Tử tế với thiên nhiên

.

Dưới ánh mặt trời, mỗi loài chim hoang dã đều toát lên vẻ đẹp riêng có. Nhiếp ảnh gia (NAG) Nguyễn Thùy Linh (SN 1991, phường Phước Ninh, quận Hải Châu) đã dành trọn tuổi thanh xuân để theo cánh chim trời. Với chị, cùng tham gia bảo tồn giá trị của tự nhiên chính là lúc được sống tử tế với đam mê.

Loài Nhàn nhỏ ấp trứng tại bãi biển Đà Nẵng. Ảnh: THÙY LINH
Loài Nhàn nhỏ ấp trứng tại bãi biển Đà Nẵng. Ảnh: THÙY LINH

Yêu cái đẹp và sự tự do

Sáu năm trước, ở độ tuổi đầy hoài bão bay bổng, chị Linh bước vào hành trình bảo tồn thiên nhiên trong một tâm thế rất nhẹ nhàng, đơn giản. Ở đó có sự nhiệt huyết, có lòng bao dung và quan trọng nhất là sự đồng cảm. Những chuyến đi chụp ảnh cần phải băng rừng dài ngày, cắm lều trên bãi cát nóng khô tưởng chừng chỉ có những người đàn ông to khỏe mới chịu nổi thì với chị Linh, không gì là không thể.

Xác định theo đuổi đam mê nhiếp ảnh chim chóc, việc lội vào rừng sâu, leo trèo qua những vách đá đã để lại trên chân tay nữ NAG này các vết sẹo do côn trùng cắn. Vắt bu đầy chân khi vào rừng ẩm ướt ngồi đợi chim, vài lần bị sốt do chất độc của kiến ba khoang rải khắp người và rất nhiều lần trượt chân té ngã. “Với tôi, đó mới chính là những khoảnh khắc mà tôi hay gọi là sự lãng mạn trong hành trình chụp chim của mình. Giá trị lớn nhất tôi nhận được không chỉ là những bức ảnh đẹp mà chính là từng phút giây ngưng đọng tôi có được. Đó chính là các trải nghiệm để tôi có thể viết thành câu chuyện về tuổi trẻ của bản thân”, chị Thùy Linh bày tỏ.

Là một nữ NAG chuyên chụp ảnh chim hoang dã ở khu vực miền Trung, chị Linh quan niệm rằng, cuộc đời không phải là cuộc đua. Nó là hành trình để chúng ta từng bước chiêm nghiệm ý nghĩa của cuộc sống. Quả thật, từ khi quen biết với chị Linh ở triển lãm “Nơi đàn chim trở về” của NAG Võ Rin tổ chức tại Hội An hồi tháng 9-2023, mỗi cuộc gặp gỡ với chị Linh đều cho tôi cảm xúc khác lạ. Lạ là bởi nguồn năng lượng của chị Linh với cái đẹp, với giá trị thực của thiên nhiên luôn mới mẻ, phát triển liên tục.

Bước vào “cuộc chơi” với nét đẹp của tạo hóa cùng hành trình bảo tồn thiên nhiên, góc nhìn của một người phụ nữ như NAG Thùy Linh sẽ có nhiều điều khác biệt đầy thú vị. Ví dụ, trước một tổ chim non, thường các NAG sẽ chọn những góc máy đa dạng từ tỉ lệ khung hình, tính nghệ thuật, phá cách… Còn với chị Linh, tấm ảnh có thể chỉ đơn thuần thể hiện tình mẫu tử, lòng vị tha. Nhờ vậy, chiều sâu thông điệp bức ảnh của NAG Thùy Linh mang giá trị nhân văn sâu sắc. Từ đó, tính bảo tồn thiên nhiên hoang dã vô hình trung càng trở nên cô đọng, súc tích.

Trong hành trình theo bóng đàn chim của NAG Nguyễn Thùy Linh, cái đẹp không chỉ dừng lại như vậy. Lăn xả giữa rừng sâu, suối vắng để tiếp cận gần nhất một cá thể chim hoang dã, bất cứ NAG nào cũng sẽ hình thành nên cái tôi nghệ thuật của riêng mình. “Khi chúng ta cho đi sự tôn trọng và bảo vệ thiên nhiên, thiên nhiên đáp trả lại bằng sự yên bình, cảm giác tự do và hạnh phúc mà không nơi đâu có thể mang lại”, chị Thùy Linh nhìn nhận.

