Tiếng nói của các "nghị sĩ trẻ"

.

Các vấn đề bạo lực học đường, tác hại của thuốc lá, chất kích thích trong trường học... được 306 đại biểu trẻ em tham gia phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ 2, năm 2024 thảo luận sôi nổi và đưa ra những giải pháp phù hợp với tâm lý, lứa tuổi trẻ vị thành niên.

Nguyễn Lê Huyền Trân (bên trái) vui mừng góp thêm tiếng nói về bạo lực học đường tại phiên họp giả định
Nguyễn Lê Huyền Trân (bên trái) vui mừng góp thêm tiếng nói về bạo lực học đường tại phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ 2, năm 2024. Ảnh: NVCC

Cùng hành động để bảo vệ an toàn cho trẻ

Nguyễn Lê Huyền Trân, học sinh lớp 8/7, Trường THCS Lê Lợi (quận Ngũ Hành Sơn) cho biết, tham gia phiên họp giả định là cơ hội để chúng em góp tiếng nói về tình trạng bạo lực học đường, sử dụng chất kích thích như thuốc lá điện tử trong trường học. Đồng thời, đây cũng là diễn đàn giúp thiếu nhi bày tỏ chính kiến và mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo có thêm giải pháp trong thời gian tới. Tại phiên thảo luận tổ, Trân cùng các “nghị sĩ trẻ em” phân tích nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường như thiếu kỹ năng giải quyết xung đột, áp lực từ gia đình, bạn bè, xã hội…

Bên cạnh đó, việc dùng thuốc lá điện tử trong trường học một phần do học sinh chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về tác hại của chúng. Trân nhấn mạnh, việc giáo dục cần phải đi đôi với hành động. Không chỉ là những bài học trên lớp, mà cần có các hoạt động thực tế, tương tác, trải nghiệm để học sinh hiểu rõ hơn về hậu quả của bạo lực và sử dụng chất kích thích.

Tham gia phiên họp giả định, Huyền Trân cũng như nhiều thành viên khác chuẩn bị khá kỹ nội dung với mong muốn góp tiếng nói của học sinh Đà Nẵng đến Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo Trân, mỗi đại biểu trẻ em tham gia đều mong muốn góp phần thay đổi môi trường học đường theo hướng tích cực hơn. Quá trình thảo luận, không ít đại biểu trẻ em đã đưa ra những đề xuất cụ thể như tổ chức thêm hội thảo chuyên đề về kỹ năng sống, tăng cường sự giám sát của nhà trường đối với các khu vực dễ xảy ra việc sử dụng thuốc lá điện tử. Đặc biệt, cần có những biện pháp kỹ luật rõ ràng, nghiêm khắc hơn đối với những hành vi vi phạm. “Chúng em muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo không chỉ lắng nghe mà còn hành động để bảo vệ quyền lợi và sự an toàn của học sinh”, Trân nói.

Phiên họp giả định cũng ghi nhận nhiều ý kiến khác của đại biểu trẻ em, như thiết lập các kênh tư vấn tâm lý miễn phí trong trường học để học sinh dễ dàng chia sẻ và nhận được sự hỗ trợ kịp thời khi gặp phải vấn đề khó khăn. Bùi Nguyễn Li Na, học sinh lớp 9/5, Trường THCS Lương Thế Vinh (quận Liên Chiểu), cho biết tham gia phiên họp giả định là cơ hội để trẻ em thể hiện trách nhiệm với xã hội. Na cho hay, việc tổ chức phiên họp giả định là cơ hội để các nhà lãnh đạo lắng nghe, thấu hiểu sâu sắc hơn về những khó khăn, thách thức mà học sinh hiện nay đang phải đối mặt.

Ý kiến của trẻ em được lắng nghe và tôn trọng

Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ 2 năm 2024 do Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương phối hợp Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và các cơ quan liên quan tổ chức. Phiên họp có sự tham gia của 306 đại biểu trẻ em đến từ các tỉnh, thành trên cả nước.

Chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương, Trưởng ban tổ chức phiên họp giả định mong muốn sự kiện sẽ góp phần truyền tải thông điệp mạnh mẽ rằng ý kiến của trẻ em cần được quốc hội quan tâm, lắng nghe. Chị Trang cho biết, đại biểu năm nay ngoài đại diện xuất sắc trong học tập, rèn luyện còn có sự tham gia của đại diện nhóm trẻ có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế. Đây là sự thay đổi lớn so với phiên họp lần thứ nhất diễn ra năm 2023.

Được biết, nội dung bạo lực học đường, phòng chống tác hại thuốc lá, chất kích thích bàn luận tại phiên họp lần này do chính trẻ em lựa chọn (với 326.131 lượt bình chọn - PV), cho thấy đây là những vấn đề được trẻ quan tâm và mong muốn có sự thay đổi. Theo chị  Nguyễn Phạm Duy Trang, ngoài việc tạo diễn đàn cho trẻ em góp tiếng nói, phiên họp còn thể hiện sự quan tâm của các cơ quan nhà nước đối với thế hệ trẻ. “Sự tham gia của các nhóm trẻ có hoàn cảnh khó khăn và yếu thế trong phiên họp năm nay là điểm nhấn đặc biệt, giúp bảo đảm rằng tiếng nói của tất cả các em đều được lắng nghe và tôn trọng.

Trong tất cả các giải pháp, các đại biểu mong muốn có sự đồng hành và hỗ trợ từ gia đình lẫn nhà trường. Những đề xuất như tăng cường giám sát tại khu vực dễ xảy ra vi phạm, hay việc cần có chế tài kỷ luật nghiêm đối với hành vi xâm phạm sức khỏe và an toàn của học sinh, đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các đại biểu. Phiên họp kết thúc với sự đồng thuận cao về việc tiếp tục lắng nghe và thực thi những ý kiến của trẻ em, mở ra hy vọng về một môi trường học đường lành mạnh và an toàn hơn trong tương lai”, chị Trang đúc kết.

HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.