Gói cả đất trời và vị Tết trong tay

.

Ba nói Tết sẽ chẳng trọn vẹn khi mà không gói bánh chưng, khi mà mỗi thành viên trong nhà chẳng còn ai biết gói bánh chưng nữa.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tôi đã qua rồi cái tuổi mong Tết đến nhanh để được mặc áo mới mẹ mua vào một dịp đặc biệt, được đi chợ Tết mà lòng không buồn không lo. Lòng tôi nôn nao mong ngóng đến lúc mẹ xé tờ lịch cuối cùng của năm cũ để bắt đầu trang lịch đầu tiên của năm mới, để tôi có thể được mẹ phát lì xì với nhiều niềm vui, nhận được thật nhiều lời chúc tốt lành. Để ba mở lá chiếc bánh chưng đầu tiên của năm mới, chiếc bánh mà ba luôn tâm niệm rằng nó gói được cả đất trời và cả vị Tết trong tay.

Bánh của ba được gói trong lá chuối mộc, là lá chuối tươi được chần qua với nước thật sôi cho mềm hoặc lá chuối được hái xuống trước hai hoặc ba ngày, hong trong gió nhẹ để lá heo héo cho dễ gói bánh. Rồi lá được rọc ra, có những miếng nguyên lớn được để riêng làm vỏ ngoài cùng, những miếng nguyên nhỏ hơn làm lớp lót ở trong.

Ba con chúng tôi người lau lá, người gói bánh vừa cười vui vẻ và kể những câu chuyện thú vị. Ba nói ba gói bánh chẳng đẹp, chẳng thể vuông vức như người ta gói khuôn, nhưng bánh gói khuôn thì lúc mở ra ăn chẳng ngon bằng bánh gói bằng tay. Tôi cười, bánh chưng Lang Liêu sao có thể không vuông được, không vuông sao được gọi là bánh chưng Lang Liêu nữa. Cả nhà lại cười xòa.

Bao nhiêu năm ăn Tết ở nhà, trong tiết trời se lạnh phảng phất mưa bay của một tỉnh miền Trung, chúng tôi nôn nao chuẩn bị cho một “đại tiệc” gói bánh chưng như thế. Chẳng ai rủ ai nhưng từ hôm trước nhà nhà đã đua nhau đi chợ Tết, mua nếp, đậu xanh, thịt heo, lá chuối, lá dong, một vài chùm củ lẫn cây nén, mua thêm vài bó dây lạt giang hay vài ống tre vừa độ để về nhà tự chẻ lạt gói bánh.

Tôi thích được nhìn mẹ đong rồi ngâm nếp qua đêm, rồi xóc sạch nếp, rồi trộn ướp nếp với một ít muối trắng trước khi cho tất cả chúng vào thau lớn để ba gói. Tôi thích được cùng mẹ và anh trai ngâm đậu, đãi hết vỏ đậu, luộc đậu, cắt rửa cây nén, giã tiêu và củ nén để ướp chung với thịt heo, rửa và lau sạch lá chuối, xé lá chuối cho vừa tầm để gói bánh chưng.

Đêm 29, cả nhà túm tụm lại bên bếp lửa, bắc lên nồi nấu bánh chưng, nghe tiếng nước sôi lên ùng ục, mùi bánh tỏa ra thơm phức rồi thức đêm đợi bánh chín. Ba vớt bánh ra chiếc nong lớn, lấy ra đôi thớt gỗ nén bánh xuống cho ráo nước để bánh mềm dẻo lại để được lâu hơn, bánh cũng vuông vức hơn. Ba cột lại bánh bằng dây lạt mới rồi trang trọng đặt lên ban thờ tổ tiên.

Lúc cả nhà quây quần trên chiếc chiếu cói Nga Sơn để gói bánh, năm nào ba cũng kể chuyện về sự tích bánh chưng. Rằng thần báo mộng cho Lang Liêu, giữa trời đất này không có gì quý bằng hạt gạo, nên phải lấy gạo nếp làm bánh hình tròn, hình vuông để thay cho biểu tượng của Trời và Đất. Lấy lá xanh bọc ở ngoài, đặt nhân trong ruột bánh là tượng hình cho cha mẹ sinh thành. Và rằng lúc tỉnh dậy, ông đã mừng rỡ chọn những hạt gạo nếp tròn mẩy làm bánh vuông, bỏ vào chõ chưng chín rồi gọi nó là bánh chưng, là cái tên truyền ngàn đời cho đến nay vẫn dùng. Còn lá xanh bọc ở ngoài và nhân ở trong ruột bánh là tượng hình cha mẹ yêu thương đùm bọc con cái. Chỉ một câu chuyện này mà năm nào chúng tôi cũng được nghe nhưng chưa bao giờ là chán. Và rằng, được nghe ba kể tôi như bị cuốn hút, lại tự nhiên cảm thấy mỗi chiếc bánh chưng gói đầy những huyền thoại và linh khí của đất trời.

Năm nào anh em tôi cũng mong ngóng bánh chín, đợi ba sắp bánh lên bàn thờ rồi cắt mở chiếc bánh đầu tiên. Ba mở ra lớp lá chuối dày bọc bánh, màu bánh xanh thơm mùi lá chuối, mùi nếp thơm và nhân bánh hòa quyện. Ba cắt đều bánh bằng chính dây lạt gói, chia ra cho mỗi đứa một miếng, chúng tôi vừa ăn vừa gật gù khen bánh ngon. Bánh luộc chín, nếp thơm dẻo, nhân thịt và đậu xanh mềm, cùng với hương củ nén và lá chuối quyện hòa, bánh vào miệng, vị ngon dần tan ra, dường như đánh thức tất cả các giác quan của tôi đang say ngủ.

Những năm ăn Tết ở nhà, dù có được ăn miếng bánh đầu tiên hay không tôi cũng đều cảm thấy dù nhà không gói bánh chưng thì vẫn có Tết và Tết vẫn vui, cho đến lúc em tôi đi du học. Năm đầu tiên ăn Tết xa nhà, nó gọi điện về cho tôi, nói với tôi rằng Tết ở đây chẳng vui, dẫu mùng Một Tết ta nó vẫn được nghỉ, vẫn mua bánh chưng bán nhiều ở siêu thị Việt mà lúc mở ra ăn chẳng thấy được ngon như ở nhà. Không có hương vị Tết quê, không có hồn thiêng đất trời trong những chiếc bánh ấy. Chúng tôi đều cười nhưng nước mắt lại chảy dài.

Những hạt mưa xuân nhẹ lướt qua vạn vật, dậy nên muôn vàn sức sống, gió mang theo khói hương trầm nhẹ thoảng trong không gian. Ba lại vui cười mở ra chiếc bánh chưng, chia đều cho mỗi người, cùng nhau cầu mong năm mới gia đình ấm no, hạnh phúc, mọi người bình an.

TRANG LÊ

;
;
.
.
.
.
.