Chúng tôi rời thượng nguồn Cu Đê, xuôi theo con nước về hạ lưu nơi vịnh Nam Ô, trên dòng sông có chiều dài 38 cây số này, có nơi bằng phẳng, nơi dốc đá, chỗ thì rộng, chỗ thì chật hẹp, nhưng khi hạ tầng giao thông nối thượng nguồn với hạ lưu và trung tâm thành phố được hoàn thiện, dòng sông đã khoác áo mới.
Nam Ô - nơi cửa sông Cu Đê đổ ra biển. Ảnh: XUÂN SƠN |
Trong đó, bức tranh du lịch nơi thượng nguồn Cu Đê với sự hài hòa giữa cảnh quan tự nhiên và những giá trị văn hóa đã được lãnh đạo huyện Hòa Vang định hình trong chiến lược phát triển du lịch sinh thái cộng đồng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Từ Bạch Mã về Xuân Dương
"Chấn cung hình Lỗ Hạc triều dương/ Đông phương tượng Trà Sơn tác án/ Đoài hậu ủng Xuân Sơn xán lạn”
Đây là mô tả về núi Lỗ Hạc và núi Xuân Sơn, trích từ văn tế mộ Tiền hiền Triệu Cơ của làng Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) nửa trước thế kỷ XIX, được ông Đặng Dùng - “pho sử sống” của vùng đất cổ dưới chân đèo Hải Vân ghi chép trong cuốn sách “Nam Ô và những chuyện kể” (NXB Đà Nẵng, năm 2022). Theo ông Dùng, Xuân Sơn chính là núi Xuân Dương ngày nay, còn Lỗ Hạc là tên khác của mỏm núi Gành Nam Ô nhô ra biển. Dù hình hài đã nhiều đổi thay theo thời gian, hai ngọn núi bây giờ vẫn đứng nhìn ra vịnh Nam Ô - nơi cửa sông Cu Đê đổ ra biển, cũng là hạ lưu của một dòng sông chở đầy những chuyện xưa tích cũ.
Theo Lịch sử Đảng bộ quận Liên Chiểu, cửa sông Cu Đê có một giai đoạn “trên bến dưới thuyền”, là điểm kết nối hai miền núi - biển của vùng Tây Bắc huyện Hòa Vang để hình thành nên thị tứ Nam Ô vang bóng một thời. Quanh thị tứ là những địa danh từ quá khứ: cồn Đình, cồn Dâu, đá Bà, núi Cấm, cầu Thủy Tú, tháp Chăm Xuân Dương… và Cụm di tích lịch sử Nam Ô (Đình Nam Ô, Lăng Ông, Dinh Âm linh, Nghĩa trủng Nam Ô, Miếu bà Liễu Hạnh, Miếu bà Bô Bô, Giếng Lăng).
Từ hạ lưu, du khách có thể phóng tầm mắt nhìn về mỏm núi phủ đầy mây mờ phía tây bắc thành phố. Nơi đó là Trường Sơn hùng vĩ với hoành sơn là dãy Bạch Mã - thượng nguồn nhánh Bắc của dòng Cu Đê. Còn nhánh Nam xuất phát từ vùng rừng Đông Giang của tỉnh Quảng Nam. Hai nhánh hợp dòng tại khu vực cầu Sập ở suối Vũng Bọt qua địa bàn hai thôn Tà Lang - Giàn Bí của xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) rồi đổ về nơi thị tứ cách chân đèo Hải Vân chừng 5 cây số.
Chính tại dấu tích cầu Sập này, chúng tôi đã từng theo chân Bùi Hoài Vũ - người con Cơ tu của núi rừng Hòa Bắc lội bì bõm qua suối Vũng Bọt và suối Khe Đương, rồi ghé thăm già làng Bùi Văn Siêng thôn Giàn Bí. Trong câu chuyện của anh Vũ và già Siêng hôm đó, có những trăn trở về bảo tồn đàn cá niên đặc sản từ thượng nguồn Cu Đê và chuyện giữ gìn dòng nước sạch. Từ ưu đãi của thiên nhiên, con nước Cu Đê ngàn xưa cho người Cơ tu và cộng đồng dân cư dọc sông những thức quà của trời: cá niên, ốc đá, bún sông, tôm sông…
Sông tưới cho đất nảy mầm những cây trái, nuôi lớn con gà, con heo. Chị Đỗ Thị Huyền Trâm, Giám đốc HTX Nông nghiệp sinh thái và Du lịch cộng đồng Hòa Bắc nhấn mạnh câu chuyện “sống dựa vào rừng” trên mảnh đất Hòa Bắc quê nhà. Chị nói, khi những con nước Cu Đê chảy về từ rừng tự nhiên là nguồn nước tưới, nước uống và sinh kế, thì cộng đồng càng nên trân trọng thiên nhiên, trong đó có dòng sông này.
