Càng về cuối năm, thời tiết càng đỏng đảnh. Chưa kịp cảm nhận cái hanh hao của mùa thu, đã dùng dằng đón những trận mưa như trút nước. Miền Trung không có mùa thu, có chăng chỉ là ước ao trong ý niệm. Còn nơi tôi ở là vùng trung du, ngày xưa người ta gọi thung lũng, một vùng đất trũng chung quanh đồi núi. Mùa nắng, thời tiết như thiêu đốt 40-42oC, hôm nắng gắt có khi tới 45oC. Mùa mưa, mưa tối sầm trời đất, mưa triền miên, nhiều đợt mưa kéo dài vài ba ngày mới ngớt.
Một góc sông Rù Rì luôn nằm trong tiềm thức của tác giả. Ảnh: S.T |
Mỗi ngày tôi đi qua những con đường quen thuộc, lặng lẽ. Mấy đứa trẻ lớn lên từ làng, đi học, đi làm lập nghiệp nơi xa, thi thoảng ghé về thăm nhà, thăm ba mẹ, nghỉ ngơi vài ngày rồi lại đi. Còn lại là những người già, những người ngày xưa không có cơ hội để ra đi, những người gắn bó với mảnh đất cha ông, chưa bao giờ thổ lộ nhưng tôi biết từ trong sâu thẳm họ có một tình yêu da diết với quá khứ, với tổ tiên, với mảnh đất nghèo nàn, khô khốc.
Năm tôi 26 tuổi, vẫn còn lang thang trên con đường tuyệt đẹp Trần Phú (Nha Trang) mỗi ngày Chủ nhật. Buổi sáng nào cũng chạy thể dục dọc biển. Nhưng rồi xuất ngũ, buổi chiều thủ trưởng đơn vị thông báo, sáng hôm sau lên tàu, chuyến tàu chợ Nha Trang - Đà Nẵng, đi một hơi thẳng về quê. Không luyến tiếc, không buồn, không vui.
Nhiều năm sau nghĩ lại, sao mình không lập nghiệp nơi đó? Rất khó nói, ở đó tôi có công việc, nhưng chỉ cần má thủ thỉ vài ngày, tôi lại dao động và quyết định ở lại quê nhà, dù chẳng có dự định chi về tương lai. Tôi thường đạp xe đi Tam Kỳ mua thuốc rê về cho má để bỏ sĩ. Rồi cũng như đi buôn thuốc rê, tôi xin đi dạy. Không lo âu, cũng chẳng vui buồn.
Bây giờ tuổi đã lớn. Đêm đêm trở mình thức giấc, ngoài sân là đêm vắng lặng. Tôi nghĩ về ba má, về ông bà, những ký ức xa xưa cứ ùa về, chen nhau, choán hết tâm trí. Bạn tôi bảo tranh thủ viết đi chớ mai mốt quên hết thì buồn lắm. Tôi cũng hay quên nhưng là quên những chuyện vừa xảy ra, nhiều khi mở cửa rồi đóng cửa đi vô đi ra ba, bốn lần chỉ để lấy cái mũ bảo hiểm, đầu óc cứ lơ ngơ.
Những con đường đất ngày xưa với những bụi rậm bên đường, rồi con sông Rù Rì buồn thiu lặng lẽ, dù lâu rồi tôi không đến đó nhưng nó vẫn y nguyên trong trí nhớ. Là ngày ba dắt tôi qua sông, những tảng đá như sắp sẵn mòn lún chân người đi, doi cát nhỏ giữa sông, nước trong vắt trên nền vàng óng của cát. Quê nội ở bên kia sông, tuổi nhỏ chân ngắn cứ thấy xa vời vợi, nên mỗi lần qua sông đi trên con đường ruộng rồi đến trước sân nhà ông nội bao giờ trong tôi cũng thấy xao xuyến, lâng lâng một nỗi niềm khó tả.
Khi còn nhỏ tôi rất sợ ma, đêm đêm nếu phải đi qua nghĩa trang là tay tôi bấm quyết, tim đập thình thịch. Nhưng bây giờ tôi thấy bình thường, bởi có một thế giới ở đó, gần gũi và hiền từ. Có những ngày tôi thấy tâm mình không tịnh, tôi đến ngồi bên mộ má tôi, ba tôi, lòng thấy dịu xuống, bình yên. Tôi như nghe cả những thanh âm, tiếng má tôi từ ngoài cửa hớn hở tay cầm giấy báo nhập học về, tiếng ba tôi gọi tôi về khi mải mê dang nắng. Tôi cũng nhìn thấy những hình bóng, má tôi cả đời không đi được xe đạp cứ lầm lũi đi bộ, ba tôi dong ruổi tận đâu đâu trên đôi giỏ xe làm từ thép gai. Tôi thấy cả ông nội tôi và đôi bầu rượu, bà nội ngồi ủ men, ông ngoại đi cày, bà ngoại đi cấy giữa trời nắng nóng.
Quê hương, nơi ông bà, cha mẹ tôi đã hòa nhập, gắn kết với đất đai. Là cái gì đó không diễn tả thành lời nhưng khi nghĩ tới thì mắt tôi lại nhòe đi. Tôi khóc, nước mắt làm tôi nhẹ lòng, thanh tịnh.
GIÁP VĂN THỨC