Đây là lần thứ tư Ngân chuyển chỗ ở. Mỗi lần chuyển ngôi nhà lại nhỏ hơn và càng thêm xa trung tâm thành phố. Chiếc xe ba gác nảy lên nảy xuống như một trái banh khi chạy trên con đường đầy những vũng nước lớn nhỏ. Ngân chạy xe máy đi sau, thỉnh thoảng phải dừng lại để tránh một chiếc xe ngược chiều kẻo bị tạt nước ướt hết. Những vũng nước đọng lại sau mưa y như những vết sẹo lõm xấu xí trên lòng đường. Cuối cùng chiếc ba gác cũng dừng lại trước một căn nhà cũ, cổng đã gỉ sét cả. Lần đầu đến đây coi nhà, Ngân đã định quay đi nhưng khi nghe chủ nhà bớt thêm vài trăm Ngân phân vân. Rồi khi nhìn thấy cây quỳnh anh được trồng ở góc sân Ngân bất giác gật đầu. Sao mà giống mấy cây quỳnh anh má trồng trong sân nhà ở quê quá chừng!
Tài xế ba gác dỡ đồ xuống đem vào chất trong sân rồi rồ máy rời đi. Ngân bước vào nhà, mùi ẩm mốc xộc lên. Nơi này chắc lâu rồi không có người ở, hoặc người thuê trước Ngân rời đi đã lâu lắm. Nhìn mớ mạng nhện giăng trên vách tường Ngân buồn ngẩn ngơ. Thất nghiệp mấy tháng nay, chẳng biết Ngân sẽ ở đây hay lại chuyển đi một nơi nào đó xa hơn nơi này. Mà có thể đến khi kiệt quệ, Ngân sẽ mỏi mệt bắt một chuyến xe để về quê. Thành phố này hình như chẳng có chỗ cho Ngân nữa.
Đang lúi húi dọn dẹp, cánh cửa sắt bị đẩy sang một bên kêu lên ken két. Ngân giật mình ngưng chổi quay ra nhìn. Một thằng bé gầy đét, đội cái nón tai bèo rách bươm chìa cho Ngân mấy tờ vé số.
- Mua giùm con mấy tờ đi cô, biết đâu chiều nay cô làm tỷ phú.
Ngân nhìn thằng bé, nhíu mày cảnh giác. Tay chân nó khẳng khiu như mấy que củi, chỉ có đôi mắt sáng trưng vẫn đang nhìn Ngân chờ đợi. Khi nhìn xuống chân, Ngân mới nhận ra một con chó con tập tễnh quanh đôi chân cáu bẩn, dính đầy bùn. Thằng bé phân bua là chó của mình rồi nhe hàm răng bị sún hai răng cửa ra nham nhở cười. Ngân lục túi trên túi dưới, có mười ngàn tiền lẻ ông ba gác thối lúc nãy. Ngân lấy tiền, nhét vào tay nó bảo mình cho chứ không mua vé số.
- Ý, đâu có được cô. Con bán vé số chứ có xin cô đâu. - Nó lắc đầu nguầy nguậy, lấy một tờ vé số đưa cho Ngân. Ngân cười, bỏ vào túi áo.
Thằng bé nhìn mớ đồ đạc ngổn ngang hỏi: “cô mới chuyển tới đây à?”. Ngân gật đầu. Thằng bé bảo lâu rồi căn nhà này mới có người dọn đến vì cũ quá không ai muốn thuê. Rồi nó giới thiệu mình tên Khang, nhà ở đầu đường, nay ế quá nó đi lòng vòng mời bà con trong xóm. Khang đưa xấp vé số lên trước mặt, nhâm nhẩm đếm. Rồi cũng như lúc đến, Khang chào Ngân rồi nhanh chân đi ra sân, không quên khép cánh cửa sắt lại. Bầu trời kéo mây đen kịt, Ngân thở dài, chút xíu nữa thôi cả đất trời sẽ chìm trong cơn mưa xối xả.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
***
Nhìn vẻ mặt không cảm xúc của người phỏng vấn khi bảo: “có gì sẽ liên hệ lại”, Ngân đoán lần này mình sẽ không được nhận. Ngân cầm xấp hồ sơ, đi từng bước chân nặng nề ra bãi gửi xe. Không biết đã bao nhiêu lần Ngân rơi vào cảm giác trống rỗng này. Ngân từng có một công việc tốt trong một công ty du lịch. Thu nhập có thể cho Ngân thuê một căn hộ chung cư sống thoải mái giữa trung tâm thành phố. Vậy mà dịch Covid khiến công ty phá sản, đồng nghiệp mỗi người dạt một phương. Ngân chật vật đi qua những ngày phong tỏa. Lay lắt như những con ốc ẩn mình trong đám bùn khô đợi cơn mưa đầu mùa.
