Huyện Hòa Vang của thành phố Đà Nẵng là đơn vị bảo lưu được tên gọi trong thời gian hơn 400 năm.
Sau khi chia sẻ các phần đất trù phú để cho ra đời những đơn vị hành chính mới, huyện Hòa Vang vẫn giữ lại danh xưng lâu đời của mình. Ảnh: HUỲNH VĂN TRUYỀN |
Theo sách Đại Nam Thực Lục, bắt đầu từ năm 1604, chúa Nguyễn Hoàng tách huyện Điện Bàn, thuộc phủ Triệu Phong của xứ Thuận Hóa, nhập vào xứ Quảng Nam; đồng thời nâng Điện Bàn thành đơn vị cấp phủ, lập các đơn vị cấp dưới của phủ Điện Bàn là các huyện Hòa Vang, Tân Phúc, An Nông, Diên Khánh, Phú Châu.
Hành trình san sẻ
Căn cứ theo các sách địa chí cũ, có thể nhận biết phạm vi địa giới của huyện Hòa Vang từ lúc thành lập cho đến cuối thời Nguyễn, gần tương ứng với toàn bộ thành phố Đà Nẵng ngày nay. Sách Đồng Khánh Địa Dư Chí, biên soạn vào cuối thế kỷ XIX, ghi nhận huyện Hòa Vang gồm 7 tổng là Hòa An Thượng, Phước Tường Thượng, Đức Hòa Thượng, An Châu Thượng, Phú Khê, Thanh Châu và Bình Thái Hạ.
Bắt đầu từ năm 1888, các xã Hải Châu, Phước Ninh, Thạch Thang, Nam Dương và Nại Hiên Tây của tổng Bình Thái Hạ tách ra khỏi huyện Hòa Vang, trở thành đất nhượng địa cho chính quyền thực dân Pháp. Tiếp đến năm 1901 một số xã, thôn của tổng Bình Thái Hạ lại tiếp tục tách khỏi huyện Hòa Vang, nhập vào đất nhượng địa, gồm các xã Xuân Đán, Thạc Gián, Xuân Hòa, Liên Trì và các thôn An Khê, Thanh Khê. Đó là phần địa giới mà huyện Hòa Vang đã “san sẻ” lần đầu tiên để hình thành đơn vị thành phố nhượng địa Tourane và chính là phần trung tâm của thành phố Đà Nẵng ngày nay.
Cùng thời gian ấy, huyện Hòa Vang cũng “san sẻ” một số xã, thôn ở phía tây nam để hợp cùng một phần đất của huyện Diên Phước và Quế Sơn, lập nên huyện Đại Lộc (năm 1900).
Địa bàn của huyện Hòa Vang tương đối ổn định trong thế kỷ XX cho đến năm 1997, khi thành lập đơn vị hành chính thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, với phạm vi diện tích bao gồm thành phố Đà Nẵng và huyện Hòa Vang của tỉnh Quảng Nam lúc bấy giờ. Để đáp ứng sự phát triển của đơn vị thành phố mới lập, địa giới huyện Hòa Vang một lần nữa được “san sẻ” để hình thành thêm 2 quận mới, là quận Liên Chiểu và quận Ngũ Hành Sơn. Đến năm 2005, huyện Hòa Vang tiếp tục “nhường” thủ phủ của mình ở Cẩm Lệ cùng với một số xã lân cận để thành lập quận mới Cẩm Lệ. Sau khi đã chia sẻ các phần đất trù phú để cho ra đời những đơn vị hành chính mới, huyện Hòa Vang vẫn giữ lại danh xưng lâu đời của mình, và dời trung tâm hành chính của huyện về Túy Loan cho đến hiện nay.
Lưu dấu thổ âm
Có người nghĩ rằng danh xưng Hòa Vang được chuyển từ tên cũ là Hòa Vinh. Thật ra trong văn bản chữ Hán, tên của huyện từ khi thành lập đến nay đều được viết với tự dạng 和 榮 (âm Hán Việt là HòaVinh), nhưng người địa phương thì lại đọc là “Hòa Vang”. Sự đọc lệch âm Hán Việt thường xảy ra khi có sự kỵ húy hoặc trong hệ thống ngữ âm địa phương không có âm tương ứng. Nhưng qua thống kê các từ húy Việt Nam thì không thấy có từ 榮 (Vinh) trong nhóm các từ húy phải viết lệch hoặc đọc lệch. Đồng thời ở Quảng Nam, người địa phương vẫn phát âm được âm “vinh” trong các tổ hợp “quang vinh”, “vinh dự” (không đọc thành “quang vang” hay “vang dự”).
Như vậy, không phải tên gọi Hòa Vinh (和 榮) có trước; rồi do kỵ húy hay do địa phương không phát âm chuẩn mà thành ra Hòa Vang. Chúng tôi nghĩ đến một con đường ngược lại. Vùng đất này đã có một tên gọi theo thổ âm, phát âm tương tự “vang”, sau đó được tầng lớp trí thức Hán học đặt tên mới (theo phương thức dùng các chữ Hán vừa có ý nghĩa đẹp vừa gần với âm cũ) và đã dùng cụm từ chữ Hán 和 榮 để định danh vùng đất này. Đây là trường hợp tương tự như làng Răm (palei Ram) ở Ninh Thuận được đặt tên chữ Hán là “Văn Lâm”, vừa giữ được âm và nghĩa của từ “Răm” trong tiếng Chăm vừa thêm chữ “Văn” có nghĩa là “đẹp đẽ, sáng sủa”.
Thử tìm trong tự điển Chăm-Pháp của Aymonier và Cabaton (xuất bản ở Paris năm 1906), chúng tôi gặp từ Chăm “lavan”, được dịch ra tiếng Pháp là “marécage”, nghĩa là “đầm lầy”. Trong từ điển Malay-Anh của Crawful (xuất bản ở London năm 1852) có từ “Rawa”, được dịch ra tiếng Anh là “a morass”, cũng có nghĩa là “bãi lầy”. Lại đọc trong sách Ô Châu Cận Lục của Dương Văn An (biên soạn năm 1555), có các địa danh Kim Nê và Yến Nê, thuộc huyện Hòa Vang ngày nay, trong đó Nê được viết với tự dạng 泥, có nghĩa là “bùn đất”; và cũng trong Ô Châu Cận Lục có chép “Hóa Khuê, Cẩm Lệ đóng cừ gỗ để ngăn cá sấu”.
Những thông tin này gợi liên tưởng đến vùng đất Hòa Vang xưa với nhiều đầm lầy, bãi bùn. Rất có thể từ thời Champa, ở đây đã có tên gọi “Lavan”, “Ravan”… và được các nhà Hán học lưu giữ thổ âm trong tên mới chữ Hán là “Hòa Vinh”. Do không có chữ Hán đồng âm với “Vang”, nên chữ 榮 (vinh) được dùng để ghi âm “vang”. (Trong các văn bản chữ Nôm, từ “vang” cũng được viết bằng cách ghép chữ 榮 với bộ khẩu, thành 㘇 ). Có thể nói, dù đã được đặt cho một tên gọi đẹp đẽ là “Hòa Vinh”, người địa phương vẫn muốn đọc là “Hòa Vang” theo cách riêng của mình. Nhìn qua bên kia đèo Hải Vân, một vùng đất ven biển được đặt tên chữ Hán là Phú Vinh, nhưng cũng đã chịu áp lực của giọng đọc địa phương, đổi thành Phú Vang. Phải chăng đó cũng là lưu dấu của một “giọng châu Hóa” cổ xưa ở vùng đất biên viễn Ô Lý?
VÕ VĂN THẮNG