Một lần về quê

.

1. Ông Bốn mà cha anh hay gọi là cậu Bốn mỗi lần gặp, là anh nhà bác nhà chú với bà nội anh. Sau này nhiều năm sau chiến tranh, anh hay về La Thọ với cha mỗi lần giỗ bà nội hay cha mẹ của bà thì ông Bốn đã rời bỏ nghề đạp xích lô và về quê ở luôn, để coi ngó gian nhà thờ chi phái vừa sửa lại. Nhưng hễ có đám gì bên nhà bà nội thì ông có mặt rất sớm, chăm lo hương đèn, áo giấy và quét dọn bàn thờ rất kỹ lưỡng. Khi mọi thứ đã chuẩn bị xong từ phía nhà bếp, ông Bốn sắp đặt bông hoa, trái cây, đồ cúng thổ thần trên bàn cúng đất trước hiên nhà. Cũng không quên mua sẵn chai rượu trắng và vài cái bánh tráng nướng. Ông Bốn rất chỉn chu trong việc cúng quảy. Vừa sắp đặt mọi thứ lên bàn cúng, ông vừa giảng giải cho con cháu đứng cạnh với những câu đã thành quen thuộc: "Ông bà xưa đã dạy "Không lễ bất thành nghĩa"! Mấy con phải nhớ lấy. Lễ là trọng. Giờ ông đã lớn tuổi, tối nằm đã nghe thơm mùi đất rồi, các con nên ghi nhớ!”.

Minh họa: hOÀNG đặng
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Ông Bốn còn nhắc nhở: “Nam tả nữ hữu là sao? Phải tính từ phía thờ cúng ông bà mà tính ra. Nhìn từ bàn thờ ra, tả phải là tay trái. Từ đó mà tính ra chỗ để bình bông, chỗ đặt dĩa trái cây, đông bình tây quả, chớ không tùy tiện được! Cúng ông bà thì hướng nải chuối và cái đầu con gà về phía ông bà. Đó cũng là lễ…”. Nhìn vào mâm cúng đất, ông Bốn vừa đưa tay vào các vị trí trên bàn, vừa nói: “Cúng đất cũng là lễ trọng để báo cáo với thần hoàng bổn cảnh, các vị thần khai cơ khai canh đã tạo ra mảnh đất này. Cúng cả những oan hồn vì nghịch cảnh mà vong thân không nơi nương tựa trong quá khứ, những ai đã vì làn tên mũi đạn, vì thú dữ, thiên tai mà qua đời. Phải tưởng nhớ họ, đó cũng là cái lễ của người mình. Trên bàn cúng đất hướng ra đường là thượng đẳng thần phải có bông hoa, trái cây và ly nước trong dành cho các vị thần cao nhất. Thứ đến là trung đẳng thần, cúng các thức ăn mặn. Mình ăn gì thì cúng nấy. Mà phải nhớ nướng sẵn vài cái bánh tráng. Người miền Trung, cúng mà thiếu bánh tráng nướng cũng là thất lễ với tiền nhân. Trong cùng, hay cái bàn thấp nhất là cúng hạ đẳng thần, ta đặt gạo muối, cháo thánh, các loại rau củ quả ông bà mình từng ăn, con cua, dĩa rau luộc, sắn khoai và chén mắm cái… Sau cùng là trầu cau rượu, hương đèn. Người đứng cúng phải sạch sẽ, áo dài khăn đóng, đứng từ trong vái ra đường… Khi lạy, phải cầm nén hương đưa cao lên trán, khấn vái rồi bái lạy bốn lần, khác với lạy ông bà chỉ ba lần thôi. Lúc lạy phải quỳ chân trái xuống trước…”. Anh đứng gần ông Bốn mỗi lần như vậy nên thuộc lòng luôn.

Cả hàng chục bà con về dự đám giỗ bà nội anh, ai cũng kính trọng, nghe lời những dặn dò của ông Bốn.

