Từ trào lưu "túi mù" đến khủng hoảng rác thải

.

Gần đây, trào lưu “xé túi mù” bùng nổ trên mạng xã hội. Nhiều phiên livestream kéo dài đến 2-3 giờ sáng vẫn thu hút hàng ngàn người theo dõi, bình luận rôm rả. Xu hướng này không chỉ dừng lại trên nền tảng số mà còn lan tỏa ra ngoài đời thực, một số thầy, cô giáo cũng áp dụng “túi mù” vào việc lựa chọn học sinh trả bài đầu giờ.

Trào lưu này thực chất có nguồn gốc từ “fukubukuro” (túi may mắn) - một phương thức thanh lý hàng tồn kho với giá giảm dịp năm mới của Nhật Bản vào những năm 1980. Người tiêu dùng không biết bên trong có gì, tạo cảm giác tò mò và kích thích việc mua sắm. “Fukubukuro” nhanh chóng thu hút sự quan tâm của giới trẻ và lan rộng sang nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc, với tên gọi mới “blind box” (túi mù hay hộp mù).

Thời gian qua, thông qua các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội, trào lưu “túi mù” đã phát triển mạnh mẽ, trở thành hiện tượng toàn cầu. Sản phẩm bên trong ngày càng nhỏ, kích thước phổ biến dao động từ 2-10cm. Các mô hình nhựa trang trí được thiết kế bắt mắt và có giá cực kỳ rẻ, chỉ từ 1.000 đồng đến dưới 10.000 đồng/túi. Cũng bởi vậy, người mua dễ dàng sở hữu từ hàng chục cho đến hàng trăm túi mù. Họ sẵn sàng chi tiền không chỉ vì sản phẩm bên trong mà còn vì trải nghiệm thú vị. Nhiều người thừa nhận không thực sự có nhu cầu sử dụng các món đồ từ túi mù mà chỉ muốn tận hưởng cảm giác phấn khích khi khám phá bất ngờ.

Nhưng điều này dẫn đến một hệ lụy đáng báo động: lượng rác thải nhựa khó phân hủy gia tăng đáng kể. Theo một nghiên cứu của Tổ chức Bảo vệ môi trường toàn cầu (Global Environment Facility), rác thải nhựa từ những sản phẩm tiêu dùng ngắn hạn chiếm đến 15% tổng lượng rác nhựa phát sinh hằng năm. Trong khi đó, các sản phẩm này thường có tuổi thọ rất ngắn, từ vài ngày đến vài tháng, trước khi chúng trở thành rác thải gây hại cho môi trường. Bên cạnh đó, báo cáo của Liên Hợp Quốc cho thấy, sản xuất nhựa và thói quen tiêu dùng không bền vững đã góp phần vào sự gia tăng các thiên tai như bão lũ, hạn hán và cháy rừng. Những hậu quả lâu dài của việc tiêu dùng thiếu trách nhiệm bao gồm mực nước biển dâng, nạn đói và sự suy giảm đa dạng sinh học. Các vấn đề này không chỉ đe dọa môi trường mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng triệu người trên toàn cầu.

Các nhà khoa học đã nhiều lần cảnh báo về mối liên hệ giữa hành vi tiêu dùng của con người và sự gia tăng của các thảm họa tự nhiên. Tuy nhiên, dường như những cảnh báo này vẫn chưa đủ để lay động phần lớn người dân. Sự phổ biến của trào lưu “túi mù” cũng phản ánh một thực trạng đáng lo ngại về thái độ thờ ơ của nhiều người đối với các vấn đề môi trường cấp bách.

Đây chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh lớn hơn về hành vi tiêu dùng thiếu trách nhiệm. Thay vì chỉ trích, chúng ta cần xem xét hiện tượng “xé túi mù” như một cơ hội để thúc đẩy đối thoại về lối sống bền vững. Điều quan trọng là làm thế nào để hướng dẫn người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ, hiểu và thực hiện trách nhiệm của mình đối với môi trường?

Giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi hành vi. Các chương trình giáo dục về tiêu dùng bền vững, tái chế và giảm thiểu rác thải cần được đẩy mạnh, đặc biệt là trong trường học. Ngoài ra, sự hợp tác giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp cũng là yếu tố quan trọng. Các công ty nên cân nhắc cung cấp các sản phẩm tiêu dùng bền vững, như sử dụng nguyên liệu có thể phân hủy hoặc tái chế. Song song, người tiêu dùng cần ủng hộ các doanh nghiệp có trách nhiệm với môi trường để tạo áp lực thúc đẩy các thay đổi lớn hơn trong ngành công nghiệp tiêu dùng.

Bên cạnh đó, một trong những biện pháp quan trọng để giảm tác động tiêu cực này là đánh thuế cao đối với các sản phẩm có hại cho môi trường. Chính phủ các nước cũng đã bắt đầu áp dụng các loại thuế này để khuyến khích người tiêu dùng chọn lựa các sản phẩm bền vững hơn. Với thuế 15 cent cho mỗi túi nhựa dùng một lần từ năm 2002 (và nâng lên 22 cent vào năm 2007), việc sử dụng túi nhựa tại Ireland đã giảm hơn 90%. Kể từ tháng 4-2022, Vương quốc Anh đã áp dụng thuế đối với các sản phẩm nhựa dùng một lần không đạt tiêu chuẩn tái chế. Nhà sản xuất nhựa sẽ phải trả thuế nếu sản phẩm không có ít nhất 30% nhựa tái chế.

Trào lưu “xé túi mù” có thể chỉ là xu hướng tạm thời nhưng những bài học từ nó kéo dài rất lâu. Chúng ta cần học cách cân bằng giữa niềm vui cá nhân và trách nhiệm xã hội, giữa sự phấn khích ngắn hạn và tầm nhìn dài hạn. Trước khi chạy theo bất cứ trào lưu nào, hãy tự hỏi mình, liệu niềm vui nhất thời có đáng để đánh đổi bằng những tác động tiêu cực lâu dài đối với hệ sinh thái của chúng ta?!

HẠNH SAN

;
;
.
.
.
.
.