DÒNG SÔNG GỌI NẮNG

Đi dọc triền sông Cổ Cò

.

Từng là thủy lộ quan trọng của xứ Đàng Trong, việc khơi thông sông Cổ Cò không chỉ hướng đến mục tiêu tạo đột phá mới cho phát triển kinh tế - xã hội giữa tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, mà được kỳ vọng sẽ tạo thêm sức sống mới cho con sông này.

Dòng sông Cổ Cò như dải lụa nối liền Quảng Nam - Đà Nẵng nhiều đời nay.  Ảnh minh họa: N.H.A
Dòng sông Cổ Cò như dải lụa nối liền Quảng Nam - Đà Nẵng nhiều đời nay. Ảnh minh họa: N.H.A

“Trái tim” của Đà Nẵng

Lần theo những vết tích mà lịch sử để lại thì sông Cổ Cò có tên cổ Lộ Cảnh Giang, chảy dài từ cửa Đại Chiêm (Hội An) đến Cửa Hàn (Đà Nẵng), với chiều dài 25km, nổi tiếng là tuyến đường giao thương buôn bán, vận chuyển hàng hóa, hành khách tấp nập giữa Hội An và Đà Nẵng. Con sông vốn kết nối giao thương giữa 2 cảng thị lớn Hội An và Đà Nẵng trong nhiều thế kỷ từ XVI-XVIII; từng giữ vai trò quan trọng đối với quá trình hình thành và phát triển của đô thị thương cảng Hội An trong lịch sử.

Phần cuối của sông Cổ Cò nhập với sông Đô Tỏa để đổ ra nhánh sông Hàn và chảy ra biển, đầu sông Hàn bắt nguồn từ cầu Tuyên Sơn. Tuy nhiên, trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, dòng sông này đã bị tự nhiên bồi lấp từ thời Đồng Khánh, khoảng thế kỷ XVIII.

Trong quá khứ, Đà Nẵng và Hội An từng được kết nối bằng thủy lộ Cổ Cò. Dòng sông huyết mạch làm nên sự huy hoàng cho thương cảng sầm uất xứ Đàng Trong, nơi chứng kiến bao đổi thay, thăng trầm lịch sử.

Nhà văn Hồ Trung Tú, người có nhiều nghiên cứu về lịch sử đất Quảng, trong cuốn sách mà ông là tác giả “Có 500 năm như thế” viết về sông Cổ Cò với đại ý: “Nền văn minh thời kỳ đó vẫn nằm ở dọc dài theo dòng sông”. Nhờ được thừa hưởng thế mạnh về vận tải và hậu phương là một vùng đất trù phú rộng lớn với cư dân chăm chỉ làm lụng mà Hội An phát triển cực thịnh vào thế kỷ XVII. Người ta ví thương cảng Hội An là "ngã tư" lớn của xứ Đàng Trong, nơi hợp lưu cả ba con sông đổ về biển. Ông cũng đưa ra nhận định, nếu Hội An được xem là cửa ngõ để các quốc gia đi vào xứ Đàng Trong thời kỳ trước thì sông Cổ Cò chính là cánh cửa đầu tiên mở ra vai trò giao thương đường thủy.

Trong giao thương với hải ngoại, những dòng sông chảy song song với đường bờ biển đóng vai trò vô cùng quan trọng. Bởi những chuyến thuyền hàng chở nặng hàng trăm năm trước không dễ ra giữa trùng khơi căng buồm đón gió. Và nếu cần lựa chọn đâu là dự án tiêu biểu nhất mang tính biểu tượng cho sự hợp tác cùng phát triển giữa Quảng Nam và Đà Nẵng, đó chính là dự án khơi thông sông Cổ Cò.

Ở góc nhìn của một người dân, bà Trần Thị Mại (67 tuổi, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) chia sẻ, từ bao đời nay, người làm nông ở địa phương sống dựa vào dòng sông này khá nhiều, từ nguồn nước sinh hoạt hằng ngày đến phù sa bồi đắp cho những đám ruộng, vườn rau. Không “đao to búa lớn” với những viễn cảnh phát triển kinh tế - xã hội, dòng sông Cổ Cò trong tâm thức của những người dân thật bình dị, là dòng sông gắn liền với tuổi thơ và cả chiều dài đời sống của nhiều người.

Khi nhắc đến sông Cổ Cò, nhà văn Hồ Trung Tú nói ông cảm thấy mừng vui khi một hành lang kinh tế chảy tràn trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân xứ Quảng nhiều thế kỷ trước giờ đây đang dần hồi sinh.

Công trình lịch sử của Đà Nẵng và Quảng Nam

Không phải bây giờ mà từ những năm 90 của thế kỷ XXI, khi Quảng Nam - Đà Nẵng chưa chia tách tỉnh, vấn đề khơi thông sông Cổ Cò để phát triển kinh tế, xã hội và có ý nghĩa lớn hơn đó là phục hồi lại giá trị lịch sử, văn hóa vốn có của dòng sông, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân cả một vùng rộng lớn, đã được đặt ra. Đáng tiếc rằng, câu chuyện sau đó được nhắc lại nhiều lần nhưng vẫn chưa triển khai hiệu quả.

Hiện nay, sông Cổ Cò đoạn chảy qua ranh giới Đà Nẵng cơ bản đã được nạo vét, riêng phía Quảng Nam vẫn còn nhiều đoạn bị bồi lấp chưa được khơi dòng. Đây là điều mà cả thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam cần quan tâm để khởi thông tuyến đường sông từ Hội An - Điện Bàn - Ngũ Hành Sơn - sông Hàn để phát triển cả về du lịch và vận tải. Với địa thế gần biển, khoảng cách sông Cổ Cò Đà Nẵng đến bờ biển 1-2km, thuận tiện phát triển các khu đô thị ven biển, ven sông nên xung quanh hai bên bờ sông có rất nhiều dự án sầm uất như sân golf Đà Nẵng, sân golf Quảng Nam, Cocobay Đà Nẵng, khu đô thị FPT City, khu đô thị Phú Mỹ An, khu ven biển Tân Trà Đà Nẵng...

Đặc biệt, cuối sông Cổ Cò là khu đô thị Nam Hòa Xuân, một dự án đất nền rộng lớn và có sức hút, mở ra cơ hội phát triển kinh tế, xã hội vùng đất này. Còn về phía Quảng Nam, cũng có rất nhiều dự án bất động sản thuộc địa phận phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam và thị xã Hội An.

Không thể phủ nhận những tiềm năng dòng sông này mang lại, nhưng vấn đề mà các nhà quản lý đặt ra là việc quản lý, quy hoạch, sử dụng thế nào để nâng giá trị gia tăng của dòng sông cũng như những lợi thế đi kèm vốn có. Trong tương lai, việc tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng cùng bắt tay, khơi thông dòng sông Cổ Cò dài 25km không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn có ý nghĩa lịch sử, văn hóa nhân văn sâu sắc.

NHÂN HÒA ANH

;
;
.
.
.
.
.