Từ lâu, khi nói đến văn hóa truyền thống ở Đà Nẵng, người ta thường gom chung trong một vùng văn hóa xứ Quảng rộng lớn. Bởi lẽ, xuyên suốt chiều dài lịch sử, vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng đã từng là một chỉnh thể thống nhất, gắn bó chặt chẽ về địa lý, văn hóa và đời sống xã hội.
Lễ hội Cầu ngư Đà Nẵng được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019. Ảnh: T.Y |
Tuy nhiên, khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, văn hóa nơi đây bắt đầu hình thành những nét riêng khi pha trộn hài hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, giữa xưa và nay.
“Tôi hô cái quân bài, con gì nó ra đây”
“Chín chòi lẳng lặng mà nghe, lẳng lặng mà nghe/ Tôi hô cái quân bài, con gì nó ra đây…”, câu xướng quen thuộc như đã thấm vào máu của Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thực, Chủ nhiệm CLB Bài chòi Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà). Như nhiều chàng trai làng chài, 15 tuổi, ông theo cha xuống thuyền, theo những chuyến tàu đánh cá lênh đênh hằng tháng trời trên biển. Là ngư dân “ăn đằng sóng, nói đằng gió”, trời phú cho ông chất giọng hào sảng, dày và có độ ngân. Ông kể, những ngày rong ruổi cùng bạn thuyền, ông thường hô đoạn bài chòi hay hát những làn điệu dân ca xứ Quảng để vơi nỗi nhớ nhà và giữ mình tỉnh táo trước sóng gió.
Theo thời gian, tình yêu dân ca, bài chòi như chất men dẫn lối ông bỏ nghề biển, vác ba lô theo CLB Dân ca bài chòi (thuộc Hội Nghệ sĩ sân khấu Đà Nẵng) đi diễn khắp làng quê Quảng Nam, Đà Nẵng. Trong hành trình gắn bó với bài chòi, ông Thực không chỉ hát mà còn sưu tầm, học hỏi từ những nghệ nhân đi trước để hoàn thiện kỹ năng và phong cách biểu diễn. Nhiều ngư dân gọi đùa ông là nghệ sĩ chân quê bởi ông không được đào tạo trường lớp bài bản, nhưng hát câu nào chắc câu đó, đọc câu nào trúng câu đó và có tài “xuất khẩu thành câu ca”. Với ông, bài chòi, bả trạo hay làn điệu dân ca là những triết lý dân gian được con người đúc kết qua năm tháng.
Chịu nhiều tác động của nhịp sống đô thị, bài chòi ở Đà Nẵng vẫn giữ được nét nguyên bản theo cách diễn xướng của người xưa. Theo ông Thực, cái thú vị của dân ca bài chòi là trong thanh có tục, trong tục có thanh, lời ca khi nhẹ nhàng thi vị, lúc ẩn ý thâm sâu. Cùng với đó, cách thức diễn xướng theo kiểu hò Quảng, nam xuân, xuân nữ, xàng xê, câu từ linh động kèm tên quân bài ngồ ngộ như Ba gà, Nọc thược, Bạch huê, Dái voi, Tứ cẳng… khiến người nghe không khỏi bật cười. Có thâm niên làm “anh hiệu” hơn 30 năm, ông Thực luận giải rằng những chiếc chòi trong nghệ thuật bài chòi được bố trí theo quy luật âm dương ngũ hành cũng như tượng trưng cho vòng xoay bát quái: Kiền, Đoài, Ly, Chấn, Tốn, Khảm, Cấn, Khôn.
Với quan niệm này, người xưa không chỉ xem bài chòi là loại hình nghệ thuật mang tính giải trí, mà chứa đựng ý niệm xua đuổi tà ma ngày đầu năm mới. “Giá trị ẩn ngữ dân gian được lồng ghép vào loại hình diễn xướng bài chòi khiến tôi càng theo càng mê và cố gắng cùng cộng đồng gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống giàu bản sắc này”, ông Thực khiêm tốn nói.
Việc thay đổi cách thiết kế sân khấu đến lồng ghép ánh sáng, âm thanh cũng được các CLB bài chòi ở Đà Nẵng áp dụng nhằm thu hút người dân và du khách. Ngoài ra, các nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian cũng sẵn lòng tổ chức các lớp học ngắn hạn dành cho học sinh, sinh viên và người yêu thích loại hình nghệ thuật này. Những buổi truyền dạy không chỉ tập trung vào cách hát, cách hô mà còn giúp học viên hiểu rõ hơn lịch sử, ý nghĩa của nghệ thuật bài chòi trong đời sống tinh thần người dân miền Trung. Đ
ể dân ca bài chòi không bị giới trẻ lãng quên, Nghệ nhân ưu tú Trịnh Công Sơn, thành viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Đà Nẵng đã đưa nhiều “câu chuyện nay” vào “làn điệu xưa”. Ông đơn cử, với kịch bản dân ca bài chòi “Ngày đền tội của Covid-19”, ông đã lồng ghép thông điệp “Khẩu trang bịt miệng thường xuyên/ Rửa tay sát khuẩn ngày năm sáu lần/ Vệ sinh mũi miệng tay chân/ Không nên tụ họp, không gần chỗ đông” vào lối hát xàng xê, hò Quảng. Tác phẩm trở thành cầu nối hữu hiệu giữa yếu tố xưa và nay, giữa quá khứ và hiện tại.
