Những tiếng nói mạnh mẽ của châu Á

.

Không dễ đi tìm sự đồng nhất của chín giọng nói trong tuyển tập Tuyệt duyên vì sự khác biệt dễ nhận thấy ở chín nhà văn. Những truyện ngắn này nối tiếp nhau ngân lên, đưa độc giả từ chốn thảo nguyên trùng trùng hiểm trở của Tây Tạng tới sông nước miền Tây Nam bộ Việt Nam.

Ngoài Nguyễn Ngọc Tư, có lẽ hầu hết những nhà văn xuất hiện trong hợp tuyển Tuyệt duyên (Tama Duy Ngọc dịch, NXB Trẻ 2024) khá xa lạ với bạn đọc Việt Nam. Sayaka Murata cũng là một cái tên quen khác, tiểu thuyết Cô nàng cửa hàng tiện ích của cô đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam. Tác phẩm này đoạt giải Akutagawa danh giá của Nhật, được dịch sang nhiều thứ tiếng, một cuốn sách bán chạy tầm quốc tế.

Còn lại, gần như chưa từng xuất hiện ở Việt Nam. Điều này tạo được sự tò mò. Như trường hợp Lhacham Gyal một nhà văn người Trung Quốc sinh ở châu tự trị Hải Nam Tây Tạng, tỉnh Thanh Hải.

Với chủ đề “tuyệt duyên” ông gửi đến bạn đọc truyện ngắn Tuyết liên hoa nở dưới hố sâu. Thông qua tự sự của một thanh niên Tây Tạng làm việc với đồng lương ít ỏi ở công ty sách nọ, ông đã vẽ ra đời sống đầy mơ mộng và khát vọng nhanh chóng bị dập vùi dưới cái khắc nghiệt của hiện thực, trong nền kinh tế đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Giống như tay giám đốc công ty sách, người lúc nào cũng nhân danh những lý tưởng cao cả để bóc lột nhân viên.

Lhacham Gyal không khai thác sâu các yếu tố địa phương để thu hút độc giả vốn đã quen với các bối cảnh đô thị hiện đại. Thế giới trong Tuyết liên hoa nở dưới hố sâu là thế giới của tâm trạng, được tâm trạng dẫn dắt. Đan xen giữa hồi ức ở Tây Tạng, người bạn ấu thơ, thất bại đầu đời và những chuyện vật đổi sao dời với hiện thực chênh vênh, bất an, không biết tương lai sẽ về đâu.

Đó là tình thế chung của nhiều người trẻ rời thôn quê để tìm kiếm những vận hội mới chốn đô thành. Chàng thanh niên trong truyện có cảm giác đang ở chốn vô định vì dường như anh là cái cây bị bứng khỏi mảnh đất hợp với mình, không còn cội rễ nên trở thành chơi vơi.

Tác giả duy trì một giọng bình thản, dịch chuyển tuần tự giữa hai vùng quá khứ và thực tại. Ẩn sau cái vẻ bình thản đó là nỗi buồn man mác trước số phận bi ai, nhưng dường như tất yếu, được báo trước.

Tuyết liên hoa là loài thực vật quý hiếm mọc ở Hy Mã Lạp Sơn. Hố sâu kia ngập tràn bóng tối như định mệnh các nhân vật trong truyện không thể nào tránh khỏi. Những giữa bóng tối khôn cùng ấy tồn tại loài hoa gần như siêu thực, không ngừng tỏa rạng cũng như con người không ngừng hy vọng, dẫu hiện thực phũ phàng đến mức nào.

Nhà văn Chung Serang trong lề đề tựa của tập sách đã giải thích lý do cô chọn “tuyệt duyên” là chủ đề chung. “Tôi nghĩ đây là từ khóa cô đọng được bản chất của thời đại mà chúng ta đang sống. Mỗi cá thể trong thời đại này buộc phải liên tục đưa ra những quyết định liên quan đến giá trị quan trong một thế giới thay đổi như vũ bão, và sau mỗi quyết định có khi sẽ là một lần chia ly”.

Nhưng “tuyệt duyên” không chỉ đơn giản nói chuyện chia ly, nó còn là một thái độ sống, đôi khi là sự đoạn tuyệt. Giống nhân vật trong truyện “Người vợ” của nhà văn người Singapore, Alfian Sa’at.

Theo thông tin từ dịch giả bản tiếng Nhật Hikaru Fuji, Alfian Sa’at là một trong số khoảng 500.000 người Mã Lai sống ở Singapore. Cộng đồng Mã Lai ở đây theo đạo Hồi. Bản thân nhà văn sáng tác bằng tiếng Mã Lai và tiếng Anh. Trong văn hóa của người Mã Lai cho phép đa thê. Các nhân vật trong truyện là người Mã Lai, những trí thức có bằng đại học đồng nghĩa với chuyện họ là những cá nhân ưu tú trong cộng đồng. Hai vợ chồng trí thức ngỡ như có đời sống viên mãn, nhưng ở tuổi bốn mươi, họ không có con, nên người vợ quyết định để chồng mình lấy vợ lẽ (một điều hoàn toàn hợp pháp theo luật Hồi giáo). Người này chính là mối tình thời đại học của chồng, nhưng do khác biệt giai cấp mà cả hai không đến được với nhau. Người phụ nữ đó nay là giáo viên, vẫn còn độc thân.

Alfian Sa’at bày ra tình huống phức tạp. Rõ ràng độc giả đang chờ đợi ở những trí thức trẻ trưởng thành trong thời hiện đại có một hướng đi khác, một suy nghĩ khác, thoát khỏi truyền thống. Nhưng cuối cùng, khi đứng trước những bế tắc của cuộc sống, họ lại chọn giải pháp cũ. Điều đó cho thấy quá khứ là thứ vẫn hiện diện trong đời sống chúng ta, chi phối chúng ta, ăn sâu đến mức khó đứt lìa. Sự “tuyệt duyên” trong truyện Người vợ vừa là đoạn tuyệt với một quãng đời vừa là đoạn tuyệt với tương lai, với một hướng đi khác ở đó hạnh phúc đôi lứa không cần phải sẻ chia.

Nhưng rồi ta cũng tự hỏi. Nếu ngày xưa người chồng và người vợ lẽ dẹp bỏ được những định kiến giàu nghèo cố hữu, hoặc giả thời điểm hiện tại họ chọn lựa bước qua quá khứ để hướng tới tương lai, thì liệu mọi thứ có khác không?

Truyện Người vợ của Alfian Sa’at gợi nhớ Trăng soi đáy giếng của Trần Thùy Mai ở hoàn cảnh tương đồng của nhân vật. Tuy vậy, Người vợ cho thấy một thế giới châu Á phức tạp, đa dạng bởi sự giằng xé giữa truyền thống với xã hội tưởng rằng không còn ranh giới.

Những sự nhập nhằng xuất hiện ở hầu hết trong các truyện ngắn. Như nhân vật biên tập viên truyền hình trong truyện của Chung Serang băn khoăn, dò dẫm trước những lựa chọn. Hay Cháy của Lertwiwatwongsa là sự dấp dính của số phận cá nhân với những biến động ở đất nước Thái Lan hiện đại. Chuyển đổi liên tục giữa các trường đoạn rời rạc, uể oải, của một thực tại chán chường như “Thành phố đang chết dần. Bạn đang sống để từ từ thiêu rụi mình” hay “khi tia sáng mặt trời đầu tiên xuất hiện vào sáng mai thì nó cũng đã hóa ra tro, tàn tro của những thứ từng đến đỉnh vinh hoa rồi cứ thế suy tàn”.

Tuyển tập Tuyệt duyên hình thành từ những trao đổi của biên tập viên Nhật Bản với nhà văn Hàn Quốc Chung Serang. Các biên tập viên đặt hàng chín nhà văn châu Á viết truyện ngắn lấy chủ đề “tuyệt duyên”. Điều này, tưởng đơn giản nhưng với sự đa dạng ngôn ngữ thì không dễ dàng gì. Nhưng cuối cùng, tuyển tập đặc sắc này cũng ra đời, góp phần cho độc giả hình dung sơ về những “tiếng nói Á châu” khác bên cạnh nền văn học Việt Nam của chúng ta.

HUỲNH TRỌNG KHANG

;
;
.
.
.
.
.