Ước gì gói được một mùi hương

.

Với người tha hương, khoảnh khắc chiều tàn lúc nào cũng khơi lên trong lòng những bâng khuâng khó tả. Như chiều nay, tôi có việc đi vào một con hẻm thật sâu giữa phố. Mùi cơm chín cùng với tiếng xào nấu thức ăn tỏa ra từ cửa sổ một căn nhà làm tôi cộm lên nỗi nhớ nhà xốn xang. Giờ này ở quê má đang lúi húi trong căn bếp nấu nướng cho bữa cơm chiều. Tôi đã đi qua hàng vạn những buổi chiều được sung sướng trầm mình trong mùi thơm của những món ăn má nấu. Đã từng hơn một lần mơ ước có gì đó có thể gói ghém được một mùi hương từ quê hương xứ sở, để lúc nhớ nhung lại mang ra hít hà cho đã thèm.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Thành phố mùa này hay có mưa. Mưa như sợi dây nối liền quá khứ, kéo về trong lòng mình những kỷ niệm tưởng đã quá xa xăm. Những chiều mưa ở quê mịt mờ, má cời tro lạnh, bẻ củi nhen lên bếp lửa ấm nồng. Lửa tí tách reo vui dưới nồi cơm sôi sùng sục. Rồi má chắt nước, ủ cơm trên mớ than hồng.

Mùi cơm vừa chín tới có lẽ là thứ mùi hương đời người được khao khát mang theo nhiều nhất. Để những lúc vội vàng ghé vào một quán lạ ven đường lại rưng rưng nhớ giây phút má bưng nồi cơm nóng hổi lên để giữa bàn. Chỉ cần mở nắp vung ra nhìn khói tỏa nghi ngút là biết đời mình sung sướng chừng nào.

Chẳng có gì mong manh hơn một làn hương. Có lẽ vì khó nắm bắt như thế nên con người ta cứ nhớ nhung hoài không thôi. Sống giữa phố phường mà mỗi lúc nhớ quê tôi cũng cố tìm kiếm những mùi hương cố quận. Những lúc có bà con từ quê lên phố, tôi lại dặn dò mang đủ thứ từ mảnh vườn của má ở quê. Nào là mấy trái ớt xiêm cay xè, ít củ nén, lon bột nghệ…

Để chiều mưa giữa phố, mình bật bếp nấu cơm chiều. Những mùi hương có thể cho mình cảm giác được quay về, được an ủi khi đã lỡ chọn cuộc sống xa nhà.

Những ngày cuối tuần, tôi thường chạy xe ra ngoại thành. Bỏ lại sau lưng những kẹt xe khói bụi để được thấy những bờ lau vi vút gió, những trảng cỏ xanh mướt sau những cơn mưa dài. Và tâm thức mình được chạm vào mùi cỏ, mùi gió, mùi đất, mùi đồng... Dẫu biết rằng những mùi hương đó không giống như khi mình đứng giữa cánh đồng rộng lớn ở quê nhà nhưng cũng tìm được chút ủi an. Được thấy lại mình của những năm tháng chân trần chạy nhảy khắp cánh đồng xanh mướt. Để nhận ra rằng sau những mệt nhoài phố thị mình vẫn là đứa sinh ra từ lấm lem gốc rạ, lớn lên với những bữa cơm giản dị từ bàn tay má chắt chiu.

Từ chỗ làm về nhà, tôi thường cố tình đi ngang một con hẻm nhỏ dù xa hơn đi đường lớn. Bởi mỗi lần đi ngang con hẻm đó, tôi được ngửi mùi ổi chín. Hẻm dài và hẹp, cây ổi vươn cành nhánh từ trong một bờ tường nhà ai nhoài ra ngoài.

Đứng từ dưới nhìn ngược lên, những trái chín lấp ló trong kẽ lá, nhiều trái chín rụng tơi bời xuống đất. Chủ nhân của cây ổi hình như cũng chỉ trồng để cho vui, để thấy màu xanh giữa những bức tường vô hồn xám ngoét chứ chẳng có ý định hái trái ăn. Mùi ổi trong con hẻm làm tôi bâng khuâng nhớ khu vườn ở quê. Hồi còn nhỏ xíu xiu ấy, con nít con nôi có gì mong chờ hơn là một buổi sáng chợt nghe quyện trong gió mùi ổi chín ngọt ngào. Mấy trái ổi đầy dấu bấm móng tay. Nhiều lần chờ trái chín lâu quá, cứ giã chén muối ớt cay xè, bứt trái còn chát xít chấm vào muối ăn ngon lành.

Mà đâu riêng gì mình! Những người gá nghĩa vào phố không biết bao nhiêu người xao động trước một xe đẩy những quả lêkima vàng ươm, một mẹt thị thơm lừng… bày bán ở một góc ngã tư.

Những mùi thơm cũng làm một cuộc tha hương từ quê lên phố. Hẳn người bán cũng luôn biết rằng sẽ có những con người sẵn sàng rút hầu bao để mua về kỷ niệm. Lạ là đâu thiếu gì những mùi hương sành điệu quanh mình nhưng neo lại tâm hồn mình lâu nhất vẫn luôn là mùi hương ngày cũ.

Quả thị để trên bàn, một mùi ổi chín, một mùi thơm loang trong không gian như dấu gạch nối để trở về những ngày xưa cũ bình yên, trở về với cố quận tưởng xa mà lúc nào cũng thao thiết ở trong lòng…

NHƯ HIỀN

;
;
.
.
.
.
.