Mỗi sáng, trước 5 giờ, tôi thường đạp xe quanh phố. Nhìn phố phường vắng vẻ lúc mờ sương không chỉ giúp lòng mình nhẹ nhàng, mà còn nhớ lại nhiều chuyện vui buồn đã qua suốt 60 năm ròng làm cư dân ở thành phố này…
Một hôm đi ngang chợ Cây Me, bao nhiêu chuyện cũ lại trỗi dậy.
Nét chợ xưa tại Đà Nẵng. Ảnh: Tư liệu |
1. Hồi năm 1965, khi thi đậu vào đệ Thất Trường trung học Phan Châu Trinh, cha chở tôi đến quán chè ngã Năm, cho ăn một ly chè nổi tiếng nhất của thành phố. Ly chè đậu xanh đánh, thêm ít đá bào nhỏ, có nhỏ thêm mấy giọt tinh dầu thơm. Thơm phức. Tuổi mười ba của một đứa nhà quê, lần đầu được cha dắt đi “kéo ghế”, tôi thích thú vô cùng, ăn liền hai ly chè (loại ly trái khế). Giấc mơ thi đậu vào một trường công lập cũng ước chừng thơm tho ngang với ly chè ấy. Ngồi trên chiếc ghế cao, nhâm nhi hương vị món chè rồi ngó ra dòng xe cộ chạy ngang tụ điểm giao thông nhộn nhịp nhất Đà Nẵng lúc ấy, đứa trẻ nào mà không sung sướng…
Tôi lại càng sung sướng hơn khi có vài người bạn cùng mới thi đậu như tôi, được cha mẹ hay anh chị nào đó dẫn vào quán chiêu đãi. Chúng tôi chào hỏi nhau, rồi cùng khoe vị trí đậu vào trường và giới thiệu các phụ huynh của mình. Các bạn bè chúng tôi lúc đó mới biết nhau nhờ nhớ cùng đi thi và đặc biệt, đứa nào cũng chưng bộ quần áo mới, có may cái bảng tên trường, đã thêu cả tên mình (còn để trống lớp, vì chưa biết sẽ vào lớp Thất mấy). Nhưng chỉ cần có vậy thôi, cũng đã vui lắm rồi, bởi danh hiệu ngôi trường đã nói lên tất cả…
Ăn xong bữa chè ngã Năm, chào hỏi những bạn mới, với tôi hôm ấy như một buổi “chào sân” ở Đà Nằng. Vì thật ra, từ ngày tản cư khỏi một làng quê ở Điện Bàn, Đà Nẵng với tôi chỉ là căn nhà tranh tồi tàn ở kiệt 8 Hoàng Diệu và những buổi chiều-tối theo xe phở Thái Ngư ra ngã tư nhà sách Văn hóa trước chợ Cồn, phụ việc bưng chén bát cho người chú họ. Nào đã biết gì đến cái thành phố lớn nhất miền Trung này!
Những gì tôi mang theo lúc ấy chỉ là những kỷ niệm của làng quê đang ngập tràn bom đạn và những kỷ niệm với đám bạn ở trường tiểu học. Nhưng sâu đậm nhất vẫn là cảnh tang tóc của xóm làng sau trận bão lụt kinh hoàng cuối năm Giáp Thìn 1964.
Tôi cũng quên mất rằng trong lúc đang vui vẻ, hào hứng ở tiệm chè ngã Năm thì mẹ tôi đang ngồi ở ven lề đường trước chợ Cây Me kiếm bạc lẻ, bán từng cái trứng hột vịt lộn cho người đi đường để lo lắng cho đàn con. Ngôi chợ nhỏ ấy đã gắn liền với mẹ tôi nhiều năm sau này, khi tôi học gần hết bậc trung học…
2. Bây giờ chẳng còn ai nhớ đến chuyện vì sao cái chợ nhỏ ấy lại gọi là “chợ Cây Me?” nữa. Ông cụ đạp xích lô ở xóm tôi ngày xưa từng kể, phía đường Hoàng Diệu, trước cổng chợ đó có cây me lớn nên người dân quen gọi tên cây ra tên chợ. Nhưng chẳng ai biết vì sao cây không còn nữa và từ bao giờ.
Thời tôi đến Đà Nẵng, chợ chỉ là đoạn hẻm rộng độ 6m bề ngang và dài khoảng 100m chiều dài, nối từ đường Hoàng Diệu ở phía đông đến đường Trần Bình Trọng ở phía tây, gần khu mả Tây, nay là Trường THCS Trần Văn Ơn, phía tây chợ nối tới đường Nguyễn Trãi chẳng bao giờ thấy ánh điện, nên ban đêm bọn tôi chẳng dám lai vãng…
Cha tôi có một lò ấp trứng vịt nhỏ, bán con vịt giống cho người nuôi trong quê và vùng ngoại ô. Chu kỳ ấp trứng cho tới khi vịt nở con là 28-30 ngày. Đến khoảng 17 ngày, cha tôi lựa ra số trứng được tiên lượng sẽ nở con yếu để loại ra làm trứng lộn. Mẹ tôi luộc chín những trứng ấy, mang ra chợ bán lẻ, từ trưa đến tận đêm tối. Chúng tôi ăn học từ nguồn thu nhập tận dụng ấy trên đôi vai gầy của người mẹ tảo tần.
