Uống trà hưởng được ba điều hay: thú thanh nhàn, thú đàm đạo và thú giao thiệp. Đối tượng thưởng trà của người Việt từ người nông dân đến bậc trí sĩ, dù lễ Tết hay hiếu hỉ, người Việt đều uống trà, mời trà. Trà không còn chỉ là một thức uống mà đã trở thành một nét văn hóa xưa - nay. Mời trà và dùng trà cũng là cách để kiếm tìm tri kỷ, kết mối thâm giao...
Một khung cảnh nên thơ tại tiệm trà Chú Trọc. Ảnh: NVCC |
Thú vui cũng lắm công phu
Chúng tôi có mặt tại Bảo tàng Đồng Đình (nằm trên tuyến đường Hoàng Sa (quận Sơn Trà), nơi mà thời gian gần đây là điểm hội ngộ của những người yêu thích bộ môn thưởng thức trà đạo. Bà Hồ Ngọc Quỳnh Trâm, Quản lý Bảo tàng Đồng Đình cho biết, bảo tàng hiện có ba phòng thưởng thức trà, được thiết kế theo đúng chuẩn của một không gian thưởng thức trà đạo gồm: các bàn trà đạo, sạp trưng bày dụng cụ pha chế trà, các loại trà được bảo tàng sử dụng.
Để phục vụ khách thưởng trà sẽ có các trà nương (được mời từ Hội An ra) với tay nghề điêu luyện. Trà tại Bảo tàng Đồng Đình được lấy từ nhiều vùng trồng chè nổi tiếng trên cả nước như: Bạch trà hay còn gọi là trà trắng (là một loại trà có hương vị tinh tế và ít chất caffeine tự nhiên); hồng trà được chế biến bằng cách oxi-hóa “vừa đủ” 80-95% tùy theo nghệ nhân làm trà hay nơi sản xuất trà để tạo nên vị trà đặc trưng; hoàng trà (hay còn gọi là trà vàng); trà bánh - trà phổ nhĩ; trà Ô Long...
Một bộ trà cụ gồm: khay trà, ấm pha trà, lọc trà, hủ đựng trà, kháo trà, bộ dụng cụ gắp, chén tống, chén quân. Bên cạnh các loại dụng cụ uống trà bên trên thì việc pha trà không thể thiếu ấm nấu nước pha trà bằng kim loại, bằng sứ hay ấm điện. Ngoài ra còn cần một khăn nhỏ để lau nước trà, giữ cho bàn trà được sạch sẽ. Một số người uống trà còn có một cái cân tiểu ly để định lượng trà, một nhiệt kế cầm tay để đo nhiệt độ nước cho chính xác, thậm chí là một đồng hồ bấm giờ để canh thời gian pha trà.
Để pha chế ra một chén trà thơm ngon chiêu đãi thực khách, các công đoạn pha trà cũng lắm công phu. Tại Bảo tàng Đồng Đình, công đoạn pha trà được thực hiện qua từng bước như sau: đầu tiên là chuẩn bị gồm chọn trà (do khách chọn hoặc quán chọn), tùy loại trà sẽ uống mà chuẩn bị bàn trà phù hợp, bộ trà cụ. Đến bước pha trà, gồm ba đoạn: tác trà (quán giới thiệu trà nương, giới thiệu loại trà và đưa khách thẩm trà nguyên, nghĩa là thưởng thức hương trà khi chưa pha chế); tiếp theo là thức trà, đây là lúc làm ấm ấm trà (tráng nước bên trong và bên ngoài ấm) rồi cho trà vào ấm và lắc đều. Lúc này thực khách sẽ được thẩm ấm (thưởng thức hương vị trà khô trong ấm). Cùng với đó, các trà nương sẽ thực hiện công đoạn tráng trà cụ nhằm giúp các trà cụ được sạch và hâm nóng.
Ở bước thứ ba, bước pha trà, trà được ủ khi cho nước nóng vào từ 30-50 giây, sau đó trà nương sẽ đảo ấm trà theo chiều kim đồng hồ trong khi ủ trà. Châm trà là lúc trà nước rót trà vào ly, rót làm nhiều lượt để các ly trà đều nhau. Người thưởng trà với phong vị xưa nay luôn là “Kính lão đắc thọ - Tiên khách hậu chủ”.
Cuối cùng là lúc thưởng trà, trà nương sẽ mời trà theo thứ tự châm trà, giới thiệu cách cầm ly, uống trà, cách để nhấm, thưởng trà cũng như giới thiệu về các tuần trà và hương vị khác nhau qua các tuần trà. Cứ như thế, một buổi thưởng thức trà diễn ra trong không gian đầy chất hoài cổ, mộc mạc xen lẫn chút vị sang trọng mà đầm ấm và thanh cao.
