Bà Thương dắt mẹ về đến nhà trời đã nhập nhoạng tối, lũ gà đói ăn kêu inh ỏi, hai đứa cháu nội vầy đất cát nhem nhuốc hết chân tay mặt mũi. Mệt thở không nổi nhưng bà chẳng có thời gian để nghỉ ngơi, khóa cổng nhà lại cho cụ Khởi không trốn đi rồi bà lao vào cơm nước, tắm giặt cho các cháu. Lúc rảnh tay sờ đến điện thoại thấy hàng chục cuộc gọi nhỡ của anh cả. Bà gọi lại còn chưa kịp hỏi gì đã bị anh cả mắng xơi xơi.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
- Cô ở nhà trông mẹ cái kiểu gì thế hả? Sao lại để mẹ bỏ đi lang thang như thế, nhỡ có chuyện gì xảy ra cô có chịu trách nhiệm nổi không?
- Em quên đóng cửa, thoáng một cái mẹ đã lẻn ra ngoài. Tìm ngõ này mẹ đi ngõ khác. Em tìm mẹ về rồi, mà sao anh biết?
- Thì trên fanpage thị xã chia sẻ camera nhà dân đấy thôi. Có người còn chụp cả hình. Họ bảo chả biết con cái đâu mà bỏ mẹ lang thang. Hỏi thì mẹ bảo “con tôi chết năm nó mười sáu tuổi”. Mà chắc cô mải ra đồng làm không để ý lâu thì mẹ mới đi xa như vậy. Anh đã bảo cô rồi, bán bớt bò đi, trả bớt ruộng đi. Thiếu đâu anh chị phụ. Chứ để thế này người ta cười vào mặt.
Thương định nói gì đó nhưng ngoảnh sang thấy mẹ ngồi hiền khô bà lại chẳng lỡ cất lời. Thật ra cái video anh cả xem được người ta đưa lên mạng từ nửa tháng trước rồi. Gia đình đăng thông tin đã đón được cụ về, nhờ người ta gỡ bài mà các trang vẫn cứ chia sẻ lại. Anh cả bận bịu lắm, lâu không về đâu có biết ngày nào mẹ cũng bỏ nhà đi như thế. Cổng khóa thì bắc ghế trèo tường hoặc rình lúc sơ hở là mẹ trốn đi, nhanh còn hơn lũ nhóc. Có hôm chạy theo mẹ mệt nhoài, vấp ngã sóng soài ở giữa đường. Bà mếu máo van xin, mẹ quay lại lừ mắt bảo:
- Chị về đi, tôi còn phải đi tìm thằng út.
- Út ở nhà. Mẹ cứ về nhà là thấy út à.
- Chị toàn nói dối tôi. Người ta ác lắm, họ toàn bảo thằng út chết rồi. Chị cứ để mặc tôi. Tôi phải tìm nó về trước khi sương xuống.
Thằng út của mẹ mất từ năm mười sáu tuổi trong một buổi trưa theo bạn ra sông tắm. Nghe bạn bè kể lại rằng thằng út ao ước bơi qua sông xem bên ấy có gì. Bây giờ thằng út của mẹ chắc đang chơi trốn tìm trong bãi cỏ lau mọc trắng trên bờ sông bên ấy. Chơi xong út thảnh thơi nằm nghe sóng nước vỗ êm đềm, có khi đã ngủ quên trên bờ cát trắng. Cũng có thể út đang bay trên những tầng mây, ngó nghiêng xuống nhân gian thích thú. Chỉ có mẹ vẫn đau đáu kiếm tìm suốt mấy chục năm trời trên những con đường cũ.
Anh cả cũng đâu thấy được cảnh mẹ cầm chiếc roi tre đánh vào mông đứa con gái đã sáu mươi tuổi vì cái tội lôi cụ về bằng được. Nhìn bà ngồi thổi vết cào của gai tre, cụ Khởi tỉnh queo hỏi: “Làm sao mà chảy máu? Làm ăn phải cẩn thận chứ con”. Cụ lật đật ra hái cây bách bệnh ngoài vườn, nhai nhồm nhoàm bằng hai hàm chỉ còn trơ lợi quýnh quáng đắp cho con. Mẹ già bảo: “Tay đau thì đừng có động việc gì. Cứ để mẹ vào bếp nấu cơm. Ngồi yên đấy”. Ấy vậy mà lúc đang đi vào bếp cụ bỗng đứng khựng lại hỏi: “Mấy giờ rồi sao còn chưa cơm nước? Định bỏ bà già này chết đói đấy à?”.
