DÒNG SÔNG GỌI NẮNG

Mải miết một dòng trôi

.

Cuối năm 1835, vua Minh Mạng cho đúc cửu đỉnh đặt trước sân Thế Miếu như biểu tượng cho vương quyền triều Nguyễn. Trên Dụ đỉnh có hình con sông đào Vĩnh Điện. Người đưa ra quyết định này đã mãi mãi đi xa, nhưng dòng sông có tuổi đời hơn 200 năm vẫn mải miết chảy như một chứng nhân lịch sử, ghi dấu bao thăng trầm và biến chuyển ở vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng.

Sông Vĩnh Điện bao năm qua như sợi chỉ đỏ gắn kết lịch sử, văn hóa và đời sống của người dân vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng. Ảnh: T.Y
Sông Vĩnh Điện bao năm qua như sợi chỉ đỏ gắn kết lịch sử, văn hóa và đời sống của người dân vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng. Ảnh: T.Y

Chuyện xưa lưu dấu

Sông Vĩnh Điện bao năm qua như sợi chỉ đỏ gắn kết lịch sử, văn hóa và đời sống của người dân vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng. Những dòng châu bản, sử sách viết về con sông, về những quyết sách dưới thời Nguyễn trong quá trình cải tạo khúc sông cạn hẹp thành một dòng chảy hiền hòa, kết nối các vùng đất trù phú như Hội An, Điện Bàn, Đà Nẵng và trở thành tuyến “vận tải đường sông phía Nam kinh kỳ”.

Người xưa gọi sông Vĩnh Điện là “mạch máu giữa đồng bằng”. Sông dài khoảng 30km, trong đó có 10km chảy qua địa phận thành phố Đà Nẵng, từ những địa danh Quá Giáng, Mân Quang rồi nhập vào sông Cẩm Lệ, sông Hàn trước khi chảy ra biển. Khi ấy, việc đào sông không chỉ là cải tạo dòng chảy tự nhiên mà còn là cách thức “quy hoạch” đầu tiên, tạo dựng nền tảng kinh tế lâu dài cho cả vùng đất. Từ đó, đều đặn những chuyến hàng mang theo trầm hương, quế, vải vóc, đường mía, tơ lụa… ở các huyện miền núi Quảng Nam, các làng nghề ven sông Thu Bồn, Vu Gia xuôi theo dòng Vĩnh Điện ra Đà Nẵng.

Nhìn dòng Vĩnh Điện hôm nay, thật khó hình dung đây là con sông đào được vua, quân thời Nguyễn đồng tâm khơi dòng vào thế kỷ XIX. Sách Đại Nam nhất thống chí của triều Nguyễn viết “sông Vĩnh Điện ở phía bắc huyện, thượng lưu tiếp hai nguồn Ô Da và Thu Bồn, chảy về phía bắc đến xã Hòa Khuê Đông, hợp với sông Cẩm Lệ chảy ra cửa biển Đà Nẵng. Xét sông này nguyên trước là đường thủy đạo, khuất khúc quanh quẹo lâu năm bồi lấp, năm Minh Mạng thứ 3 (1822), vua sai Cai bộ Lê Đại Cương nhân theo đường cũ đào vét từ xã Câu Nhí đến xã Cẩm Sa dài hơn 850 trượng làm sông Vĩnh Điện, thế sông cạn hẹp chỉ đi lọt chiếc thuyền mà thôi.

Qua năm thứ 7 (1826), vua lại sai khiến Thống chế Trương Văn Minh sửa sang đường sông, dời xuống hơn 40 trượng, mở rộng miệng sông để đón nước trên sông lớn, lấy dây dăng thẳng đem dân đào lại vài tháng mới xong. Năm thứ 17 (1836) đúc cửu  đỉnh, có chạm hình sông vào Dụ đỉnh cùng với các sông Vĩnh Tế ở Nam Bộ, Cửu An ở Hưng Yên”.

Những chi tiết này cũng được nhắc đến khá kỹ trong sách Đại Nam thực lục. Theo đó, vua Minh Mạng lệnh cho quân, dân đào sông dài 1.647 trượng 7 thước 5 tấc, hạn chiều rộng 5 trượng, chiều sâu 8 thước, sai Cai bạ Lê Đại Cương cùng 3.000 dân trong hạt để đào, người làm việc được cấp hậu tiền gạo, mỗi người mỗi tháng cấp tiền 3 quan gạo 1 phương. Đào hơn hai tháng thì xong. Sau đó, vua đặt tên là sông Vĩnh Điện và cho “đắp đường chạy dọc theo sông từ Dinh thành đến cửa biển Đại Chiêm dài hơn 2.380 trượng. Con đường này được gia cố vào mùa hạ năm Tự Đức thứ 11 (1858) với sự tham gia của 600 người dân trong tỉnh, mỗi người một ngày được cấp tiền 20 đồng, gạo 1 bát.

