Thao thức tháng Mười

.

Lại một đêm mưa. Mưa kéo đến sầm sập trên mái tôn. Không cần mở cửa tôi vẫn đoán biết mảnh vườn bên ngoài nước đang tràn lênh láng. Cây cỏ, hoa trái run rẩy, ẩm ướt. Tiếng cóc nhái đã râm ran rộn ràng ngay từ đầu hôm.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tháng Chín đi qua, đồng bào cả nước vẫn chưa hết bàng hoàng bởi cơn bão Yagi, những trận lũ quét, lũ ống, những trận ngập lụt đã khiến hàng ngàn ngôi nhà tốc mái, đổ sập. Đất lở, nước dâng, tài sản tiêu tán, người cũng bị cuốn trôi, mất tích theo dòng nước dữ. Những hình ảnh, video liên tục được cập nhật trên mọi nền tảng mạng xã hội. Đồng bào cả nước một lần nữa nối vòng tay lớn, mọi ân nghĩa hướng về đồng bào vùng gặp thiên tai.

Nhà vườn cung cấp rau củ; các siêu thị, kho hàng, công ty, tiệm bán lẻ xuất hàng tấn đồ khô; những bếp bà, bếp mẹ đỏ lửa làm muối sả, rim cá khô kho kẹo, gói bánh tét, bánh chưng… Các nhà từ thiện, doanh nhân, các nhóm hội kiến trúc sư, họa sĩ, bác sĩ, công nhân, nhà báo, văn nghệ sĩ, giáo viên, học sinh, đoàn thanh niên… khắp nơi cùng kết nối, quyên góp để những chuyến xe cứu trợ rùng rùng lên đường hướng về miền Bắc mong bù đắp, sẻ chia một phần mất mát.

Hiện tại, trong dòng tên của các quỹ từ thiện hướng về đồng bào miền Bắc, những động từ như “chung sức”,  “chung tay”, “đồng lòng”, “đoàn kết” liên tục được nhắc lại, phát đi như hiệu lệnh khiến hàng triệu trái tim cùng hòa chung nhịp đập.

Số tiền quyên góp vẫn không ngừng tăng lên, sức người, trí tuệ vẫn đang được huy động. Và trong tháng Mười, rất nhiều con đường, ngôi nhà, cây cầu, mái trường, bệnh viện… sẽ được tu sửa, tái thiết, xây mới.

Với tôi, là một người con sinh ra và lớn trên khúc ruột miền Trung, hằng năm đều chứng kiến, sống chung với vài cơn bão, lũ, tôi đâm ra thao thức, thấp thỏm trước những đụn mây, hơi mưa, trận gió của tháng Mười. Tôi nhớ xưa bà tôi vẫn hay nói: “Ông tha nhưng bà chẳng tha, còn sợ cái bão mồng Ba tháng Mười”.

Người xưa đã dựa vào kinh nghiệm, cảm thức dân gian để có sự phòng bị cho gia đình. Những tài sản như ngô, lúa, đậu, mè sẽ được cột vào bao kín chất lên giàn cao. Vật nuôi như gà, lợn, ngan, ngỗng đến kỳ, nếu bán được sẽ rốt ráo xuất chuồng cho thương lái. Riêng những gia súc lớn như trâu, bò sẽ nhắm một nhà bà con nào đó ở vùng cao để gửi gắm hoặc dò trước ngọn đồi cao ráo, có đầy đủ thức ăn để hễ nước chảy băng (hiện tượng nước từ sông tràn lên bờ, tạo với đường làng, mặt ruộng một mặt phẳng mênh mông) là sẽ di chuyển đến gấp. Vào mùa mưa, lúc nào trong nhà cũng xay vài chục cân gạo để sẵn, rồi củi lửa, cá khô, dầu hỏa, đèn pin, nước ngọt đều luôn sẵn sàng.

Sẵn sàng ứng phó, hạn chế mất mát là kinh nghiệm, là hiệu lệnh, là tinh thần bao trùm nếp sinh hoạt của mọi gia đình vào mỗi độ tháng Mười. Thế nhưng, mọi sự tính liệu của con người đều trở nên nhỏ bé trước thiên nhiên. Lần mẹ tôi khóc nhiều nhất là khi bồ lúa đã được kê cao bất ngờ sụp xuống khi nước lũ tràn vào nhà với dòng nước xiết mạnh. Và tôi cũng không bao giờ quên được ánh mắt thất thần của cha trong đêm khi hàng giờ liên tục ngồi hướng về dòng nước bạc trước nhà vì chiều nước lên, cha mới đưa mấy con trâu đi tránh lũ...

Những vạch bùn khi nước rút đi in lại trên tường, đôi chân hà ăn nham nhở của mẹ, đôi tay nhăn nhúm bạc nhỡn ra vì dầm nước quá lâu của cha là những hình ảnh khiến tôi mỗi lần nhớ đến đều đau lòng. Rồi thật kỳ diệu, chỉ một thời gian ngắn sau lũ, trên những mảnh vườn tan tác, những cánh đồng hoang tàn, những chồi non ẩn mình dưới lớp phù sa dày hàng tấc lại cựa mình, đâm chồi xanh mơn mởn.

Trong những cuộc họp thôn, họp xóm, cha tôi, mẹ tôi, những bác nông dân trong làng lại cười nói rôm rả, bàn bạc về mùa màng, về cuộc sống mới. Trong câu chuyện của họ sẽ luôn có những câu như: Miễn còn người là còn của, làng mình vậy nhưng vẫn còn may mắn hơn khối nơi…

Bây giờ, khi đã lớn lên cùng bao cơn bão, trận lũ, tôi cũng như ba mẹ mình ở quê, ngoài sự hoang mang, lo lắng còn được luyện rèn để trở nên dày dặn, tin tưởng và luôn biết hy vọng. Tôi biết không chỉ là thiên tai ở miền Bắc, miền Trung mà ở bất kỳ đâu trên dải đất thân thương hình chữ S, nơi nào có mưa bão, có đau thương, nơi đó đồng thời cũng có yêu thương và vạn lần ân nghĩa. Và, đâu chỉ những cơn mưa sầm sập, những trận cuồng phong tơi bời mới khiến lòng người thao thức, khó ngủ, những thiết tha, thắt chặt của tình đồng bào, đồng chí cũng khiến con tim ngân lên những nhịp bồi hồi.

Lúc này, tiếng  gió và mưa bên ngoài vẫn đang đan vào nhau, lúc sầm sập, lúc ràn rạt, có lúc ngưng lặng để ếch nhái náo động ríu ran. Những đêm tháng Mười, dưới hàng triệu mái nhà có những con tim đang thao thức.

DIỆU THÔNG

;
;
.
.
.
.
.