Cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy

.

Việc đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn đang trở nên “nóng” hơn bao giờ tại khắp các cuộc họp, diễn đàn, báo chí trong cả nước. Nếu xét một cách toàn diện thì xây dựng bộ máy công quyền khoa học, hoạt động hiệu lực, hiệu quả ngoài mục đích phục vụ nhân dân, doanh nghiệp tốt hơn; còn tồn tại như một nhu cầu tự thân của cộng đồng các thành viên trong cơ quan Nhà nước (ở đây là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức) - đó là nguyện vọng được làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp, khoa học và hiện đại với những giá trị ưu trội.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính Đà Nẵng. Ảnh: Tư liệu
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính Đà Nẵng. Ảnh: Tư liệu

Trong quá trình đổi mới, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Qua 7 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, bước đầu hệ thống chính trị đã giảm bớt được các đầu mối trung gian, giảm biên chế, giảm chi thường xuyên, giúp tăng thêm ngân sách để chi đầu tư phát triển.

Tuy nhiên, mô hình tổng thể về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị nhìn chung vẫn chưa hoàn thiện với thực trạng tổ chức còn cồng kềnh, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn còn chồng chéo, trùng lắp. Việc phân công, phân cấp, phân quyền chưa hợp lý và đồng bộ; cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả chưa cao, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa chặt chẽ…

Chính vì vậy, với quyết tâm chính trị mạnh mẽ, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (ngày 25-11), Tổng Bí thư Tô Lâm một lần nữa nhấn mạnh, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị là đòi hỏi rất cấp thiết trong tình hình thực tiễn, là vấn đề đặc biệt hệ trọng, tác động đến sự phát triển của đất nước, tâm tư tình cảm, quyền lợi của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị.

Thật ra, sắp xếp, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị không chỉ là chủ trương lớn được Ðảng quan tâm, chỉ đạo tập trung thực hiện, mà còn là xu thế tất yếu - là bước đi bắt buộc trên hành trình cải cách, phát triển và hội nhập. Cải cách xét đến cùng là để có một nền hành chính mới, hiệu quả hơn, trong khi đó, xây dựng bộ máy Nhà nước về bản chất là hướng tới hiệu lực quản lý, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vai trò quản lý của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Cho nên, có thể khẳng định, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy là một điều kiện để công tác cải cách hành chính tiến tới thành công, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay.

Tuy nhiên, kết quả của việc “tinh gọn” không đơn thuần là giảm được bao nhiêu biên chế hay sáp nhập, tổ chức lại các cơ quan Nhà nước, đây chỉ là từng bước triển khai thực hiện. Công tác tinh gọn chỉ thành công khi chúng ta có một nhà nước năng động, minh bạch, hiện đại hơn và đáp ứng được sự kỳ vọng cũng như khơi dậy được sức dân. Có lẽ trong hành trình rút gọn tổ chức, sắp xếp lại hệ thống các cơ quan, đơn vị Nhà nước thì yếu tố con người cần phải được lưu tâm và thận trọng hơn hết bởi: “Nhiệm vụ sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy là công việc rất khó khăn, nhạy cảm, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi con người trong từng tổ chức. Do đó, đòi hỏi sự đoàn kết, quyết tâm cao, dũng cảm và cả sự hy sinh lợi ích cá nhân, vì lợi ích chung”.

Trước hết, phải tinh giản đúng đối tượng, đúng cơ quan, đơn vị, tổ chức - những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém, thiếu trách nhiệm hay những tổ chức trung gian, không cần thiết. Tinh gọn nhưng vẫn đảm bảo giữ lại được người giỏi, hạn chế thấp nhất tình trạng “chảy máu chất xám” vì một khi chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không được nâng cao, bộ máy hành chính vẫn sẽ trì trệ, dù có được tinh giản hay không. Nếu muốn tinh gọn đúng cách và đúng hướng, cần xem xét đi kèm với đổi mới hệ thống tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, tránh việc đánh giá theo cảm tính, không lượng hóa được công việc, tạo cơ hội cho các quan hệ, tình cảm cá nhân len lỏi và chi phối.

Bên cạnh đó, như đã nói ở trên, tinh gọn tổ chức bộ máy không thể tránh khỏi việc đụng chạm đến lợi ích cá nhân, đòi hỏi sự thấu hiểu, chung tay và cả sự hy sinh vì lợi ích chung. Vì vậy, quá trình tinh giản phải được tiến hành song song với việc tăng cường công tác tuyên truyền, kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của từng cán bộ, công chức, viên chức để có hướng sắp xếp, bố trí, giải quyết thỏa đáng, hợp lý hợp tình, không để bất kỳ cá nhân nào trong tổ chức có cảm giác bị “bỏ rơi” sau khoảng thời gian dài làm việc và cống hiến. Có như vậy thì việc đổi mới, sắp xếp, tổ chức lại bộ máy mới nhận được sự đồng thuận từ nhiều phía - từ người dân và chính đội ngũ nhân sự của bộ máy đó.

Khác với những giai đoạn đổi mới, cải cách trước đó, việc sắp xếp lại bộ máy Nhà nước lần này được Tổng Bí thư Tô Lâm xác định là “cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy”. Đã là “cách mạng” thì phải được thực hiện với quyết tâm chính trị cao nhất, bằng những giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ hơn; đồng thời, phải chấp nhận có “hy sinh” - hy sinh một phần quyền lợi cá nhân cho lợi ích của đất nước, của nhân dân.

ĐỖ LAN HƯƠNG 

;
;
.
.
.
.
.