Trả lại sân trường cho các em

.

Chỉ mới vài ngày sau lễ khai giảng, một học sinh lớp 2 (Trường Tiểu học và THCS Bùi Thị Xuân, tỉnh Đắk Lắk) đã phải khép lại cuộc đời sau khi bị một phụ huynh lùi ô-tô trong sân trường và bất cẩn tông trúng vào ngày 16-9.

Nỗi đau chưa kịp nguôi ngoai, hai tuần sau đó, ngày 1-10, một phụ huynh lái ô-tô vào sân Trường THCS-THPT Chu Văn An (tỉnh Quảng Ninh) rồi tông trúng một học sinh đi xe đạp điện. Đáng tiếc, những sự cố đau lòng này không phải là trường hợp cá biệt. Trong những năm qua, các vụ tai nạn trong sân trường vẫn xảy ra đến e ngại. Trước đó, năm 2023, một học sinh lớp 6 của Trường THCS Thanh Dương, Nghệ An, cũng thiệt mạng do tai nạn ô-tô trong sân trường...

Sân trường vốn được xem là nơi an toàn nay trở thành nỗi lo thường trực của phụ huynh. Mỗi ngày, anh chị tôi đều cẩn thận nhắc nhở con phải quan sát kỹ lưỡng khi đi lại trong sân trường. Nhắc đó mà vẫn lo đó vì sợ con trẻ hiếu động và dễ quên. Nhắc đó mà vẫn lo đó vì đôi khi chỉ một giây bất cẩn cũng có thể dẫn đến thảm kịch. Đâu rồi những sân trường rộn ràng tiếng cười học trò vui đùa sau ngày dài học tập?! Đâu rồi góc sân bình yên - nơi học trò thong dong ngồi ôn bài, trò chuyện - mà không phải là tiếng động cơ, tiếng còi xe inh ỏi?! Những câu hỏi ấy cứ day dứt…

Hồi chuông cảnh báo về an toàn giao thông trong trường học không phải mới vang lên gần đây. Từ năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 1669/BGDĐT-GDCTHSSV về bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các cơ sở giáo dục. Trong đó nêu rõ: chỉ đạo các cơ sở giáo dục (từ mầm non đến trung học phổ thông) trên địa bàn không cho phép các phương tiện cơ giới lưu thông, hoặc dừng đỗ trái phép trong khu vực có học sinh đang học, sinh hoạt và vui chơi trong khuôn viên nhà trường; đặt biển báo hạn chế tốc độ, quy định khu vực cấm phương tiện giao thông cá nhân lưu thông và dừng đỗ trong khu vực trường học; xử lý nghiêm những cá nhân vi phạm.

Thế nhưng, những vụ tai nạn đáng tiếc vẫn tiếp diễn từ năm này sang năm khác. Vấn đề nằm ở đâu? Phải chăng là ở sự thiếu trách nhiệm của người lớn? Hay là ở sự buông lỏng quản lý của nhà trường? Hay là ở sự thờ ơ, vô cảm của xã hội trước những quy định đã được ban hành? Câu trả lời có lẽ nằm ở tất cả những điều trên: sự thiếu vắng những quy định rõ ràng về giao thông trong khuôn viên trường học; sự quản lý lỏng lẻo và nhận thức hạn chế của cộng đồng về an toàn giao thông; nhiều trường học thiếu không gian đã phải hy sinh sân chơi để làm nơi đỗ xe. Tất cả góp phần tạo nên một môi trường nguy hiểm tiềm tàng.

Nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi cá nhân. Phải chăng chúng ta đã quen với việc coi nhẹ các quy định, quá dễ dãi với những vi phạm “nhỏ”. Chúng ta quên mất rằng, trong vấn đề an toàn, không có khái niệm “vi phạm nhỏ”. Mỗi hành động thiếu cẩn trọng đều có thể dẫn đến hậu quả khôn lường. Những lời bào chữa như "chỉ chạy xe vào một chút thôi mà" có thể dẫn đến những bi kịch không thể nào quên, với cái giá phải trả bằng sinh mạng của học sinh. Đó là nỗi đau không thể nguôi ngoai của cha mẹ mất con, là ánh mắt hoảng loạn của những đứa trẻ chứng kiến bạn mình gặp nạn, là nỗi ám ảnh suốt đời của một cộng đồng trường học.

Đã đến lúc chúng ta cần thay đổi, không chỉ thay đổi hành vi mà còn cả tư duy. Sân trường không phải là bãi đỗ xe, sự tiện lợi của người lớn không thể đánh đổi bằng sự an toàn của trẻ nhỏ. Mỗi người lớn, dù là phụ huynh, giáo viên hay bất kỳ ai, cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình, bởi khi chúng ta coi thường quy định, cũng là khi chúng ta dạy con em rằng luật lệ không quan trọng.

Để giải quyết vấn đề này, cần có sự nỗ lực và phối hợp đồng bộ từ nhiều phía. Các trường học cần xây dựng và thực thi nghiêm ngặt các quy định về giao thông trong khuôn viên trường. Phụ huynh cần nâng cao ý thức khi lái xe trong sân trường và tích cực tham gia vào việc giáo dục con em về an toàn giao thông. Các cơ quan chức năng cần ban hành những hướng dẫn cụ thể hơn nữa và tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm. Chỉ khi nào mỗi người đều phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình, chúng ta mới có thể hy vọng tạo ra một môi trường thực sự an toàn cho con em chúng ta.

Hãy cùng nhau hành động để trả lại sân trường cho các em. Mỗi đứa trẻ đều xứng đáng có một tuổi thơ trong lành, không phải sống trong lo sợ hay ám ảnh. Đó là trách nhiệm của tất cả chúng ta - những người lớn!

HÀM CHÂU

;
;
.
.
.
.
.