Tại Zimbabwe, những ngôi nhà bình dị đã được những người phụ nữ bình dân tài hoa và lãng mạn biến thành tác phẩm nghệ thuật độc đáo thông qua việc vẽ trang trí bằng đất sét và màu tự nhiên.
Một ngôi nhà được những người phụ nữ Zimbabwe trang trí theo nghệ thuật truyền thống của phụ nữ Matobo. Ảnh: Amagugu International Heritage Center |
Truyền thống văn hóa độc đáo này đã và đang được bảo tồn, phát triển nhờ cuộc thi "Ngôi nhà đẹp của tôi" đã tổ chức trong 10 năm qua, thu hút sự quan tâm từ cộng đồng quốc tế và mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho người dân địa phương.
Di sản từ quá khứ
Dưới ánh nắng chiều dịu dàng tại vùng Matobo, nằm ở miền tây nam Zimbabwe, vẻ đẹp của những họa tiết tinh xảo trên các bức tường đắp bằng bùn của các ngôi nhà tròn mái tranh dường như càng trở nên lung linh hơn. Ánh nắng nhẹ nhàng xuyên qua từng mảng màu, tôn lên những đường nét họa tiết tinh xảo, đậm dấu ấn văn hóa của vùng đất Matobo. Mỗi hình vẽ là một câu chuyện kể về truyền thống và bàn tay khéo léo của những người phụ nữ nơi đây, như lời tự sự về sự gắn bó và niềm tự hào với di sản văn hóa mà họ gìn giữ qua bao thế hệ. Đây là nơi sinh sống của những người phụ nữ tài năng như bà Peggy Masuku, người đã và đang gìn giữ nghệ thuật trang trí nhà truyền thống độc đáo này.
Theo Hãng tin AFP, bà Peggy Masuku, 54 tuổi, là một trong những nghệ nhân xuất sắc nhất trong số hàng trăm phụ nữ thực hành nghệ thuật vẽ trang trí nhà tại Matobo. Bà bắt đầu học nghề từ người mẹ kế, ban đầu chỉ với công việc đơn giản là trát phân bò lên tường và sàn nhà - một kỹ thuật truyền thống để bảo dưỡng công trình. "Ban đầu tôi nghĩ đây là sự ngược đãi, nhưng sau đó tôi nhận ra đó là một quá trình đào tạo tốt", bà Masuku chia sẻ với AFP.
Trao đổi với hãng tin của Pháp, nhà sử học Pathisa Nyathi cho biết nghệ thuật vẽ trang trí nhà là một truyền thống cổ xưa của người Ndebele. Trong quá khứ, các họa tiết này mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, là "phương thức truyền đạt thế giới quan, niềm tin cũng như lý tưởng và giá trị của các cộng đồng sống từ lâu đời".
Từ truyền thống đến hiện đại
Năm 2014, một bước ngoặt quan trọng đến với nghệ thuật trang trí nhà truyền thống này khi cuộc thi "Ngôi nhà đẹp của tôi" (My Beautiful Home) được khởi xướng. Bà Veronique Attala, một phụ nữ người Pháp, đã nảy ra ý tưởng tổ chức cuộc thi sau khi tình cờ phát hiện "một ngôi nhà được trang trí rất đẹp" trong chuyến đi bộ ở đồi Matobo.
Từ 30 người tham gia ban đầu, đến năm 2022, cuộc thi đã thu hút 860 thí sinh, theo trang Newsday.co.zw. Các tác phẩm được thực hiện vào mùa đông, khi công việc đồng áng đã hoàn thành và phụ nữ có thể thu hoạch đất, đá và đất sét tự nhiên, bột màu cùng các nguồn màu sắc khác cho ngôi nhà của họ.
Các nữ nghệ nhân đã sử dụng những nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên để tạo nên màu sắc: tro gỗ cho màu trắng, than củi cho màu đen, và các loại đất tự nhiên có sẵn cho dải màu từ vàng đến đỏ sẫm. Lá của một số loại cây được đun sôi để làm vecni.
Sự thành công của cuộc thi thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Từ đó, Đại sứ quán Đức đã khởi động một dự án thử nghiệm tiềm năng thương mại của các sáng tạo nghệ thuật này. Họ hợp tác Phòng trưng bày Quốc gia Zimbabwe và Hội đồng Thời trang để ra mắt Bộ sưu tập Matobo, trong đó tác phẩm hội họa của các nghệ nhân được tái hiện lại trên các mặt hàng có thể bán được như hàng dệt may, chậu hoa và chụp đèn.
Bà Elgar Maphosa, 58 tuổi, một trong những nghệ nhân có tác phẩm được chọn đưa vào Bộ sưu tập Matobo, bày tỏ ngạc nhiên khi thấy truyền thống của cộng đồng mình đã "tiến xa đến thế". "Đây là một việc chúng tôi làm theo thói quen. Tôi chưa bao giờ tưởng tượng rằng sẽ có một ngày mình không chỉ kiếm được tiền từ đó, mà còn học hỏi thêm những điều mới mẻ và đầy ý nghĩa ", bà chia sẻ với AFP.
Thế hệ trẻ cũng đang dần tiếp cận với nghề truyền thống này. Chị Nozipho, 26 tuổi, một cử nhân ngành nghiên cứu phát triển và là công chức, hiện đang học nghệ thuật này từ mẹ và hy vọng sẽ tiếp tục nối nghề các phụ nữ lớn tuổi trong cộng đồng.
Thị trưởng Bulawayo, ông David Coltart, người cũng từng là Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Thể thao và Văn hóa Zimbabwe, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quảng bá Matobo như một điểm đến du lịch đẳng cấp thế giới, đặc biệt khi nơi đây đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. "Nghệ thuật của phụ nữ Matobo là khởi đầu cho cuộc cách mạng trong ngành du lịch địa phương. Chúng ta có thể xây dựng những trung tâm lưu trú cho du khách, tạo điều kiện để họ chiêm ngưỡng và trân trọng nghệ thuật độc đáo của phụ nữ Matobo”, ông David Coltart nói với trang The Chronicle của Zimbabwe.
TRẦN ĐẮC LUÂN