Chữ thương được mọi người nhắc đi, nhắc lại suốt cuộc trò chuyện, ánh lên từ đôi mắt dịu dàng, ấm áp. Như thể, tất cả những việc họ làm, những điều họ nghĩ, đều đọng lại ở chữ “thương”…
Giữa bề bộn lo toan, tình thương vẫn âm thầm, lặng lẽ lớn dần lên dưới những mái nhà nạn nhân chất độc da cam. Ảnh: T.Y |
Lớp học không bàn, không bảng
Mỗi tối, sau giờ ăn, anh Đặng Tấn Ba, Chi hội phó Chi hội Người mù thuộc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng dò từng bước chân chậm rãi đến hội trường, theo sau là một số học sinh khiếm thị khu nội trú. Ở đó luôn treo sẵn cây đàn guitar, dụng cụ duy nhất để anh tiếp tục công việc trong ngày: dạy các em đàn, hát. Dưới ánh đèn vàng ấm, tiếng đàn của anh Ba vang lên nhẹ nhàng, chạm đến trái tim những học sinh mà ánh sáng đã lùi xa nhưng lại được soi sáng bởi tình thương và lòng kiên nhẫn của người thầy.
Nhìn bàn tay anh lướt trên phím đàn và nụ cười nhẹ như hơi thở, chúng tôi tự hỏi sức mạnh nào đang có bên trong người đàn ông cao gầy với đôi mắt khiếm thị ấy. Tất nhiên, không có câu trả lời nào khác cho thắc mắc này, ngoài chữ “thương”. Lớp học không bàn, không bảng đen phấn trắng, chỉ có hai cây đàn, vài chiếc ghế, đôi bàn tay vụng về cộng trái tim nhiệt huyết. Âm nhạc trở thành ánh sáng dẫn dắt các em đến gần hơn với niềm vui, với ước mơ giản dị về cuộc sống. “Không có ánh sáng trong đôi mắt, nhưng chúng ta có ánh sáng trong trái tim”, anh từng nói với học trò của mình như thế và muốn các em hiểu rằng, mọi người vẫn có thể “nhìn” bằng âm nhạc, cảm xúc và tình thương từ những người xung quanh.
Trong không gian nhỏ bé và tĩnh lặng, tiếng đàn vang lên như nhịp đập của những trái tim đồng cảm. Từng ngón tay vụng về lướt trên phím đàn. Có em vừa chạm tay vào bàn phím đã nhíu mày vì khó, nhưng vẫn kiên trì lặp đi lặp lại bởi anh Ba luôn đứng gần đó ân cần “không sao, cứ làm lại, rồi sẽ quen”. Cũng là người khiếm thị, anh hiểu rõ khó khăn khi các em phải học cách cảm nhận mọi thứ bằng đôi tai. “Cũng như tôi, các em không nhìn thấy để học đàn theo cách thông thường, mà phải cảm nhận bằng đôi tai và sự nhạy cảm của trái tim. Dù vậy, tôi vẫn cố gắng dạy các điệu valse, slow, tango… để học trò không chỉ chơi được mà có thể cảm nhận được sắc thái, nhịp điệu từng bài hát”, anh Ba chia sẻ.
Một ngày của anh Ba trôi qua tất bật bởi những vai trò khác nhau: người phục vụ, người thầy kiêm kỹ thuật viên hỗ trợ âm thanh, ánh sáng. Dường như không phút giây nào anh dừng tay mà luôn chăm chỉ trong phận sự của mình. Anh nhớ lại năm 1992 khi cùng 17 trẻ khiếm thị khác rời gia đình đến Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu học nội trú. Tại đây, cậu bé nghèo được thầy cô dạy chữ nổi cùng kỹ năng khác với ước mơ có thể hòa nhập cộng đồng.
Năm 2005, sau khi hoàn thành chương trình phổ thông, vì muốn trả nợ ân tình, anh xin ở lại trung tâm làm việc để có điều kiện giúp đỡ những em nhỏ có hoàn cảnh tương tự. Từ đó đến nay, ngoài công việc phục vụ, hỗ trợ âm thanh, anh dành thời gian dạy học sinh làm hương tăng thu nhập. Đôi khi, để khích lệ các em, anh mua thêm vài gói bim bim, vài ly trà sữa. Nhiều năm qua, tất cả thành viên ở trung tâm, dù là trẻ nhỏ, hay những người đã trưởng thành, đều dành cho anh tình cảm quý mến. “Tôi muốn các em thấy rằng mình có thể làm được mọi thứ nếu kiên nhẫn và quyết tâm. Cũng như, các em sẽ không đơn độc trong nỗ lực tái hòa nhập cộng đồng”, anh Ba chia sẻ.