Khi quân Pháp tấn công Đà Nẵng, tháng 11-1858, vua Tự Đức cho lấp sông Vĩnh Điện để thế nước dồn về Cửa Đại, khiến mực nước sông hạ thấp, tàu Pháp không thể tiến vào đánh chiếm thành La Qua. Nhà vua cũng cho thiết lập một trận địa pháo dọc theo sông, mà ngày nay dấu tích còn ở các làng Tứ Câu (Điện Ngọc) và Quá Giáng (Hòa Phước).

Năm 1886, khi chọn căn cứ Trung Lộc (Nông Sơn) làm Tân tỉnh, Nguyễn Duy Hiệu cũng nhắm đến sông Vĩnh Điện trong thế tiến, thủ. Tại Phường Rạnh, Nguyễn Duy Hiệu xây dựng một điểm phòng thủ kiên cố nhằm ngăn chặn quân Pháp và Nguyễn Thân có thể từ Đà Nẵng tấn công lên. Ngược lại, nghĩa quân cũng có thể từ Trung Lộc theo sông Vĩnh Điện mà tấn công chiếm Đà Nẵng và vùng phụ cận.

Nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng khẳng định những tài liệu lịch sử cũng như sự có mặt của dòng sông Vĩnh Điện trên cửu đỉnh thời Nguyễn cho thấy tầm quan trọng của con sông này trong hoạt động quân sự, giao thương, nuôi trồng ở vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng thế kỷ XIX. Từ ngày con sông được khơi thông, đất đai đôi bờ cũng trở nên trù phú, kéo người dân đến khai ấp, lập làng. 

Xuôi dòng về Đà Nẵng

Hơn 200 năm kể từ ngày khởi dòng, sông Vĩnh Điện vẫn mải miết trôi, như nhắc nhớ người đời về bài học của kỷ cương phép nước, của sự gắn kết giữa con người với thiên nhiên, giữa quá khứ với hiện tại. Ngày nay, ngoài cung cấp phù sa màu mỡ, hệ thống dòng chảy sông Vĩnh Điện hỗ trợ thoát nước cho các vùng trũng thấp ở Điện Bàn, Duy Xuyên và một phần phía nam Đà Nẵng.

Cách đây không lâu, để bảo vệ dòng chảy quan trọng này, Đà Nẵng quyết định đầu tư xây dựng kè chống sạt lở khẩn cấp dài gần 13km tại vị trí xung yếu các sông Yên, sông Túy Loan và sông Vĩnh Điện. Trong đó, đoạn kè sông Vĩnh Điện qua thôn Quá Giáng (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang) có chiều dài gần 1,5km và qua khu vực Thị An (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) có chiều dài 397m là một phần trong chiến lược bảo vệ khu vực trước nguy cơ sạt lở và biến đổi khí hậu.

Ông Trần Bùi Quốc Bình, Chủ tịch UBND xã Hòa Phước cho biết, hệ thống kè sông giúp bảo đảm an toàn cho người dân vùng ven sông, đồng thời bảo vệ đất đai canh tác, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Trong tương lai, việc cải tạo dòng chảy giúp địa phương phát triển tuyến du lịch sinh thái, gắn kết cộng đồng và giữ gìn bản sắc văn hóa vùng sông nước.

Không dừng lại ở việc xây dựng kè chống sạt lở, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã đặt mục tiêu phát triển bền vững dòng sông này. Các chương trình bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan, trồng cây xanh ven sông và kiểm soát xả thải đang được thực hiện song hành. Đặc biệt, sau thời gian bàn bạc để đi đến thống nhất giữa hai địa phương, một đập ngăn mặn thời vụ được tỉnh Quảng Nam dựng lên trên sông Vĩnh Điện đoạn qua phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng, công trình đập thời vụ trên sông Vĩnh Điện giúp bảo đảm nguồn nước tưới cho diện tích đất nông nghiệp thuộc xã Hòa Phước và các phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn), Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ). Ngoài việc duy trì sản xuất nông nghiệp ổn định, đập ngăn mặn giúp kiểm soát tình trạng xâm nhập mặn từ cửa biển lên các con sông, bảo vệ nguồn nước sinh hoạt cho hàng nghìn hộ dân. Công trình tạm này là minh chứng rõ ràng cho sự hợp tác hiệu quả giữa hai địa phương trong việc ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời bảo vệ nguồn tài nguyên nước quý giá của vùng.

Qua những thăng trầm thời cuộc, sông Vĩnh Điện giờ đây không chỉ là chứng nhân lịch sử mà còn mang trong mình sứ mệnh của sự phát triển. PGS.TS Trần Tân Văn, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, trước thực tế tích tụ phù sa, bồi lấp lòng sông, cản trở dòng chảy các sông Vu Gia, Vĩnh Điện thì đập ngăn mặn thời vụ chỉ là phương pháp tạm thời. Về lâu dài, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam cần ngồi lại, bàn bạc việc khơi thông lòng sông Vĩnh Điện để chia sẻ nguồn nước từ sông Thu Bồn cho vùng hạ lưu Đà Nẵng theo hướng bền vững. Từ đó, có thể hình dung ra một tuyến du lịch sông nước, đưa du khách từ Đà Nẵng lên Thánh địa Mỹ Sơn và lắng nghe câu chuyện dòng sông.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.