Không chỉ là một dịch giả với tác phẩm nổi tiếng Harry Potter, Lý Lan còn là một nhà văn với những tác phẩm sâu lắng và giàu cảm xúc. Khi viết cho thiếu nhi, những tác phẩm của bà vẫn giữ được ngôn ngữ hồn nhiên, giọng văn nghịch ngợm “rất Lý Lan”. Đó là “Ngôi nhà trong cỏ”, “Bí mật giữa tôi và thằn lằn đen”... lan tỏa và gặt hái được những thành công. Gần đây nhất, nhà văn Lý Lan cho ra mắt truyện dài mang tên “Tự truyện một con heo” (NXB Trẻ, 2023), thêm một món quà bà gửi đến độc giả thay vì quyết định gác bút.
Với giọng điệu nghịch ngợm, “Tự truyện một con heo” nhanh chóng thu hút độc giả từ những dòng đầu tiên. Chú heo hồn hậu, ngây ngô, thẳng thắn đột ngột nhảy ra và chiếm lấy thiện cảm. Bằng ngôi kể thứ nhất, nhà văn Lý Lan tài tình hóa thân thành chú heo con bỡ ngỡ đi lạc đến vùng đất lạ. Tại đó chú gặp những bạn bè mới, những con người thân thiện, dành cho chú nhiều yêu thương. Đó là Nô Nô, chú chó dũng cảm trung thành, ông bà "trời đất ơi” tốt bụng, chị em Thúy và Thanh, ông dê già ở bãi cỏ hoang… tất cả làm nên hành trình khám phá bản thân của chú heo con, chú lớn hơn cùng với những bài học, những câu hỏi về tương lai mình.
Nhà văn Lý Lan chia sẻ: "Viết sao cho người đọc trưởng thành hơn khi đọc hết quyển sách". Điều này được thể hiện rõ qua “Tự truyện một con heo”, khi đồng hành quá trình phát triển của chú heo con cũng là hành trình để độc giả rút ra những bài học cho mình. 216 trang sách có lúc thủ thỉ, có khi cười đùa, có khi như dặn dò… vừa lôi cuốn lại vừa cảm động.
Nổi bật nhất trong tác phẩm có lẽ là thông điệp về tình yêu thương của những nhân vật dành cho nhau. Sự chăm sóc, đỡ đần lẫn nhau khi về già của đôi vợ chồng “trời đất ơi” khiến ta ngưỡng mộ, tình chị em của Thanh và Thúy khiến ta gật gù, tình bạn của Thanh và Phương khiến ta cảm phục… những cảm xúc ấy không khỏi khiến người đọc mỉm cười, như chia sẻ sự ấm áp lan tỏa. Không những vậy, tác phẩm còn thể hiện tình cảm của động vật và con người. Nô Nô, chú chó tinh khôn là chỗ dựa cho ông chủ, một người bạn không thể thiếu. Hay chú heo nhân vật chính, gan dạ lao đến cứu lấy cô bé đã cho mình ăn bánh khỏi nhóm người bắt nạt. Những tình cảm đan xen như cơn mưa mát lành tắm tưới buổi trưa hè oi bức, khiến ta thấy cuộc sống trở nên dịu dàng và thân thương quá đỗi.
Bên cạnh đó, “Tự truyện một con heo” còn là thông điệp về môi trường tự nhiên đang ngày một bị thu hẹp. Thông qua lời kể của ông dê già, chúng ta nhận ra đô thị đang phát triển chóng mặt, đi cùng với đó là môi trường sống của các loài động vật không còn nữa. Chú heo con vốn là heo rừng có khao khát muốn trở về với thiên nhiên. Chú phân vân giữa lựa chọn ở lại thành phố, nơi cái vườn nhỏ của ông bà “trời đất ơi” (khoảng xanh hiếm hoi còn lại) hay theo tiếng gọi quê hương tìm về gốc gác mình.