Tại miền Trung, những khu vực thường xuyên có các đàn chim di cư bay về như bãi biển Cửa Đại (Hội An), bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng). Từ đó, chị Linh tích lũy cho bản thân từng kinh nghiệm tiếp cận, cách đánh giá mọi mặt về đàn chim. Sáu năm cho một chặng đường tự học chính là khoảng thời gian để NAG Thùy Linh hiện thực hóa cái đẹp qua nền tảng của tình yêu thiên nhiên. Thời gian nào thì đàn chim sẽ bay về? Chu kỳ sinh sản, các tập tính kết đôi của chim ra sao? Chúng cần điều kiện sống cụ thể như thế nào?… Hàng loạt câu hỏi như muốn thách thức sự bền bỉ của một người phụ nữ say mê chim trời.

Trong chương trình bảo tồn ở Vườn quốc gia Xuân Thủy vào tháng 10-2022, NAG Nguyễn Thùy Linh được lựa chọn 5 bức ảnh về chim để tham gia trưng bày gồm Te Sông, Choắt mỏ thẳng đuôi đen, Rẽ mỏ thìa, Choi choi nhỏ và Nhàn đen. Hành trình 3 năm tìm kiếm, dõi theo luồng di chuyển của chim và chụp thành công 5 bức ảnh trên đã tạo cho chị Linh niềm tin và định hướng rõ ràng về công tác bảo tồn những loài chim hoang dã.

Tìm chân lý sống từ đàn chim

Trong nhật ký của mình, NAG Thùy Linh có những dòng chia sẻ đầy cảm xúc về chính niềm đam mê “mệt nhọc” này. “Khi ta sống và làm việc với đam mê, mọi trở ngại dường như trở nên nhỏ bé hơn. Và những nỗ lực mà ta bỏ ra không còn là nghĩa vụ mà là niềm vui”. Nghĩa vụ được chị Linh nhắc đến là tinh thần sẵn sàng cống hiến, đóng góp tiếng nói, lan tỏa tình yêu thiên nhiên đến với nhiều người.

Điều đó có nhiều cách thực hiện, ít nhất là ngay trong lĩnh vực nhiếp ảnh. Mỗi khung hình được trau chuốt tỉ mỉ, lột tả sinh động vòng đời, bản năng sinh tồn của chim chóc. Từng câu chuyện mang đậm tính trải nghiệm, đi sâu vào giá trị thực tại.

Trở lại giai đoạn 2018-2020, chị Linh và anh Võ Rin thường xuyên ghi nhận số liệu thực tế về chim hoang dã trên địa bàn Đà Nẵng. Trước đây, số lượng chim thuộc Sách Đỏ thế giới bay về trong mùa di cư rất nhiều. Qua thời gian, số lượng đàn giảm dần. Hiện nay, bẫy chim bằng lưới mờ là một vấn nạn đang gây ra những tổn thất nghiêm trọng cho các loài chim hoang dã. Với kinh nghiệm tham gia ghi nhận, xử lý các loại bẫy chim, chị Linh cho biết, loại bẫy này thường được thiết kế từ những sợi dây mảnh, gần như vô hình đối với các loài chim. Do đó, chim hoang dã rất dễ mắc vào và không thể thoát ra được. Hậu quả là nhiều loài chim, đặc biệt là những loài có tập tính di cư hoặc chim nhỏ đã bị bắt một cách vô cùng tàn nhẫn. Đồng thời, một số loài khác cũng sẽ bị mắc kẹt vào đó.

Vấn đề này không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến số lượng các loài chim mà còn phá vỡ tính cân bằng hệ sinh thái tự nhiên. Trong môi trường tự nhiên, sự có mặt của từng loài và số lượng của chúng đều có những vai trò nhất định. Khi số lượng các loài chim bất kỳ bị giảm mạnh sẽ dẫn đến việc mất đi những mắt xích quan trọng trong chuỗi thức ăn, để lại những hệ lụy khó có thể khắc phục cho tự nhiên.

Chị Thùy Linh cho hay: “Vấn đề sử dụng bẫy lưới mờ để săn bắt chim hoang dã đã và đang đặt nhiều loài vào tình trạng nguy cấp, đe dọa sự sống còn của chúng. Những loài chim quý hiếm có thể bị tiêu diệt một cách nhanh chóng, làm giảm sự đa dạng sinh học và ảnh hưởng đến quá trình di cư tự nhiên của chúng”. Việc lên tiếng, phát động các mô hình liên quan trực tiếp đến công tác bảo tồn chim hoang dã ngày càng thu hút được cộng đồng những người yêu chim cùng tham gia.

TRƯỜNG AN

;
;
.
.
.
.
.