Trong cơn sốt mơ màng, tôi nghe loáng thoáng điệu con cò nửa như ngâm nửa như hát. Mẹ ngồi bên giường, vươn tay chạm nhẹ gò má tôi hôi hổi, miệng khe khẽ lời ru: “Con cò mà đi ăn đêm/ Đậu phải cành mềm, lộn cổ xuống ao…”.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Từ khi hiểu chuyện, tôi gần như chưa bao giờ nghe mẹ hát ru. Ba mất khi tôi mới lên sáu, ít lâu sau mẹ đi lấy chồng. Tôi được ông bà nuôi nấng tới năm mười bốn mới về ở với mẹ, mười lăm thì tôi đi du học nước ngoài. Có lẽ trong những năm tháng còn ẵm ngửa nằm nôi, mẹ từng hát ru tôi bằng những câu ca ông bà truyền lại nhưng trang ký ức ấy đã xa xăm lắm rồi. Tôi vẫn thấy mình là đứa trẻ không được may mắn lớn lên trong những lời ru.
Mẹ tôi không quá mải mê sự nghiệp nhưng cũng chẳng hẳn là tuýp phụ nữ của gia đình. Nhà ngoại tôi có nghề bán vải mẹ truyền con nối. Nghe bà nội kể, khi tôi mới chập chững biết đi, mẹ đã gửi con cho ông bà chăm bẵm để theo bà ngoại quẩn quanh với sạp vải mưu sinh. Mẹ quày quả ra khỏi nhà từ sớm khi tôi còn chưa kịp dậy để mè nheo đòi mẹ tết cho hai bím tóc xinh.
Mẹ về nhà khi chiều đã buông nắng và mệt lả sau ngày dài lam lũ, và vội miếng cơm, gội vội mái đầu rồi ôm tôi ngủ sâu khi tôi còn chưa kịp nũng nịu đòi mẹ hát cho một khúc à ơi. Giọng mẹ không mượt, hơi thở không dày, thế mà chẳng hiểu sao, tôi cứ luôn khao khát một lời ru từ mẹ.
Tôi từng nghe bà kể, ngày xưa, mỗi khi ông vắng nhà, bà thường phải địu con trên lưng hoặc bế bồng trong lòng, vừa thu vén nhà cửa vừa ru ngủ bằng những câu hát dịu êm. Tôi từng thấy cô út tôi, hằng đêm, vẫn thao thức ghé vào bên giường đứa em họ mới sinh, vuốt dịu cơn gắt ngủ của em bằng bài đồng dao giản dị nhưng đong đầy yêu thương.
Tôi cũng từng thui thủi ngồi xổm dưới giàn tigôn ông dựng trong vườn, vểnh tai lén nghe tiếng ngân nga từ hàng xóm phía bên kia bờ tường. Ở đó, mỗi buổi trưa nắng ngọt, dưới hiên nhà râm mát, luôn có giọng nữ mềm như gió đưa đứa con thơ vào giấc ngủ ngon. À ơi, ơi à.
Tiếng mẹ ru hời dường như đã trở thành biểu tượng cho một điều gì thiêng liêng lắm. Chẳng người mẹ nào mà không biết hát ru, và chẳng đứa bé nào có mẹ lại không ghi nhớ vào lòng ký ức về những câu ru của mẹ. Ngày bé, tôi từng nghĩ và tin như thế. Để rồi ngày lớn, khi nhận ra ấu thơ mình trống rỗng tiếng mẹ ru, tôi đâm ra giận hờn, oán trách.
Khi ba còn tại, mẹ bận rộn hàng họ, chợ búa. Khi ba ra đi, mẹ cũng chóng vánh sang đò lần hai, để tôi lại với ông bà trong căn nhà chất chứa quá nhiều kỷ niệm. Mẹ đã không ở đó cho tôi bờ vai nương tựa lúc tôi buồn, không ôm tôi chở che khi tôi đau và cũng chẳng dịu dàng hát ru những đêm tôi thao thức vì cô đơn, vì nhớ mẹ.
Mẹ chỉ…
Mẹ chỉ quần quật sớm tối đến bợt bạt mặt mày, khàn đặc giọng nói chào bán từng mảnh hàng, chắt chiu từng đồng bạc để tôi có những bữa ăn ngon, áo quần ấm, sách vở thơm và đồ chơi mới. Mẹ chỉ tha thiết gửi gắm bà nội, cô út, gia sư… tất cả những người thay mẹ chăm sóc tôi, về những tốt xấu, tính tật, ẩm ương mà tôi có, nhờ mọi người bảo ban và dìu dắt tôi nên người. Mẹ chỉ thì thầm rất khẽ nhưng chân thành muôn lời mong cầu tốt đẹp với tổ tiên, thần Phật cho tôi được bình an hỉ nhạc, suôn sẻ may mắn.
Mẹ chỉ từng, rất hiếm hoi, vỗ về tôi với bài ru con cò trúc trắc khi tôi ốm nặng, sốt đến mơ hồ. Mẹ ôm tôi vào lòng, bế bồng tôi như đứa trẻ lên ba, nhẹ nhàng đung đưa và hát - “Con cò mà đi ăn đêm/ Đậu phải cành mềm, lộn cổ xuống ao…”. Năm ấy tôi đã cao gần tới cằm mẹ, nặng gấp đôi, gấp ba những cây vải mẹ phải bê vác ngoài chợ và cứ ngỡ mình đã qua cái tuổi phải cần tới những lời ru từ mẹ nữa.
Và tôi nhận ra, ấu thơ đâu phải cứ du dương lời ru thì mới là trọn vẹn? Mẹ đã luôn luôn, âm thầm và lặng lẽ, vun đắp cho tôi một tuổi thơ vô ưu, để tôi hồn nhiên lớn lên dẫu chẳng có mẹ ở bên tối ngày. Mẹ không đưa nôi để tôi ngủ ngoan những giấc trưa, giấc khuya ngày bé nhưng đã dệt cho tôi những tháng năm đủ đầy và bình yên nhất. Tôi không lớn lên với những bài hát ru mộng mơ như nhiều đứa trẻ khác nhưng vẫn an yên ngủ say, biết rằng khoảng trời hỗn loạn trên cao luôn có mẹ dang tay chống đỡ. Từ mẹ, họa hoằn lắm câu à ơi mới được cất lên nhưng điệu ru hời mẹ lặng thầm dành cho tôi, đó giờ vẫn luôn theo sát nâng đỡ mặc khúc khuỷu đường đời.
Không phải bài hát ru nào cũng cần được ngân nga thành tiếng.
Năm nay tôi ba mươi, thi thoảng những khi ốm đau, giữa chập chờn cơn mơ màng, vẫn thấy mẹ ngồi bên giường, dùng đôi bàn tay chai sần vuốt ve gò má tôi nóng bừng và vụng về dỗ dành. Tôi vừa muốn được thiếp đi trong điệu ru con cò của mẹ, vừa muốn được vươn tay vuốt êm hết thảy những vết hằn tháng năm, những nhọc nhằn bươn bả đời mẹ, để mẹ ngủ say với nụ cười an tâm, hạnh phúc.
THÙY LINH