Tình thương dưới mái nhà chung
Dưới ánh đèn vàng ấm, tiếng đàn của anh Đặng Tấn Ba vang lên nhẹ nhàng, chạm đến trái tim những học sinh mà ánh sáng đã lùi xa nhưng lại được soi sáng bởi tình thương và lòng kiên nhẫn của người thầy. |
Hơn 8 năm kể từ ngày khu nhà nội trú nằm trong khuôn viên Trung tâm Bảo trợ và chăm sóc trẻ em da cam Đà Nẵng cơ sở 3 (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) hoạt động, những người làm việc tại đây luôn xem câu nói của vị tỷ phú người Singapore “ngôi nhà này tôi dành cho trẻ em da cam, nhưng quan trọng hơn, tôi muốn dành cho các bà mẹ từng đi qua quá nhiều nhọc nhằn, giờ có thể được tựa lưng lấy sức” như lời dặn để mình cố gắng chăm chút công việc mỗi ngày.
Chị Nguyễn Thị Lan, nhân viên trung tâm nói rằng, một cái nắm tay, một động tác xoa đầu, một câu nói động viên, hay thậm chí chỉ là lặng im khi ngồi cạnh nhau cũng đủ truyền cho nhau hơi ấm tình người. Gần 10 năm công tác, chị hiểu đôi khi điều những người mẹ cần nhất không phải sự giúp đỡ vật chất, mà là cảm giác mình không đơn độc. Chính ngôi nhà này, với tấm lòng nhân ái, đã trở thành nơi các mẹ, các em tạm quên khó khăn cũng như được tiếp thêm nguồn năng lượng cho hành trình dài phía trước.
Nuôi dạy trẻ bình thường đã vất vả, nuôi dạy trẻ mang di chứng chất độc da cam càng khó trăm bề. Bởi mỗi em nhỏ ở đây là một thế giới riêng mà chỉ có tình thương và lòng kiên nhẫn mới có thể chạm đến. Có những em khóc cười không vì lý do nào, có em gặp khó khăn trong vận động, chậm chạp trong di chuyển. Có em không biết biểu lộ cảm xúc, chỉ ngồi im lặng hoặc nhìn mọi vật bằng ánh mắt vô hồn.
Như nhiều nhân viên khác, chị Lan dành phần lớn thời gian bên những đứa trẻ kém may mắn, khi lo cơm nước, khi vỗ về, xoa dịu cơn đau, khi hóa thân thành cô giáo dạy từ nét chữ, lời chào đến những câu nói cảm ơn. Những điều tưởng chừng đơn giản, nhưng làm được đều đặn là kỳ tích vì để ghi nhớ và lặp lại hành vi, có em phải mất hàng tháng, thậm chí nhiều năm.
Như cô bé Mai Thị Mỹ Thuận (14 tuổi), nạn nhân chất độc da cam với thân hình gầy gò, bước đi không vững. Ngày mới vào trung tâm, sức khỏe em khá yếu cộng giao tiếp kém, thường xuyên tách mình khỏi đám đông. Để xoa dịu nỗi sợ hãi trong Thuận, chị Lan dùng lời lẽ nhẹ nhàng và những cái ôm âu yếm để em cảm thấy an toàn hơn.
Chị Lan kể, mỗi sáng khi các bạn vui đùa quanh sân, Thuận thường ngồi lặng yên ở góc phòng. Nhận thấy điều đó, chị thường đến bên, nắm tay Thuận, từ từ giúp em cảm nhận không gian để kết nối xung quanh. Chị hướng dẫn Thuận tham gia các trò chơi đơn giản, khi xếp hình, khi tập tô màu. Những hoạt động ấy vừa giúp Thuận tập trung, vừa phát triển sự khéo léo của đôi tay.
Ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố Đà Nẵng cho biết, Trung tâm Bảo trợ và chăm sóc trẻ em da cam Đà Nẵng cơ sở 3 đang nuôi dưỡng hơn 40 trẻ là nạn nhân chất độc da cam, hầu hết mắc các chứng thiểu năng trí tuệ, down, tự kỷ, khuyết tật vận động, liệt chi dưới, co rút cơ… Những khó khăn này khiến công việc chăm sóc trẻ ở trung tâm đòi hỏi sự hy sinh và lòng kiên nhẫn của từng nhân viên. Chưa kể ở đó, tình thương và sự quan tâm trở thành động lực để mỗi nhân viên tiếp tục kiên trì, cố gắng.
“Chỉ cần thấy các em tiến bộ đôi chút thôi là trái tim chúng tôi như được sưởi ấm và hạnh phúc vô ngần”, ông An chia sẻ với nụ cười thật hiền, như thể giữa bề bộn lo toan, tình thương vẫn âm thầm, lặng lẽ lớn dần lên dưới những mái nhà chung và đơm bông, kết trái.
TIỂU YẾN