Cũng ở chợ Cây Me ấy có nhiều người hàng xóm của mẹ tôi. Một bà bán bánh bột lọc, bà bán bánh canh, chị bán xôi… Ba người chồng của họ là dân đạp xích lô, mỗi bữa chở vợ đến chợ thì đón khách buôn bán khác hoặc người đi chợ về.
Người buôn bán ở chợ Cây Me có thể chia làm hai, những người bán hàng rong thường ngồi bên ngoài, ai tới sớm hơn thì có chỗ tốt. Bên trong chợ thường là những mái hiên nhà cố định, do các chủ nhà định cư lâu năm mở ra hàng tạp hóa. Cũng có nhà chỉ mở ra cho thuê mặt bằng do chủ nhà làm nghề thủ công, thợ máy ở nơi khác. Phía ngoài đường Trần Bình Trọng có thêm một nhà có xe hơi chuyên chở học sinh đi học trường Tây, một nhà bán gạo và một nhà khác nấu cơm tháng cho thợ thuyền, nhân viên ở các cơ quan gần đó. Nhìn chung, chợ khô ráo vào mùa hè những khá ướt át trong những hôm mưa gió, người đi bộ thật khó khăn khi qua lại...
Nghe các anh lớn tuổi kể lại rằng chợ Cây Me cũng là tụ điểm của dân anh chị và các nàng buôn hương bán phấn vào những năm lính Mỹ, Đại Hàn đổ quân ở Đà Nẵng, nhiều nhà chứa và chơi số đề ở phía đường Hoàng Diệu hoạt động, đôi khi công khai và ồn ào, đã khiến cho lực lượng cảnh sát, Quân cảnh chế độ cũ khá vất vả.
Bọn học sinh chúng tôi do vậy, nếu không có việc gì phải đến chợ, thường tìm cách đi tránh trên các đường Triệu Nữ Vương, Tăng Bạt Hổ ở phía tây cho an toàn…
3. Sau này nhiều năm, lúc khu mã Tây bị giải tỏa để xây dựng Trường THCS Trần Văn Ơn, những ký ức về xóm chợ Cây Me với những tệ nạn và không khí u ám quanh đó đã phai nhạt dần. Cạnh khu trường học mới còn có các dãy chợ bán hàng phế liệu như chợ Nguyễn Trãi, Tăng Bạt Hổ luôn đông đúc người mua kẻ bán cũng khiến những dãy phố quanh đó vui tươi nhộn nhịp hơn. Đối với tôi, khu phố chợ Cây Me từ sau 1975 vẫn để lại nhiều ký ức vui.
Sau 1975, ông bạn nhà thơ quá cố Vũ Hữu Định và họa sĩ Đỗ Toàn thường đưa tôi đến những quán rượu không tên quanh chợ để ngồi lai rai suốt đêm, nói những chuyện văn chương cũ mới không dứt. Có hôm về trễ do núp mưa, Định đưa tôi về nhà đã bị mẹ tôi mắng: “Các anh đừng xử hư cho nó!”. Nói vậy nhưng bà vẫn đi tìm chiếc áo mưa cũ đưa cho Định đi về. Lại cũng trước chợ Cây Me cũng là nơi tụ tập của dân đá banh mà tôi quen biết và là chỗ ở của anh Nghĩa bánh bèo, một huấn luyện viên của đội Cảng Đà Nẵng. Do vậy, nơi đây có vài gia đình chuyên nhận giặt giũ áo quần thi đấu và nấu cơm cho các cầu thủ. Tôi theo nhiều anh lớn tụ tập quanh đây để hóng chuyện đá banh, không hề biết ở đó, nhiều thông tin cá độ được tung ra, vì từ đây đến chảo lửa Chi Lăng chỉ cách nhau vài trăm mét!
Không khí quanh chợ Cây Me sau 1975 tuy vậy đã quay lại cảnh yên bình. Tôi tham gia công tác thanh niên khu phố, tuy trong thời gian ngắn, nhờ vậy cũng rành rẽ nhiều gia đình và sinh hoạt ở đây. Các địa danh như Xóm Chuối, chợ Cây Me, Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Trãi đều thuộc phạm vi của khối phố Nam Vinh và phường Hải Châu 2 những năm sau 1975, đã mạnh lên nhờ phong trào văn nghệ và bóng đá, luôn giành được nhiều giải cao ở quận Hải Châu. Riêng bóng đá địa phương và Cảng Đà Nẵng, khu vực này nổi lên nhiều tên tuổi như Khôi, Phan Thanh Hùng, anh em nhà Hồ, Chấn, Hùng da beo... sau còn có Phan Trọng Quang về làm rể ở xóm Triệu Nữ Vương…
Năm 1976, tôi rời khối phố Nam Vinh và xa luôn cả những kỷ niệm của khu vực chợ Cây Me. Những các kỷ niệm một thời ở đây vẫn còn mãi cả một thời tuổi trẻ. Mỗi lần đi xe đạp thể dục về lại xóm ông cụ tôi, qua xóm chợ Cây Me, Nguyễn Trãi, những ký ức cũ cũng ùa về, thật sống động!
Chợ cũ, xóm cũ và bao nhiêu người cũ, cứ mãi còn đó, sống động với những hồi ức...
Đà Nẵng, cuối năm 2024
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG