Trong suốt chiều dài lịch sử đất nước, trải qua nhiều tiếp biến văn hóa nhưng tà áo dài Việt vẫn là biểu tượng tinh hoa mà không trang phục dân tộc nào có được. Bởi áo dài là sự kết hợp hoàn hảo của sự kín đáo và quyến rũ, hiện đại lẫn truyền thống, nhẹ nhàng nhưng cũng khá mạnh mẽ. Tà áo dài Việt luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà may, nhà thiết kế không ngừng sáng tạo.
Ở tuổi 85, bà Văn Hà, vợ nghệ nhân Văn Hà vẫn đam mê may, đo và dành tình yêu lớn cho áo dài. Ảnh: T.V |
Dệt cho đời nụ cười
Những ai sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng những năm 1960, không ai không biết đến nghệ nhân Nguyễn Văn Hà, nhà may áo dài nổi tiếng nằm trên con đường Phạm Hồng Thái (quận Hải Châu). Đến nay, trải qua 65 năm xây dựng thương hiệu, nhà may Văn Hà vẫn được khách hàng lựa chọn để may áo dài những dịp trọng đại. Trò chuyện cùng tôi, bà Đỗ Thị Huệ, vợ nghệ nhân Văn Hà (SN 1939, còn gọi là bà Văn Hà) bày tỏ, chồng mất 10 năm qua, hiện bà cùng bốn người con kế thừa bàn tay tinh hoa của nghệ nhân Văn Hà.
Nhấc ngụm trà nóng còn loang làn khói, bà Văn Hà nói về chồng, về mình như một lời tâm tình, thuở nhỏ, nghệ nhân Văn Hà sinh ra và lớn lên tại thôn Nhơn Thọ 1 (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang). Năm 15 tuổi, ông rời quê, khăn gói ra Huế học nghề may veston và áo dài. Bà cũng là học viên may của lớp, sau này, hai người dần quý mến rồi nên duyên vợ chồng.
Đến năm 1960, vợ chồng bà rời Huế, vào Đà Nẵng mở cửa hàng may áo dài đầu tiên trên đường Phạm Hồng Thái. Giai đoạn này, phần lớn cửa hàng may veston bởi áo dài khá ít khách và chủ yếu khách hàng là người quen “mách miệng”. Dần dà, khách hàng tăng dần, sau ngày giải phóng, vợ chồng bà chuyển hoàn toàn sang may áo dài. Thời đó, chưa có điều kiện thuê nhân công, bà vừa ôm con nhỏ để đo, ông cắt và may rồi thay phiên ông đo, bà cắt may, có khi đến hai, ba giờ sáng cửa hàng vẫn còn chong đèn, bàn may vẫn chạy đều. Với vợ chồng nghệ nhân Văn Hà, chỉ cần nhận về sự hài lòng của khách hàng đó là điều thành công.
“Thời gian đầu, chúng tôi gặp nhiều khó khăn bởi đôi lần khách hàng thất vọng khi sản phẩm tạo ra không đúng ý, đúng kiểu, chưa tạo ra điểm nhấn. Đó là bài học kinh nghiệm và sau này, chúng tôi nằm lòng rằng, mọi sản phẩm mình tạo ra không chỉ từ đôi bàn tay, kỹ năng mà ở sự chân thành của người may. Khi mình đặt cái tâm, cái tình, sự đam mê sẽ tạo ra sản phẩm với diện mạo mới lạ và đầy cảm xúc”, bà Văn Hà bộc bạch.
Sẽ không quá lời khi nói về nghệ nhân Văn Hà bởi dường như ông sinh ra để “đo ni đóng giày” với tà áo dài, làm đẹp cho người phụ nữ. Danh tiếng của ông vang xa trong nước lẫn ngoài nước bởi trong tâm thức mỗi khách hàng, chỉ cần đến với Văn Hà, mọi khuyết điểm trên cơ thể như xóa mờ nhờ khả năng biến tấu, đan xen từng đường kim mũi chỉ, tà trước, tà sau, phần cổ, phần eo của ông như bức tranh mãn nhãn, đồng điệu, tôn vinh những điều đẹp nhất.
Thật vậy, tôi đã trải nghiệm mặc tà áo dài của nghệ nhân Văn Hà, đúng như “lời đồn”, áo dài có màu sắc, ngữ điệu, cung bậc, thế giới riêng, không trùng lặp và bền bỉ theo thời gian. Tôi cảm nhận, cũng là tấm vải đó, mũi chỉ đó, thước đo đó nhưng qua bàn tay của nghệ nhân Văn Hà, nó không còn là tấm vải vô tri mà biến hóa thành tấm vải có hồn cùng tà áo dài thướt tha, tôn dáng, hạn chế thấp nhất khuyết điểm với những đường may. Có thể nói, mỗi tà áo dài được nghệ nhân Văn Hà kết tinh, hoàn thiện là kết quả hành trình lao động bằng trí tuệ, máu thịt cũng như va chạm, trải nghiệm cuộc sống.
Bà Văn Hà tiếp lời, ông nổi tiếng khó tính, kỹ lưỡng và cầu toàn trong công việc. Đông khách, ông vẫn trực tiếp đến đo và cân đo đong đếm dáng khách hàng trên từng con số. Muốn may áo dài đẹp, công đoạn đo rất quan trọng và người đo phải tính toán hao hụt trong quá trình may. Điều này quyết định đến sản phẩm tạo ra, người may phải “dắt túi” bí quyết riêng. Ví dụ, làm áo dài phải tách tay đường eo ở ngực, đó là điều độc đáo của Văn Hà khiến khách hàng thực sự bị thuyết phục. Hay lưng ngắn phải đo, lên dáng ra sao cho cân xứng, lưng dài cũng vậy, sẽ có cách đo, may khác nhau.
Tựu chung, đó là năng khiếu cũng như cách cảm thụ để cho ra chiếc áo dài khiến ai mặc vào cảm thấy tự tin với từng đường nét trên cơ thể. “Hằng đêm, ông dành thời gian rỗi để tìm tòi, học hỏi những đường cắt xẻ đẹp nhất từ những nghệ nhân may nổi tiếng trong nước và ngoài nước. Thậm chí, ông còn nghiên cứu những tài liệu y khoa về cơ thể người, ưu và khuyết điểm nhằm đúc kết, tích lũy sự sáng tạo theo thời gian. Lúc sinh thời, ông luôn dặn tôi và các con, chúng ta không chỉ may áo dài mà chúng ta dệt cho đời những nụ cười đẹp nhất. Có như vậy, nhà may mới có thể tạo nên giá trị, chỗ đứng riêng biệt”, bà Văn Hà tự hào chia sẻ.
Sẽ không quá lời khi nói về nghệ nhân Văn Hà bởi dường như ông sinh ra để “đo ni đóng giày” với tà áo dài, làm đẹp cho người phụ nữ. Danh tiếng của ông vang xa trong nước lẫn ngoài nước bởi trong tâm thức mỗi khách hàng, chỉ cần đến với Văn Hà, mọi khuyết điểm trên cơ thể như xóa mờ nhờ khả năng biến tấu, đan xen từng đường kim mũi chỉ, tà trước, tà sau, phần cổ, phần eo của ông như bức tranh mãn nhãn, đồng điệu, tôn vinh những điều đẹp nhất. |
Làm mới áo dài truyền thống
Để đáp ứng nhu cầu số đông khách hàng, ngoài tà áo dài truyền thống, nhà thiết kế (NTK) Lê Doãn Hùng (SN 1993, quận Thanh Khê), chủ cửa hàng Tấm Design lại đam mê theo hướng làm mới tà áo dài truyền thống. Anh là NTK trang phục áo dài cho Hoa hậu quốc tế 2024 Huỳnh Thị Thanh Thủy khi cô tham gia cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2022, Hoa hậu Võ Lê Quế Anh, cuộc thi MissGrand 2024 hay Á hậu cuộc thi MissGrand 2022 Trần Nguyễn Minh Thư.
NTK Lê Doãn Hùng là dân tay ngang khi rẽ từ ngành thiết kế nội thất sang thiết kế áo dài cũng bởi quá đam mê tà áo dài. Mỗi lần đi trên đường, thấy chiếc áo dài được khoác lên bởi ai đó, anh đều cảm thấy vui và hào hứng. Vì vậy, khi quyết định rẽ sang thiết kế áo dài, với anh đó là sự liều lĩnh. Anh vẫn thiết kế và may áo dài truyền thống nhưng với tính cách thích chinh phục, anh đưa ra nhiều bản phối sáng tạo thiết kế những mẫu áo dài theo kiểu mới nhưng vẫn hướng tới phong cách tối giản, hiện đại, không xa rời khuôn mẫu mà vẫn giữ nét truyền thống.
“Thiết kế áo dài truyền thống vốn khó nhưng làm mới tà áo dài truyền thống khó gấp đôi. Không chỉ về dáng dấp, thời trang mà còn chất liệu, hoa văn, đính kết. Ngoài ra, để bay bổng, lãng mạn, thanh thoát hơn, tôi còn khéo léo kết hợp tà với các hiệu ứng voan, lưới. Để những yếu tố trên cho ra sản phẩm thì đòi hỏi giá cả khá cao. Chính vì vậy, có đôi lúc, tôi tưởng chừng như bỏ cuộc vì đầu ra không có nhưng đầu vào lại quá cao, phân khúc khách hàng khá kén cùng với thị trường cạnh tranh quá lớn. Tuy nhiên, tôi tin với sự đầu tư hết mình cùng niềm đam mê làm mới tà áo dài truyền thống sẽ là một mảnh ghép cho thị trường áo dài trong thành phố nói riêng và cả nước nói chung”, NKT Lê Doãn Hùng nói.
NKT Lê Doãn Hùng cho hay, khác với thiết kế và may áo dài truyền thống, để thiết kế và may đo làm mới chiếc áo dài có phong cách thì chất liệu quyết định đến 70%, sau đó đến họa tiết và đo, may. Đặc thù, áo dài phải làm bằng tay 100% nên khá mất thời gian, chưa kể, nếu lên họa tiết chưa đủ bắt mắt thì sẽ đính kết hoặc đổi thêu tay. Hiện anh chuyên về thiết kế áo dài thêu tay họa tiết con công, rồng, phượng, hoa sen, cây tre, cây trúc hoặc đình làng trên đa dạng chất liệu lụa, gấm, tafta lụa, organza, phi lụa. Đồng thời, anh đính kết thêm cườm, hạt và kèm phụ kiện mấn, trâm cài…
“Để phá cách trong thiết kế áo dài, tôi đong đầy cảm hứng và đưa lên các mẫu thiết kế hình ảnh các lăng, tẩm, cung đình Huế hay các họa tiết liên quan đến văn hóa, lịch sử Việt Nam. Vì vậy, ngoài làm kinh tế, với tham vọng lớn hơn, tôi mong muốn những thiết kế của mình lan tỏa thông điệp ý nghĩa, giúp các bạn trẻ nhìn nhận và thêm trân trọng những giá trị truyền thống dân tộc”, NKT Lê Doãn Hùng bày tỏ.
TƯỜNG VY