Sách mới, sách hay

.

1. “Kiến trúc đô thị và cảnh quan Sài Gòn Chợ Lớn xưa và nay" của các tác giả Nguyễn Đức Hiệp, Tim Doling, Võ Chi Mai thực hiện (NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tái bản 8-2024) ghi lại nét sinh hoạt của người Chợ Lớn hơn 100 năm trước. Tác phẩm có thể giúp bạn đọc khám phá thêm nhiều khía cạnh văn hóa xã hội, kiến trúc đô thị miền Nam từ cuối thế kỷ XIX đến nay.

Một thành phố có sức thu hút quyến rũ du khách và người dân không chỉ ở sức mạnh kinh tế, bề dày lịch sử mà còn do cá tính nhân văn của cư dân và cảnh quan gây những ấn tượng, cảm hứng nghệ thuật cho cộng đồng và các sáng tác văn hóa nghệ thuật đa dạng của những nghệ sĩ. Mà cảnh quan đặc thù đó phát sinh và duy trì chính từ tư duy của con người và phản ảnh phong cách, triết lý sống của cư dân nơi đó.

Một thành phố lớn có tầm vóc thu hút đều có các đặc tính trên và những người nhập cư cũng làm phong phú thêm đời sống kinh tế, xã hội và văn hóa của thành phố mà họ được nuôi dưỡng đã bộc lộ được tài năng của họ. Một sự hỗ tương có lợi cho cá nhân và cộng đồng. Sự thanh lịch nhân văn đó cần được bảo trì và phát huy trong một hệ sinh thái năng động hữu cơ.

Quyển sách trình bày những hình ảnh của các kiến trúc và cảnh quan đô thị có giá trị về mỹ quan, văn hóa và lịch sử ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Ngoài ra còn có một số hình ảnh xưa và nay ở cùng địa điểm để người đọc có thể thấy sự thay đổi qua thời gian các cảnh quan, kiến trúc cùng với các sự kiện, thông tin về lịch sử và các câu chuyện liên quan tạo nên dấu ấn ký ức đô thị và đặc thù của thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn.

2. “Viễn ca” (NXB Văn học, 8-2024) là tập thơ thứ 3 của nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh. Tác giả vốn là người không có xu hướng cách tân hay cầu kỳ ngôn ngữ trong thơ. Với anh, thơ phải là khúc ca của cảm xúc và dù thi sĩ có làm gì, tìm tòi ra sao, thì cuối cùng vẫn chỉ để bật lên những cảm xúc chân thành, đắm đuối nhất mà thôi. Thuở sinh viên, trong phong trào Thơ sinh viên của Đại học Tổng Hợp Hà Nội, không thể không nhắc đến chàng lãng tử Nguyễn Tiến Thanh trong những đêm thơ nồng nàn. “Đêm cư xá nhớ về đêm cư xá”. Và thơ anh đã được chép trong nhiều cuốn sổ tay sinh viên, có người còn giữ đến tận bây giờ.

Giọng điệu chủ đạo trong thơ anh là buồn, khi nhà thơ khao khát “Phục sinh ánh sáng trên ngơ ngác buồn”. Câu thơ chớp được cái thần của thi sĩ Nguyễn Tiến Thanh. Trong thơ, anh là kẻ bồng bột đầy mong manh trước “Chiều không tên như vết mực giữa đời/ Anh ngắt nắng xem hoàng hôn rớm máu”; nhưng lại mang tinh thần hiệp sĩ “Ta vốn chẳng thèm kiêng gió cát/ Đầu trần đi giữa nắng nhân gian”.

Đến với "Viễn ca", thơ vẫn chính là một hình thức sống, một nơi náu trú của cảm xúc. Có những cơn gió tình yêu thổn thức thổi qua bầu trời tháng 6 tuổi dại với một ưu thuyền ngơ ngác tim chở “gió huy hoàng”.

Tình yêu lứa đôi là đặc quyền trong thơ Nguyễn Tiến Thanh, thì đề tài đất nước, tuy viết không nhiều, nhưng anh đã phả vào đó hơi thơ trữ tình đầy trách nhiệm công dân. Tự hào về Tổ quốc, mỗi người lính như một cột mốc sinh mệnh chủ quyền biển đảo quê hương. Đại dương đổ ập vào thơ anh, tráng lệ của trời nước và niềm khao khát được trở về đất liền, trong lòng mẹ ấm êm.

Những lời anh viết giản dị nhưng đẹp như một huyền tích. Trong bóng tà dương của buổi chiều năm tháng, khi bóng tối rót đầy, có người cất khúc Dạ ca. Giữa khuya sâu, chuyển động câu thúc bởi những phím buồn cắt vào da thịt, “nồng nàn” gió, “phập phồng” máu ứa mặt sông, người thơ tuẫn đạo khổ nạn trên bức tường thời gian.

MẪU ĐƠN

;
;
.
.
.
.
.