Rồi dịch cũng qua, Ngân tự tin cầm hồ sơ có hơn mười năm kinh nghiệm đi xin việc nhưng đa phần là những cái lắc đầu. Có chỗ được nhận nhưng lại kiêm quá nhiều việc với mức lương như sinh viên mới ra trường khiến Ngân chán nản. Có chỗ thì đồng nghiệp trước mặt cười nói nhưng sau lưng đầy chiêu trò đâm lén khiến Ngân mỏi mệt xin nghỉ. Lòng nhiệt huyết của Ngân như mớ than hồng bị dội nước lạnh... Những mối quan hệ thân thiết cũng rơi rụng dần khi Ngân không còn xuất hiện ở những cuộc cà phê tán gẫu. Không biết bao nhiêu lần Ngân soi gương mà giật mình thấy một ai đó giống mình chứ không còn là mình như ngày xưa nữa. Một buổi chiều, nước mắt lẫn với nước mưa nhòe nhoẹt khi Ngân nhìn thấy bạn trai nắm tay một cô gái khác. Ngân chới với như một con diều đang no gió bị đứt dây, nhiều đêm nằm nước mắt cứ trào ra bất lực.
Trời trưa đứng bóng, Ngân buồn thiu lái xe về nhà sau buổi phỏng vấn. Khi rẽ vào con đường lởm chởm ổ gà chợt thấy thằng bé bán vé số đang hối hả đi, con chó co một giò lon ton chạy theo sau. Ngân dừng xe lại, bảo Khang có muốn về thì để mình chở giúp một đoạn. Nghe câu đó, Khang cúi xuống bế con chó rồi nhảy lên xe ngồi, nhanh đến nỗi suýt làm đổ xe. Thấy Ngân ghìm xe lại, Khang gãi đầu nói tại con nôn đem cơm về cho má quá, sợ má đợi lâu đói bụng. Ngân nhấn ga lái xe đi. Lòng Ngân chợt phân vân, thằng bé mới hơn mười tuổi, hẳn má còn trẻ, sao lại phải đợi đứa con mới chừng mười tuổi mang cơm về?
Ngân dừng xe lại theo tay chỉ của Khang. Căn nhà Ngân thuê đã cũ, căn này trông càng thảm hại hơn. Một người đàn bà nghe tiếng động, khó nhọc đi ra. Một tay co quắp, lê những bước chân kéo trên nền nhà.
- Con có cơm sườn cho má nè má ơi!
Khang mừng rỡ giơ cái túi lên khoe. Người đàn bà nở một nụ cười nhưng gương mặt méo làm nụ cười lệch hẳn một bên. Con chó ngoáy tít đuôi, chạy vào liếm mấy ngón chân của má Khang. Ngân lái xe về nhà, những ổ gà to nhỏ bị trời nắng hút cạn nước phô ra những cục đá lởm chởm.
***
Bà Hồng tạp hóa đưa chai nước mắm, tặc lưỡi khi Ngân hỏi về Khang. Mấy năm trước ba thằng Khang đi phụ hồ bị té từ trên giàn giáo, chạy chữa đến khánh kiệt mà cũng không qua khỏi. Mới năm ngoái, má nó đột quỵ. May sao ông trời còn thương tình chứ không bây giờ nó thành đứa trẻ mồ côi mồ cút, chẳng còn người thân nào trên đời. Khang nghỉ học, đi bán vé số nuôi má. Căn nhà mẹ con nó đang ở là người ta thương tình cho ở nhờ chứ nhà đã bán từ cái hồi ba nó té. Bà Hồng nhìn về phía căn nhà lấp ló dưới tán cây tặc lưỡi lần nữa, tội nghiệp chưa thấy ai thương má như Khang. Đi đâu mà ai cho được cái gì ngon nó cũng để dành đem về cho má. Lòng Ngân xao động như mấy cơn gió thổi lao xao trên vòm lá. Ngân nhớ tới đôi mắt sáng trưng và nụ cười hết cỡ khoe hàm răng sún dưới vành nón rách bươm.
Buổi chiều rảnh rỗi, Ngân xới đất vun vào bụi quỳnh anh. Bụi cây dặt dẹo như người ốm đói. Đất lâu ngày không đụng đến chai cứng như nền nhà, mướt mồ hôi Ngân mới xới lên được. Ngân nghe có tiếng cười nắc nẻ, nhìn ra đường thấy Khang chạy phía trước, con chó lũn cũn chạy theo sau, y hệt hai đứa trẻ con nô đùa dưới ánh chiều. Sực nhớ tới bịch bánh mua lúc sáng, Ngân phủi tay đứng dậy, gọi với theo Khang. Thằng bé nghe tiếng gọi quay đầu nhìn rồi đi lại cổng, đưa ánh mắt ngạc nhiên nhìn Ngân. Khi Ngân chìa bịch bánh trước mặt, Khang cười tươi, bế bổng con chó lên: “chiều nay có bánh cho má ăn rồi nè Mon”.
- Mon là tên con chó hả?
- Mon là Đô Rê Mon á, vì con thấy nó tròn y như con mèo máy vậy.