Chồng mất sớm, bà Thương một mình nuôi ba đứa con trưởng thành. Tưởng lúc về già được an nhàn nhưng con trai bà làm ăn chẳng may đổ nợ, hai vợ chồng phải gửi con nhờ bà trông hộ để đi xuất khẩu lao động. Hai đứa cháu nội đang tuổi nghịch ngợm trông cực thật đấy nhưng có bà có cháu cũng vui. Cụ Khởi trước ở một mình nhưng sau lần đãng trí nấu bếp củi để cháy nhà thì con cháu không yên tâm nữa. Con cả đón xuống phố mươi ngày thì lại thấy chở cụ quay trở lại. Hỏi ra mới biết cụ nhớ quê, nghe tiếng con gà trống gáy vang giữa phố thì mở cửa đi tìm. Nhà chung cư cửa đóng then cài, chẳng có ai sẵn lòng mở ra cho cụ hỏi han dăm ba câu chuyện. Cụ leo mấy tầng vẫn không thấy con gà trống ở đâu. Con dâu cả dám chắc rằng tiếng gà ấy vang lên trong tâm tưởng của một người nhớ quê. Chứ chung cư này làm gì có đất nuôi gà. Hoặc có chăng con gà ấy cũng vừa từ quê xuống, người ta nhốt tạm chờ hóa kiếp. Rồi cụ Khởi ốm nằm liệt giường suốt nửa tháng trời. Tỉnh lúc nào là cụ lại đòi đi tìm tiếng gáy. Con trai cả hiểu ra liền đưa bà về lại quê nhà. Khổ nỗi để cụ một mình thì không được, mà con trai con dâu còn công việc buôn bán làm ăn dưới phố không thể bỏ. Nên bà Thương đón cụ về chăm sóc lúc cuối đời.
Được về quê cụ Khởi khỏe hẳn, bữa nào cũng hai bát cơm đầy. Chỉ mỗi tội lúc lẫn nhiều hơn lúc tỉnh. Cũng phải, cụ đã ngoài tám mươi, ở tuổi ấy mấy ai không lẫn, ăn rồi bảo chưa ăn cũng là chuyện bình thường. Con trai cả ở xa thỉnh thoảng gọi điện về, thấy mẹ già kêu “nó bỏ đói tao suốt một ngày” xót không chịu được. Bà Thương chẳng buồn giải thích bởi còn bận ra vườn hái rau nấu lại nồi canh khác. Nồi canh cụ Khởi nấu rau chưa được rửa, dưới đáy nồi đọng đầy đất cát. Quần áo của tụi nhỏ bố mẹ chúng mua theo mốt, vài chỗ rách te tua, cụ Khởi thấy vậy liền mang ra khâu đè miếng tích-kê khác. Mà cái miếng tích-kê ấy được cụ cắt ra từ những chiếc áo, chiếc quần còn mới. Mấy chuyện ấy cũng thường thôi bà Thương đã quen rồi. Có lúc cực quá cũng bực mình nhưng ngó sang thấy mẹ già ngồi hiền khô lại thương đứt ruột. Có những chiều cụ Khởi ngồi đầu gió, mếu máo hỏi: “Mẹ đẻ ba đứa con cả thảy, sao giờ chỉ còn mỗi một đứa cạnh bên?”. Bà Thương bấm máy gọi anh cả giục về đi, mẹ nhớ. Nhưng đáp lại chỉ có tiếng ting ting từ tin nhắn ngân hàng. Mẹ già rồi răng rụng hết ăn uống được là bao gửi tiền chi mãi. Vừa dứt tiếng thở dài ngẩng lên đã thấy mẹ tha thẩn đi ra ngõ. Ai đó đi qua hỏi cụ Khởi đi đâu đấy ạ? À thì đi tìm thằng út về, nó đang cất vó tôm ngoài sông ấy.
Sắp lạnh rồi, con nhớ mang áo lạnh của thằng út ra phơi. Nay nhà còn nhiều gạo không con? Nếu thiếu cứ độn thêm sắn vào, thằng út cần ăn nhiều để còn đi bộ đội. Có khi đang ăn cơm cụ Khởi buông đũa hỏi thằng út đâu rồi? Nó đi bộ đội rồi mẹ ơi. Cụ gật gật đầu nói Tết này nó được ra quân đấy, nuôi lấy một đàn gà to béo chờ nó về mổ thịt. Tưởng nghe rồi bỏ đấy, ai ngờ bà Thương ấp thêm một ổ trứng để lấy gà nuôi thật. Bà vẫn thường hay chiều mẹ già như thế. Có hề gì, còn mẹ để mà chiều là phúc đức. Bao nhiêu người bằng tuổi bà mà quả cau, lá trầu để héo vì chẳng còn cha mẹ đấy thôi. Mồ côi tuổi nào mà chẳng bơ vơ. Có đêm giật mình tỉnh giấc nhìn ra sân thấy mẹ già ngồi như pho tượng, lòng bà Thương đã mất mát mơ hồ.
***
Đêm nay rằm, trăng tròn lắm mà sao không sáng được như trăng của ngày xưa. Cụ Khởi ngồi trong buồng mắt hướng ra cửa sổ bỏ miếng trầu vào miệng bỏm bẻm nhai không quên giục mấy đứa chắt ngoại đi ngủ sớm. Quần quật suốt cả ngày thấm mệt, trong lúc nằm ru cháu bà Thương chìm vào giấc ngủ lúc nào không biết. Tỉnh dậy đã nửa đêm, theo thói quen bà ngó sang buồng mẹ. Chăn gối phẳng phiu mẹ già không ở đó. Bà Thương quýnh quáng chạy ra ngoài chỉ thấy tiếng gió hú trên đồng xa vọng lại. Cánh cửa cổng mở toang, chùm chìa khóa còn treo lủng liểng. Nhìn ra mịt mùng bóng tối bà Thương bật khóc vì không biết phải tìm ở đâu. Tiếng khóc của bà đánh thức lũ chó sủa ầm ĩ khắp nơi. Từng ngôi nhà trong xóm dần đã sáng đèn. Người sang trông nhà trông cháu giúp bà Thương. Người soi lại camera xem cụ Khởi rẽ hướng nào. Những người còn lại soi đèn pin chia nhau tìm cụ Khởi.
Bà Thương cố lần theo vệt nhớ của mình xem mẹ già có để lại chút dấu vết gì? Tuyệt nhiên không. Suốt mấy ngày nay cụ Khởi chỉ quanh quẩn chuyện trò với mấy đứa chắt ngoại và con chó con mèo. Cụ không hề nhắc tới thằng út và cuộc kiếm tìm nào. Cụ khiến người con gái của mình tưởng rằng mẹ già đã không còn tha thiết với những lần trốn nhà đi nữa, khỏi cần cảnh giác trông chừng. Lạ thay camera chĩa ra đường ở những nhà hàng xóm xung quanh đều không thấy bóng dáng cụ đâu. Có người mất ngủ thức uống trà nói rằng chẳng có tiếng chó nào sủa cả. Không nhẽ bà cụ đã bốc hơi biến mất?
“Làm gì có chuyện người có thể bốc hơi? Anh không hiểu cô trông mẹ kiểu gì mà cụ đi lúc nào không biết”. Bà Thương tắt máy, bước chân đi vô định trong đêm. Tiếng gió hú hoang lạnh qua những cánh đồng, tiếng chó sủa theo bà dài thành vệt. Chân bà vấp phải hòn đá bên đường, bật máu. Lúc ngồi xuống vệ đường ngửa cổ than trời chỉ thấy một vầng trăng vàng vọt. Bà đột nhiên nhớ ra lời mẹ già nói lúc nhai trầu: “Cá ăn trăng. Cá ăn trăng”. Câu này ngày xưa, lúc còn bé thằng út hay nói vậy sau một lần nhìn thấy cá nhảy lên đớp vầng trăng in bóng dưới dòng sông. Bà Thương vùng dậy thẳng hướng sông mà chạy.
Con sông ấy thằng út từng rủ bạn ngụp lặn những đêm hè vằng vặc ánh trăng. Cá ăn trăng. Cá ăn trăng.
Cụ Khởi ngồi bất động trên đê, đôi mắt mờ đục nhìn lẫn vào dòng sông Hồng chảy êm đềm, lặng lẽ. Cả cơ thể cụ phủ đầy sương lạnh ngắt. Bà Thương ôm lấy người mẹ già nức nở. Cụ Khởi bị tiếng khóc của con gái làm cho bừng tỉnh. Người mẹ già cuống quýt khi nhìn thấy máu từ chân con gái chảy ướt cả cỏ đê, thấm vào cát dưới đường. Con có đau lắm không? Con đi đâu mà vội vàng như thế? Cụ vuỗi sương trên mái tóc con mình, mếu máo như đứa trẻ. Mình về nhà thôi con, thằng út nó chết rồi! Kể từ đó cụ Khởi không bao giờ trốn nhà đi nữa…
VŨ THỊ HUYỀN TRANG