũng chỉ là công việc, cánh cửa này đóng sẽ có cánh cửa khác mở ra, chỉ bố là có một thôi. Chẳng đợi sếp lên tiếng, Nhiên nói một lèo: “Em nghĩ rồi, em xin nghỉ việc. Vài hôm nữa em sắp xếp trở lại công ty để bàn giao công việc. Nhờ anh hỗ trợ nốt giúp em giai đoạn này nhé?”. “Không được” - giọng sếp lạnh lùng qua điện thoại. Nhiên chưa kịp hiểu chuyện gì thì sếp nói luôn: “Khách hàng đã đồng ý dự án của team em, không có em, ai là người thực hiện?”. “Hả, anh nói sao?” - Nhiên mừng rỡ tưởng mình nghe lầm. “Dự án này được duyệt là cứu cả công ty mình trong giai đoạn kinh tế khó khăn luôn đó. Thay mặt công ty, anh cảm ơn em! Trước mắt em cứ ở nhà chăm sóc bố, mình làm việc online với nhau trong giai đoạn này cũng được”.

Buổi sáng. Nhiên thức giấc trong tiếng chim hót đầu ngày. Vài tia nắng sớm đã trải vàng trên tán lá. Không gian nơi miền quê trong lành quá! Như thói quen, Nhiên tìm điện thoại xem thông tin. Cô run run chạm vào tin nhắn đến từ số của bố: “Chào con gái! Chúc ngày mới tốt lành!”. Dòng chữ được chèn trên tấm ảnh ngày Nhiên nhận bằng tốt nghiệp, bố vẫn còn lưu giữ. Nhiên chạm vào biểu tượng trái tim, kèm lời nhắn: “Con cảm ơn vì bố đã khỏe lại!”. Nhiên nhủ thầm, chắc chắn từ bây giờ, cô sẽ không lướt qua những tin nhắn đầu ngày của bố. Vì đó mới là tin nhắn quan trọng nhất với Nhiên.

Nhiên gặp mẹ ở nhà bếp, mặt mẹ cũng tươi tỉnh hơn mọi hôm: “Bữa nay bố con khỏe hơn nên ra vườn dạo bộ từ sớm rồi. Chắc lại đi bói trái cây cho con gái rượu chứ gì?”. Mẹ bĩu môi mà giọng thì tràn đầy hạnh phúc.

Nhiên thấy mình như đứa trẻ năm nào, chờ đón từng trái chín bố trao, trong niềm háo hức…

Một ngày mới tốt lành!

LA THỊ ÁNH HƯỜNG

;
;
.
.
.
.
.