Khi mọi việc cúng kiếng và đốt áo giấy cho thánh thần, ông bà đã xong, ông Bốn vái lạy theo nghi thức “bái tất” rồi mang các lễ vật ở bàn cúng hạ đẳng thần ra ngoài ngõ rải tứ phía, miệng ông lẩm bẩm “Xin mời các ngài Chăm Chợ Mọi Rợ, các vị cô hồn các đẳng, không nơi nương tựa về cùng hựu hưởng… Của ít lòng nhiều với tất cả thành tâm, xin kính mời…”. Lúc ấy bà con đã ngồi vào các bàn tròn bày sẵn các thức ăn và chỉ chờ ông Bốn vào khai tiệc. Cha anh dành chiếc ghế trống bên cạnh cho cậu Bốn. Lần nào cũng vậy, hai cậu cháu luôn ngồi bên cạnh với những câu chuyện không ngớt. Anh cũng thích thú vì nghe được những điều mới mẻ bên gia đình bà nội…

2. Ông Bốn năm ấy đã gần 90. Ăn uống đã khó khăn, nên chỗ của ông luôn là một bát súp nấu mềm, nhiều nước. Ông thỉnh thoảng bưng húp ít nước súp loãng ấy, rồi quay qua cha anh, bắt đầu câu chuyện.

“Con có biết mẹ con (tức bà nội anh) về làm vợ cha con thế nào không? Để cậu kể cho nghe…”.

“Cô em con nhà chú của cậu là một thiếu nữ giỏi giang và hiếu thảo. Là con gái đầu, lấy chống tận dưới Thanh Quýt, nhưng mỗi ngày đều nặng trĩu trên vai đôi gánh đến hai buổi chợ. Sáng đi chợ Vải Thanh Quýt, chiều lên chợ Đông Quan cách nhau 7-8 cây số. Khi về lúc đã nhá nhem tối, còn đi ngang nhà cha mẹ ruột gởi vài con cá, nắm rau cho cha mẹ và các em…".

“Mẹ con còn phải mua nhiều thứ khác cho bà con lối xóm gởi nhờ, vì họ bận việc cấy hái hoặc con nhỏ. Về đến nhà phải kêu họ đến nhận. Khi tắm rửa để cho con nhỏ bú thì trời đã khuya, có đứa đã bỏ đi ngủ. Năm tản cư lên tận Thăng Bình, Quế Sơn, mẹ con phải gánh hai đứa nhỏ nhất đi bộ. Bà ngoại con biết vậy, tuy là thương con, nhưng nhà lại đông con và nghèo, nên đành nuốt nước mắt vào lòng. Con gắn bó với gia đình này từ hồi còn nhỏ nên không biết có nhớ gì không… Hôm nay, giỗ bà ngoại con, cậu chỉ nhắc đến đó để tưởng nhớ…”

Cha anh mới nhớ lại và nói:

“Con nhớ hồi nhỏ vẫn theo bà ngoại ra cánh đồng Châu bên kia sông bắt cá, mò cua về nấu ăn. Bà hay giã cua trong cái cối đá, không biết giờ còn không cậu?”.

“À cháu nhắc cậu mới nhớ. Cậu nghe kể hồi ông vua Minh Mạng sai đào đoạn sông nối sông La Thọ mình với sông Thanh Quýt, thì cánh đồng Châu trước ngõ mình nối với đồng Thí Thân dưới kia mới tốt lên, lúa nhiều mà tôm cua cá không sao ăn hết. Ông cố tức cha bà ngoại con lặn lội ra tận Quán Khái, tức núi Non Nước bây giờ, mua được cái cối đá, nó nhỏ chỉ bằng cái nồi ba. Nhưng rất nặng. Cả xóm ni thay nhau mượn về giã cua đồng nấu canh, làm riêu, ăn giải nhiệt. Cậu nhớ cái cối còn in rõ dấu búa người ta đục chung quanh rất đẹp. Đến đời ông ngoại bà ngoại con vẫn còn dùng. Sau này, cậu đi tản cư ra Hàn thì không biết nó đi đâu, hay là đạn bom phá nát rồi? Mà cậu còn nhớ bà ngoại con có cách làm thịt cua đồng rất tài tình. Bà rửa sạch mấy nước rồi bỏ vô vài muỗng muối sống, thêm ly rượu cho cua say và nằm im để bà lột mai, lột bỏ phổi rồi đưa vô cối đá giã lấy nước. Nhiều người không biết, cứ bị cua cắn, la làng quá trời!".

