Sân chơi của những "công dân toàn cầu"

.

"Kết nối công nghệ, con người và thiên nhiên" là chủ đề cuộc thi tranh biện dành cho sinh viên lần thứ ba, năm 2024 do Đoàn thanh niên - Hội sinh viên Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), Văn phòng hợp tác Hội động vật học Frankfurt - Khoa Sinh-Môi trường, phối hợp tổ chức. Đây là sân chơi bổ ích giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng tranh biện, qua đó nâng cao nhận thức gắn kết giữa sự phát triển công nghệ với con người và thiên nhiên.

Cuộc thi tranh biện dành cho sinh viên giúp người trẻ chia sẻ quan điểm, trau dồi kiến thức và rèn luyện những kỹ năng mềm. Ảnh: L.V
Cuộc thi tranh biện dành cho sinh viên giúp người trẻ chia sẻ quan điểm, trau dồi kiến thức và rèn luyện những kỹ năng mềm. Ảnh: L.V

Tham gia cuộc thi, sinh viên được tập huấn kỹ năng tranh biện, thể lệ thi đấu theo Luật tranh biện Nghị viện châu Á (Asian Parliamentary) và làm quen với tư duy phản biện, nghiên cứu, thuyết trình, làm việc nhóm, quy tắc ứng xử của tranh biện viên.

Dựa theo thể thức thi đấu của Luật tranh biện Nghị viện châu Á, mỗi trận đấu có 2 đội tranh biện về một kiến nghị do ban tổ chức đưa ra. Một đội có vai trò ủng hộ kiến nghị, đội còn lại có nhiệm vụ phản đối. Mỗi đội gồm 3 người, trình bày theo lượt. Với chủ đề “Kết nối công nghệ, con người và thiên nhiên”, nhiều kiến nghị đã được gợi ý, như sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giáo dục môi trường và thiên nhiên; tác động của mạng xã hội với nhận thức và hành động của giới trẻ với các vấn đề môi trường; vai trò then chốt của công nghệ trong việc ngăn chặn hoặc làm chậm quá trình cạn kiệt tài nguyên toàn cầu; việc sử dụng blockchain để theo dõi nguồn gốc và quá trình sản xuất thực phẩm…

Kết quả chung cuộc, quán quân cuộc thi là đội ST - liên quân Trường Đại học Sư phạm và Viện Anh ngữ và Đào tạo Việt - Anh. Là đội nhỏ tuổi nhất trong đêm chung kết, các thành viên ST vẫn tự tin với nội dung liên quan sự phát triển của du lịch với thiên nhiên và môi trường.

Đại diện đội ST, sinh viên Nguyễn Trần Hải Anh, lớp 24CLS, khoa Lịch sử (Trường Đại học Sư phạm) chia sẻ: “Trong thời gian ngắn, nhóm phải tìm kiếm, xử lý các thông tin và tập hợp thành những luận điểm để phản biện với đội bạn. Trong đó, những dẫn chứng về các danh thắng, đơn cử như Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) được nhóm khai thác cụ thể".

Ý tưởng về cuộc thi tranh biện cho người trẻ được Ths. Nguyễn Thị Kim Yến, Điều phối chương trình hợp tác giữa Hội Động vật học Frankfurt tại Việt Nam và Khoa Sinh - Môi trường ấp ủ từ năm 2018, sau khi chị tham gia khóa học "Wildlife Conservation Course" do Tổ chức Wildlife Conservation Research Unit phối hợp Đại học Oxford và Đại học Nottingham tổ chức.

Đến năm 2019, chị Yến thử nghiệm mô hình tranh biện tại một học phần lý thuyết trong khóa tập huấn bảo tồn thú linh trưởng Việt Nam, làm tiền đề ra đời giải tranh biện thí điểm mang chủ đề “Bảo tồn rừng và vấn đề sinh kế cộng đồng”. Từ thành công bước đầu của mô hình, cuộc thi tranh biện dành cho sinh viên trở thành giải đấu chính thức và thường niên tại Trường Đại học Sư phạm từ năm 2022.

Anh Lê Vũ Trường Sơn, Phó Bí thư Đoàn thanh niên, Phó Chủ tịch Hội sinh viên Trường Đại học Sư phạm chia sẻ, chủ đề “Kết nối công nghệ, con người và thiên nhiên” mang tính thời sự trước những biến đổi khó lường của thiên nhiên hiện nay. Cuộc thi tranh biện không chỉ là sân chơi để sinh viên thể hiện quan điểm cá nhân, mà còn là cơ hội để các bạn rèn luyện sự tự tin, trau dồi kỹ năng lắng nghe, tiếp thu và tôn trọng ý kiến của người khác. Qua mỗi cuộc tranh luận, các bạn học được cách bảo vệ quan điểm của mình một cách logic và thuyết phục, đồng thời mở rộng sự hiểu biết bằng cách lắng nghe những quan điểm dưới nhiều góc nhìn khác nhau.

Qua ba mùa tổ chức, cuộc thi tranh biện cho sinh viên thu hút sự tham gia đông đảo của sinh viên từ các trường thành viên của Đại học Đà Nẵng. Theo sinh viên Nguyễn Trần Hải Anh, việc tham gia sân chơi này giúp người trẻ trưởng thành hơn. Đặc biệt là học được cách tìm kiếm, tiếp nhận thông tin chính xác thông qua nền tảng công nghệ và trình bày quan điểm của mình với cộng đồng.

LÂM VIÊN

;
;
.
.
.
.
.