Nói đến thưởng trà không thể không nhắc tới vai trò của các trà nương, được ví như người truyền tải “linh hồn”, hương sắc của thức uống thanh tao là trà. Người làm công việc này không chỉ đơn thuần pha trà ra đúng hương vị thơm ngon nhất mà còn phải có sự am hiểu sâu sắc để giúp người thưởng thức “cảm” được cái hay, cái đẹp trong từng nốt hương, mùi vị. Với kinh nghiệm sắp xếp, quản lý tại Bảo tàng Đồng Đình, bà Quỳnh Trâm nói rằng, trà nương là những cô gái giữ nhiệm vụ pha, rót trà và chuyện vãn với khách tại các quán, phòng trà tương tự như barista ở quán cà phê hay bartender của quầy rượu.
Người làm trà nương có sự am hiểu sâu sắc về trà, nắm vững quy trình, cách thức pha và đòi hỏi phải có sự kiên nhẫn, khéo léo. Trà nương còn gắn với hình ảnh của những cô gái nhẹ nhàng, tinh tế ngồi bên bàn trà tỏa hương thực hiện thành thạo những bước pha trà bằng tất cả tình yêu nghề và niềm say mê.
“Giữa khung cảnh lung linh huyền ảo với ánh đèn, trong bầu không khí cổ kính, thưởng thức một tách trà thơm ngát và khám phá nét văn hóa của thành phố bên sông Hàn sẽ mang lại cảm giác thư thái, bình yên. Năng lượng từ thiên nhiên và không gian văn hóa nơi đây sẽ làm mới tâm hồn, tái tạo sức sống cho mỗi người”, ông Đinh Mỹ Lan Hạnh, một thực khách từ Hà Nội bộc bạch cảm giác sau buổi thưởng trà tại Bảo tàng Đồng Đình.
Nét xưa cần được lưu giữ
Uống trà hưởng được ba điều hay: thú thanh nhàn, thú đàm đạo và thú giao thiệp. Đối tượng thưởng trà của người Việt từ người nông dân đến bậc trí sĩ, dù lễ Tết hay hiếu hỉ, người Việt đều uống trà, mời trà. Trà không còn chỉ là một thức uống mà đã trở thành một nét văn hóa xưa - nay. Mời trà và dùng trà cũng là cách để kiếm tìm tri kỷ, kết mối thâm giao. Theo đó, một cuộc trà đúng lễ phải hội đủ những tiêu chí: nhất thủy (nước pha trà phải ngon), nhì trà (loại trà tinh túy), tam bôi, tứ bình (dụng cụ và cách thức pha trà phải chuẩn), ngũ quần anh (tri kỷ cùng thưởng trà).
Các tiền nhân sành sỏi trong nghệ thuật uống trà cho rằng: trà có nhiều nước, nước đầu tiên là nước thiếu nữ, thanh khiết, ngọt ngào. Nước thứ hai là nước thiếu phụ, đậm đà, sâu thẳm, đó mới thực sự là hồn cốt tinh túy trong một ấm trà. Sau cái đắng chát là vị ngọt hậu cứ đọng mãi không tan. Trà giúp nuôi dưỡng tâm hồn thanh khiết và luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho thi nhân. Dân gian vẫn còn lưu truyền những áng thơ trác tuyệt của người xưa về trà: “Khi hương sớm, lúc trà trưa/ Bàn lan điểm nước, đường tơ họa đàn” (Nguyễn Du), hay “Thư nhàn xin lửa pha trà mới/ Vui thú bên thông ngắm chiều qua” (Cao Bá Quát).
Người sành trà Việt giờ không chỉ uống trà tại gia mà còn tìm đến các quán để thưởng thức vị trà tinh túy. Một vài quán ở Đà Nẵng mà thời gian gần đây, thực khách thường xuyên lui tới có thể kể đến như: tiệm trà Yên (đường 2 Tháng 9), tiệm trà Chú Trọc (Trọc thư trà, 416/2 đường Hoàng Diệu)... Đúng như cái tên gọi của mình, tiệm trà Yên là một tiệm trà nhỏ nằm giữa lòng thành phố với phong cách dịu dàng, yên tĩnh. Tới đây, thực khách sẽ được thưởng thức những loại trà như trà thảo mộc, trà gừng cam thảo... vốn rất thân quen. Trong khi đó, tiệm trà Chú Trọc được ví như khoảng lặng bình yên giữa lòng thành phố...
Bạn Hoàng Đỗ Nguyễn Quyên (SN 2000, quận Hải Châu) chia sẻ, tiệm trà Chú Trọc là điểm hội ngộ thân quen của Quyên cùng đám bạn mỗi chiều cuối tuần bởi thức trà ở đây vừa có chút thanh cao, tinh khiết, lại vừa nồng đượm vẻ mặn chát nguyên bản của loại thức uống này. Rất nhiều như thế những không gian thưởng trà đủ màu sắc để thực khách có thể lựa chọn cho riêng mình...
Có thể nói, uống trà từ lâu đã trở thành thú vui tao nhã, một nét văn hóa thiêng liêng gắn với đời sống và tâm linh người Việt. Nhấp tách trà tinh túy, con người sảng khoái, giao hòa với thiên nhiên và đất trời, cảm nhận vị ngọt hậu của trà còn đọng mãi!
NHÂN HÒA ANH