Khang đưa tay vuốt ve con chó nãy giờ vẫn được Khang bế trên tay. Khang bảo mình lượm nó mấy tuần trước khi đi bán vé số. Con chó kêu ăng ẳng, bộ lông sũng nước, nằm sát một bờ tường sứt mẻ lòi cả những viên gạch bên trong. Cái chân trước nhầy nhụa máu. Hình như có chiếc xe máy nào đó đã cán qua chân nó. Thương quá, con bế con chó về nhà cho ăn cơm, ủ ấm, bôi thuốc vô chân. Con tưởng nó chết rồi vì cái chân nặng lắm. Vậy mà giờ nó đã chạy theo con được rồi.
Con chó tròn vo, bộ lông mướt rượt, đôi mắt như hai viên bi đen lóng lánh. Nó cứ đưa cái lưỡi mềm mại của mình không ngừng liếm vào tay Khang. Rồi Khang thả con chó xuống đất, chào Ngân rời đi. Nhìn thằng bé nhảy chân sáo về nhà, trên tay cầm bịch bánh, con chó lũn cũn chạy theo sau Ngân nghe lòng mình thật êm.
***
Nắng len qua đám lá ken dày thả những những chùm bóng nắng rớt xuống sân nhà. Khi Ngân ghé nhà, Khang ngồi canh con Mon đang phơi nắng. Bộ lông thơm mùi xà bông vẫn còn ướt. Thấy Ngân, Khang mừng rỡ chạy ra kéo Ngân vào nhà chơi. Ngân nhìn vào trong, Khang nói nhỏ má vừa mới ngủ.
Con chó tinh nghịch không chịu nằm dưới nắng cứ lăng xăng hết chỗ này đến chỗ kia làm Khang mướt mồ hôi đuổi theo. Nhìn đôi tay gầy guộc giữ lấy con chó, miệng không ngừng vỗ về để con chó nằm yên tự nhiên lòng Ngân dâng lên sự thương mến lạ lùng với Khang. Ngân hỏi Khang có cực nhiều lắm không? Khang lắc đầu. Đôi mắt Khang nhìn vội vào trong nhà, bảo mình còn có má, nhiều người đâu còn má để thương như con. Rồi con còn có nhà để ở, nhiều người còn phải ngủ gầm cầu. Khang đưa tay chỉ, cô thấy cây cầu đằng kia không. Hễ đến tối, ông Bảy mù với mấy người nữa bán vé số nữa tới lót ni lông ra ngủ đó cô. Giọng Khang chùng lại, mà ông Bảy chết rồi, ho ra máu lâu ngày mà không tiền uống thuốc. Giờ chỗ của ông Bảy có người khác thế vào rồi.
Gió thổi mát rượi trên tán xoài. Khang ngước nhìn lên, cười giòn đưa tay chỉ mấy chùm trái lấp ló, bảo khi nào xoài chín sẽ hái cho Ngân ăn. Như sực nhớ ra điều gì, Khang chạy tới gốc xoài lôi ra một cái bao tải nhỏ được cột cẩn thận. Ngân ngạc nhiên nhìn cái bao. Khang bảo con đi bán vé số xa lắm, qua chỗ kia thấy người ta nuôi bò nhiều. Thấy mớ phân bò khô con nhớ cô có trồng cây trong sân nên hốt bỏ bao đem về cho cô nè. Ngân rưng rưng nhìn thằng bé. Hình như lâu lắm rồi mới có người quan tâm Ngân những điều nhỏ nhặt như vậy.
***
Cơn mưa đêm rửa trôi hết vẻ u ám, sáng nay mặt trời bừng lên trong nắng mới. Ngân nhìn cô gái mặc váy trắng trong gương, không quên thoa thêm chút son đỏ để tươi tắn hơn trong cuộc phỏng vấn quan trọng hôm nay. Một người bạn lâu ngày không gặp, đã giới thiệu một vị trí rất hợp với kinh nghiệm của Ngân. Khi dắt xe máy ra, Ngân suýt kêu lên khi nhìn bụi quỳnh anh đã nở những bông hoa vàng rực. Ngân chạy lại nhìn, trên nền lá xanh mướt những bông hoa căng tràn sức sống và nhiều nụ hoa xen lẫn. Chỉ mới bón phân hai tuần thôi mà cây quỳnh anh đã tươi tốt hẳn.
Ngân ghé nhà để Khang đi nhờ ra trung tâm bán vé số. Thằng bé chạy ra đường, tính leo lên xe nhưng lại chạy ngược vào để hôn má mình một cái. Má Khang một tay vịn bờ tường, tay kia đưa lên vẫy vẫy. Khi ngồi trên xe, con chó được Khang ẵm như em bé bên hông. Miệng thằng bé không ngừng líu lo nói chuyện với con chó. Ai đi ngang cứ ngỡ Khang rổn rảng cùng đứa bạn đồng trang lứa.
Ngân nhắc Khang trưa đứng ở cây xăng, Ngân xong việc sẽ rước về. Tụt xuống xe, Khang sửa lại cái nón. Trước khi hòa vào dòng người đông đúc, Khang chìa cho Ngân một viên kẹo: “cho cô nè”. Ngân cho viên kẹo vào miệng, nhìn Khang nhảy chân sáo trên đường con đường ngập nắng. Ngân mỉm cười, nghe những dư vị ngọt ngào lan trong lòng mình…
NGUYỄN THỊ NHƯ HIỀN