Tháo gỡ điểm nghẽn thể chế để khơi thông nguồn lực phát triển

.

Sáng 21-10, phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, phải vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Theo Tổng Bí thư, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, có vấn đề vượt dự báo, chưa từng có tiền lệ, đặt ra khó khăn, thách thức rất lớn đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chúng ta vẫn cơ bản hoàn thành và vượt chỉ tiêu đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của năm 2024, trong đó có nhiều điểm sáng tích cực.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, việc phân công “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm” là một trong những giải pháp giúp tháo điểm nghẽn thể chế. TRONG ẢNH: Giao dịch hành chính tại bộ phận một cửa Trung tâm Hành chính thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Tư liệu
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, việc phân công “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm” là một trong những giải pháp giúp tháo điểm nghẽn thể chế. TRONG ẢNH: Giao dịch hành chính tại bộ phận một cửa Trung tâm Hành chính thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Tư liệu

Tổng Bí thư ghi nhận đóng góp của Quốc hội trong thành tựu chung của đất nước, hoạt động của Quốc hội có nhiều đổi mới, thực chất và hiệu quả hơn, ngày càng phát huy vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất với 3 chức năng quan trọng về lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng thẳng thắn nêu rằng, trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục.

“Trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn”, Tổng Bí thư chỉ rõ. Đó là chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi; các quy định chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo, nhiều quy định còn khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực.

Lâu nay chúng ta vẫn quen với việc gọi tên, chỉ ra những điểm nghẽn gây cản trở những hoạt động thông thường. Điểm nghẽn ấy có thể ví như “nút thắt cổ chai”, gây ra sự ùn ứ, đình trệ các hoạt động, công việc cụ thể, ảnh hưởng đến các hoạt động, công việc, chu trình tiếp theo. Tất nhiên, có những điểm nghẽn không chỉ là “nút thắt cổ chai”, mà có thể là sự đứt gãy gây ùn tắc, ngưng trệ các hoạt động ở cả hai phía. Có thể giải thích điểm nghẽn theo những cách khác nhau nữa, nhưng vấn đề quan trọng giống nhau đó là sự không lưu thoát như bình thường, gây ra những cản trở đến quá trình vận hành của một hoạt động, công việc cụ thể nào đó, thậm chí cả một ngành, lĩnh vực trong đất nước, gây ức chế, bức xúc đối với những người có liên quan, tham gia.

Khi thể chế trở thành điểm nghẽn đồng nghĩa với hệ thống các nguyên tắc, quy định, các luật lệ... có sự trục trặc, không phù hợp, gây ra những sự cản trở quá trình phát triển của một vấn đề, lĩnh vực nhất định nào đó trong xã hội. Nếu điểm nghẽn xảy ra trên diện rộng, ở nhiều lĩnh vực khác nhau thì sự phát triển bình thường sẽ níu lại, ngưng trệ, thậm chí bị tụt lại, thậm chí đứt gãy, đổ vỡ. Khi ấy, các điều kiện bình thường cơ bản để sự việc, hiện tượng, ngành nghề, lĩnh vực cụ thể phát triển sẽ không được bảo đảm. Và như vậy, khi cái gốc cho sự phát triển là thể chế bị “nghẽn” sẽ kéo theo các điểm nghẽn khác xuất hiện, gây ra tình trạng ùn tắc, ngưng đọng, trì trệ, tụt hậu. Nếu muốn phát triển, chắc chắn phải quyết liệt tháo gỡ các điểm nghẽn để giải phóng, khơi thông các nguồn lực, sức sản xuất, tạo hành lang pháp lý đủ rộng, thông thoáng, linh hoạt.

Trong bài phát biểu của mình tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng: “Các quy định của luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài; luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc; không cần quá dài. Những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì giao Chính phủ, địa phương quy định để bảo đảm linh hoạt trong điều hành. Tuyệt đối không hành chính hóa hoạt động của Quốc hội; luật hóa các quy định của nghị định và thông tư”.

Có thể thấy rằng, ở bất cứ bộ, ngành, địa phương, lĩnh vực nào cũng không khó để phát hiện, tìm ra những điểm nghẽn về mặt thể chế, có thể do luật quy định, có thể từ sự ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan chức năng Trung ương hoặc địa phương, thậm chí là sự bất cập giữa các văn bản, việc văn bản quy phạm pháp luật chưa được ban hành, không theo kịp thực tiễn...

Tại phiên họp lần thứ ba của Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật diễn ra chiều 28-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo cho biết, phiên họp tập trung vào tháo gỡ các vướng mắc về mặt thể chế, nhất là những vấn đề liên quan đến nguồn lực, xoá bỏ các cơ chế xin - cho, gỡ bỏ những phiền hà, sách nhiễu, làm tăng chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp với tinh thần quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, phân công “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm”.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục rà soát, xác định các bất cập, vướng mắc có tính cấp bách, những điểm nghẽn về thể chế cần tháo gỡ để tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, bảo đảm mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô theo đúng yêu cầu nhiệm vụ và chỉ đạo của Chính phủ. Cùng với xây dựng luật, cần khẩn trương xây dựng ban hành các nghị định hướng dẫn thực hiện luật để tổ chức thực thi các luật kịp thời, hiệu quả...

Có thể khẳng định rằng, một khi điểm nghẽn thể chế được tháo gỡ sẽ góp phần quan trọng loại bỏ các rào cản pháp lý không cần thiết, xóa bỏ những vướng mắc, điểm nghẽn cụ thể để khơi thông mọi nguồn lực, tạo đường băng vững chắc cho sự phát triển, đáp ứng sự kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp, xã hội.

NGUYỄN TRI THỨC

;
;
.
.
.
.
.