Với thủ pháp nhân hóa, nhà văn Lý Lan xây dựng nên một nhân vật cá tính và độc đáo. Chú heo con dù chưa có tên, được gọi bằng “con heo này”, “heo ơi” hay thân thương như “heo của em”, sự xuất hiện của chú để lại dấu ấn đậm nét. Chú heo "không chỉ ăn rồi ngủ", chú là một nhân vật sinh động đầy nghĩ suy và trăn trở. Thông qua nhân vật chính, độc giả nhận được thông điệp về lòng can đảm: can đảm khám phá, can đảm giúp đỡ người mình yêu thương, can đảm đi theo những cảm xúc của mình…
Không chỉ là một tác phẩm dành cho thiếu nhi, “Tự truyện một con heo” dành cho mọi lứa tuổi. Nếu trẻ con thích thú với những loài vật được nhân hóa ngộ nghĩnh và học thêm những phương ngữ Nam Bộ mới lạ, thì người lớn có dịp suy ngẫm về nhiều điều khi đọc tác phẩm. Với giọng văn giễu nhại, không ít những mặt xấu của xã hội được tác giả đề cập đến một cách hài hước. Tiếng cười nhẹ nhàng mà ngấm lâu, để độc giả có dịp nhìn lại mình.
Ở nhiều chi tiết, tác giả lồng ghép những câu đùa rất duyên cùng với các triết lý sống, điều đó càng khiến tác phẩm xứng đáng được đọc lại nhiều lần. Với một đứa trẻ, đọc lần đầu là tự mình khám phá, đọc lần hai để nghe ba mẹ giải thích những ý ẩn dụ. Và sau này khi lớn lên, các em có thể đọc lại lần nữa, tìm thấy những điều thú vị của sự trưởng thành. Giống như hành trình của chú heo nhỏ, các bạn đọc nhỏ tuổi sẽ lớn thêm một chút khi khép trang sách cuối cùng.
Bằng thủ pháp nhân hóa và kể theo ngôi thứ nhất, tác phẩm cũng là một trải nghiệm mới cho các độc giả nhí. Ở vị trí của chú heo nhỏ, góc nhìn về con người đầy khác biệt. Mọi thứ đều to lớn, giọng nói vọng từ trên xuống, chú heo còn quá nhỏ để có thể phân biệt từng người và nhìn thấy những đường nét riêng biệt. Ngược lại, chú rất giỏi nhận ra những đặc điểm của chó Nô Nô, bầy chuột, ông dê và cây cỏ muôn nơi… Chính sự hóa thân này sẽ kích thích sự sáng tạo của trẻ, cho các em học được cách tưởng tượng và thay đổi vị trí kể cũng như biết thêm nhiều điều về thế giới loài vật.
Ở cuối truyện, chú heo có lựa chọn của riêng mình, cũng như mỗi độc giả sẽ có lựa chọn riêng trong cuộc sống. Đoán chắc rằng điều đọng lại trong lòng người đọc không chỉ là hành trình trưởng thành của nhân vật, mà còn là những câu hỏi cho bản thân. Điều gì khiến chú heo nhỏ bé sinh tồn nơi phố xá rộng lớn và đầy những hiểm nguy đối với chú?
Chính là tình thương, sự quan tâm giúp đỡ lẫn nhau. Không có sự hỗ trợ của chó Nô Nô, không có mái ấm của ông bà “trời đất ơi”, có lẽ số phận của chú heo nhỏ đã khác đi rất nhiều. Chú có thể bị bắt hoặc gặp nạn, trong chuyến phiêu lưu đầy rủi ro của mình. Cũng như nếu không có những lời khuyên, những lần giải vây từ ông dê già, nếu không có vòng tay trân trọng của cô bé Thúy, chú heo nhỏ đã chẳng thể trưởng thành.
Có lẽ đó là món quà nhà văn Lý Lan muốn gửi đến cho chúng ta, để mỗi người biết rằng cuộc sống sẽ đẹp đẽ biết bao nếu chúng ta yêu thương nhau, hỗ trợ nhau. Chúng ta có thể là chú heo nhỏ ngơ ngác khi bắt đầu, nhưng lòng tốt và sự nhân hậu của mọi người sẽ giúp chúng ta lớn lên.
PHÁT DƯƠNG