“Nhưng cánh đồng Châu càng tốt thì các loại cua cá trên sông La Thọ càng nhiều. Ông Minh Mạng mở nhánh sông La Thọ để đưa nước xuống sông Vĩnh Điện chắc không tính được cái làng La Thọ ni cũng hưởng lợi hỉ? Mà cậu nghĩ, mấy cuộc chiến tranh thật ác hiểm. Ông bà ngoại con và bao nhiêu người dân La Thọ ni cũng chết. Đừng có chúng nó, từ Tây, Nhật rồi Mỹ nữa, dân mình mới ngóc đầu lên nổi…".
Nghe cậu Bốn bình phẩm, cha anh ngồi lim dim đôi mắt, như cố nhớ lại điều gì…

3. Năm ngoái, lúc ông Bốn đã qua đời và cha anh cũng già yếu, đi lại khó khăn, anh lại về La Thọ một mình nhân ngày giỗ bà cố anh.

Khu vườn rộng gần ba sào Trung Bộ không ai chăm nên cỏ lên dày. Cái giếng nước vẫn trong veo dưới gốc cây trứng gà và cái chuồng heo cũ. Trong lúc một người chú bên bà nội lo cúng đất (đúng kiểu ông Bốn từng dặn dò khi xưa) thì anh lội quanh vườn, lượm được hai cái lọ sành cũ mang ra giếng rửa sạch. Lúc đó, gần bờ rào lộ lên một miếng đá lấm bùn đất đã lâu. Anh lượm một thanh sắt cũ, cẩn thận cạy phiến đá khá nặng. Bất ngờ lộ ra, đó là cái cối đá to bằng khoảng cái nồi ba, đã sứt một bên tai, cạnh cái tai còn lại là dấu những viên đạn bắn còn rất rõ. Lại dùng nước và dao cạy cho hết lớp bùn đất bên trong. Cái cối dần hiện rõ, bên trong sâu hoắm xuống thành một lổ tròn, nhẵn nhụi. Chung quanh cái cối, ngoài chỗ tai bị bể và vài vết đạn cũ, còn có những dấu vết mài dao còn khá rõ.

Lúc anh đang lom khom rửa cái cối đá, ông chú bên bà nội vừa cúng xong ra đứng nhìn, chợt ông buông tiếng thở dài: “Cái cối cũ mà ông Bốn từng nói với cha cháu hồi xưa đây rồi!”. “Sao nó lại ở đây?”, anh hỏi vậy những đã dần hiểu ra ngọn nguồn sự việc. Anh gói cái cối vào bao nilon rồi khệ nệ mang vào nhà với ý định sẽ xin mang về sau đám giỗ. Lúc ngang qua nhà bếp, mấy người phụ nữ nhìn anh và nói: “Tưởng gì, té ra cái cối bể! Thôi lia trớt!”.

Anh không lia, không bỏ đi cái cối đó. Sao bao nhiêu lần về quê đám giỗ, có lẽ đây là một di vật mà anh quý nhất. Không chỉ là kỷ niệm của riêng anh, mà ẩn trong đó là thời gian, mồ hôi nước mắt và biết đâu có cả máu của bao đời, của bà con phía bà nội của anh!

Phía ngoài kia, anh nghe rõ tiếng róc rách của con sông đào La Thọ chảy qua đám thân tre ngã đổ sau trận lụt. Mùa này, không rõ ngoài cánh đồng Châu đã là mùa cua đồng chưa, nhưng cái tin nhắn của người chú họ gởi cho anh, nói về cánh đồng Thí Thân kề dưới đồng Châu lại hiện lên: “Tiếp dưới đồng Châu, vẫn bên con sông đào La Thọ là đồng Thí Thân. Tôi đã hỏi thêm những người già, Thí Thân là tên kể về một chuyện tranh chấp đất đai của nhiều tộc họ, gia đình trong vùng trước ngày vua Minh Mạng thời phong kiến đào sông. Họ đã giành nhau ruộng đất, dẫn đến chém giết, đem thân ra sống chết chỉ vì miếng ăn, nên dân gian đã gọi là Thí Thân từ đó đến giờ. Sau khi đào sông là quân cấp đất đai mới ổn định được dân tình…”.

Ôi, một vùng quê, một lịch sử mang cả niềm hân hoan và khổ đau đã qua. Mà nếu không về làng, làm sao anh hiểu được! Anh chợt nhớ đến chữ Lễ mà mỗi lần cúng bái, ông cậu Bốn thường nhắc cho lũ trẻ con cháu…

Mùa đông 2024
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

;
;
.
.
.
.
.