“Đưa những vấn đề được người dân quan tâm vào bài chòi không làm mất đi nét đẹp truyền thống, mà ngược lại giúp nghệ thuật này gần gũi hơn với cuộc sống thường ngày. Để mỗi người dân Đà Nẵng, trong tâm thức của mình, luôn khắc nhớ câu xướng quen thuộc “Tui hô cái quân bài, con gì nó ra đây” của một loại hình nghệ thuật độc đáo mà cha ông đã gìn giữ, trao truyền”, ông Sơn chia sẻ.
Tín ngưỡng dân gian, mỗi nơi mỗi khác
Trong đời sống tín ngưỡng của ngư dân vạn chài, lễ hội cầu ngư không còn xa lạ nhưng khi đi sâu tìm hiểu mới thấy những khác biệt thú vị giữa lễ hội cầu ngư ở Đà Nẵng và các vùng lân cận. Nhà nghiên cứu, nhạc sĩ Trần Hồng cho hay, hằng năm, lễ hội cầu ngư được ngư dân vùng biển từ Thanh Hóa đến mũi Cà Mau tổ chức nhưng mỗi nơi mỗi khác, dù vẫn dựa trên những tập tục, nghi lễ thống nhất. Ông ví dụ, nếu ở Đà Nẵng, lễ hội cầu ngư được tổ chức trên bãi biển, thì tại Hội An (tỉnh Quảng Nam), lễ hội được tổ chức dưới nước, ngay vị trí cửa biển. Người ta đặt lễ vật ở nhà rồi mang ra biển cúng. Họ ghép các thuyền lại với nhau thành một khung thờ, trước mũi thuyền chính đặt bàn án để đồ cúng, trên mũi thuyền cắm cờ ngũ sắc.
Ngoài phần lễ có chút thay đổi, thời gian tổ chức lễ hội cầu ngư ở hai địa phương cũng có phần khác nhau. Nếu lễ hội cầu ngư ở các quận Sơn Trà, Thanh Khê, Liên Chiểu thường tổ chức tháng Hai, Ba Âm lịch, thì ngư dân vùng Cẩm Kim (Hội An) tổ chức cầu ngư vào ngày 16-8 Âm lịch. Trong khi đó, ngư dân vùng Tam Xuân (Tam Kỳ) lại chọn tháng Tư. Những yếu tố khác biệt trong lễ hội cầu ngư giữa Đà Nẵng và các vùng khác của xứ Quảng minh chứng cho tính đa dạng của phong tục, tập quán địa phương, cũng như phù hợp với mùa vụ đánh bắt cá trên biển. Nhà nghiên cứu Trần Hồng nhận định, lễ hội cầu ngư ở Đà Nẵng mang đậm tính cộng đồng. Đặc biệt, phần hội thường được tổ chức với các trò chơi dân gian như kéo co, đua thuyền thúng, thi bơi, tạo nên không khí sôi động và vui tươi.
“Nếu Hội An tổ chức lễ hội ở khu vực cửa biển, mang tính linh thiêng nhiều hơn, thì Đà Nẵng có xu hướng biến lễ hội thành sự kiện văn hóa - du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia”, nhạc sĩ cho biết.
Ngoài ý nghĩa tâm linh, lễ hội cầu ngư Đà Nẵng còn là nét văn hóa đặc trưng khi được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019. Ngư dân Lê Văn Lễ, thành viên Ban tổ chức Lễ hội cầu ngư quận Thanh Khê cho biết dù mang nhiều nét khác biệt, nhưng hoạt động cầu ngư ở Đà Nẵng vẫn bảo đảm hai yếu tố lễ và hội, kéo dài từ hai đến ba ngày tùy quy mô. Điểm đặc biệt nhất trong phần lễ là khu vực bàn thờ chính được bày biện trang nghiêm, ngoài ra mỗi gia đình ngư dân cũng có thể đặt thêm một hương án nhỏ để bày đồ lễ cúng. Bên cạnh đó, những điệu hát bả trạo với trang phục bắt mắt cũng tạo nên sức hút cho lễ hội cầu ngư.
Theo nhạc sĩ Trần Hồng, hát bả trạo còn được hiểu là hát có cầm mái chài. Tại Lăng Ông làng Tân Thái (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) còn lưu giữ đoạn chèo bả trạo viết bằng chữ Hán Nôm có từ đời vua Tự Đức, năm Canh Tuất 1850. Văn bản này có cấu trúc ba hồi: ra khơi, gặp bão tố và cầu cá Ông đến cứu. Nhiều năm nghiên cứu loại hình hát bả trạo tại lễ hội cầu ngư, nhạc sĩ đúc kết: “Lối hát bả trạo ở Đà Nẵng có tính thống nhất trong đa dạng. Nghĩa là, ngoài kết hợp các kiểu nói lối, xướng, thán, hát Nam trong nghệ thuật hát bội truyền thống xứ Quảng, ngư dân đã vận dụng linh hoạt những điệu hò thả neo, kéo neo, hò chèo thuyền, hò mái lơi… vào câu hát của mình”.
Nhìn từ góc độ văn hóa, Đà Nẵng là vùng đất luôn vận động, chuyển mình để thích nghi với đời sống hiện đại nhưng vẫn giữ trong mình nét văn hóa truyền thống. Điều này thể hiện rõ qua cách người dân duy trì, phát triển những nét đẹp đặc trưng và xem đó là một phần bản sắc không thể tách rời. Và cũng chính sự hòa quyện này đã giúp thành phố tạo dựng được một bản sắc văn hóa riêng, vừa gần gũi, thân thương, vừa độc đáo, hấp dẫn để trao truyền lại thế hệ mai sau.
TIỂU YẾN