Dòng sông chuyển mình
“Đồi giữ nước” là mô hình được HTX Nông nghiệp sinh thái và Du lịch cộng đồng Hòa Bắc triển khai nhằm giữ gìn con nước Cu Đê cân bằng trước những tác động của con người. Bên cạnh đó, người Hòa Bắc nỗ lực phối hợp Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa tham gia giữ rừng, đồng thời thực hiện chủ trương khuyến khích trồng cây gỗ lớn, phủ xanh rừng theo Nghị quyết số 254/2019/NQ-HĐND của HĐND thành phố.
Nhắc chuyện dòng sông chuyển mình nhờ du lịch, anh Đinh Văn Hin, Trưởng thôn Tà Lang kể, khi đường ĐT601 chạy ven sông Cu Đê được thành hình khang trang, ngày càng nhiều những đoàn du khách từ trung tâm thành phố về xã. Có những du khách trẻ dậy sớm từ 4 giờ sáng chỉ để kịp săn những vệt mây mơ màng từ phía hầm Mũi Trâu; nhiều du khách lại thích thú trải nghiệm nét văn hóa Cơ tu bên dòng Cu Đê với vũ điệu Dâng trời (tung tung da dá), xem trình diễn cồng chiêng, thưởng thức giọt rượu tà vạt ngọt thơm bên những món ăn của núi rừng… hay check-in, cắm trại giữa không gian nên thơ.
Khi hạ tầng giao thông nối thượng nguồn với hạ lưu và trung tâm thành phố được hoàn thiện, dòng sông đã khoác áo mới. Trong đó, bức tranh du lịch nơi thượng nguồn Cu Đê với sự hài hòa giữa cảnh quan tự nhiên và những giá trị văn hóa đã được lãnh đạo huyện Hòa Vang định hình trong chiến lược phát triển du lịch sinh thái cộng đồng.
Tại hạ lưu sông, chúng tôi nghe cán bộ Phòng Văn hóa - Thể thao quận Liên Chiểu chia sẻ về những kết quả tích cực khi Cụm di tích Nam Ô hoàn thành việc trùng tu với kinh phí hơn 25 tỷ đồng. Qua đó góp phần vào hoạt động du lịch và quảng bá văn hóa tại địa phương. Đồng thời, UBND quận Liên Chiểu đã triển khai các nhiệm vụ để hình thành các gói sản phẩm du lịch theo Đề án phát triển du lịch cộng đồng Nam Ô với nhiều sản phẩm mới. Địa phương phối hợp Sở Du lịch tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá, giới thiệu các khu, điểm di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có làng nghề nước mắm Nam Ô; kết nối các doanh nghiệp xây dựng và khai thác các sản phẩm du lịch…
Dòng sông tương lai
Theo thông tin từ Sở Du lịch, sông Cu Đê có trong đề án phát triển du lịch nội địa thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong hình hài tương lai, tuyến sông Cu Đê - Trường Định được định hướng phát triển thuộc không gian du lịch sinh thái phía tây của thành phố với khu vực Làng Vân, khu vực Khe Răm và khu vực hồ chứa nước kết hợp dịch vụ du lịch (khu vực Nam sông Bắc), kết nối theo sông Cu Đê và các điểm du lịch dọc sông và hòn Sơn Trà Con (hòn Chảo). Với chủ trương đó, dọc tuyến được quy hoạch 5 vị trí bến thủy nội địa; đồng thời hình thành tuyến du lịch sông Cu Đê đi vịnh Đà Nẵng - hòn Chảo - khu vực Bán đảo Sơn Trà và khai thác tuyến du lịch đường thủy trên sông Cu Đê kết nối huyện Hòa Vang, gắn với điểm đến sinh thái, nông nghiệp, nông thôn.
Đó là tiềm năng, còn khó khăn vẫn có, việc đầu tư để hình thành các tuyến du lịch đường thủy nội địa còn hạn chế và chưa đồng bộ. Đơn cử, thiếu phương tiện tàu thuyền và cơ sở hạ tầng bến bãi, thiếu các dịch vụ kết nối dọc tuyến sông... Trước mắt, thành phố tập trung thu hút đầu tư, đẩy mạnh hoạt động du lịch, cụ thể triển khai Kế hoạch khai thác du lịch đường thủy nội địa giai đoạn 2024-2025.
Giai đoạn tiếp theo, UBND thành phố tiếp tục rà soát, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để sớm đưa các tuyến du lịch đường thủy nội địa của địa phương vào khai thác, phục vụ du khách, trở thành sản phẩm du lịch mới...
XUÂN SƠN