Một thời nhớ mãi

.

Những chi tiết sống động về hoạt động tình báo tại chiến trường Khu 5, từ cuối thập niên 60 đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vừa được tác giả Nguyễn Thị Thanh (SN 1950), thành viên đội Nữ điệp báo, thuộc Ban An ninh, Đặc khu Quảng Đà kể lại trong cuốn hồi ký “Một thời nhớ mãi” do NXB Hội Nhà văn phát hành tháng 9-2024.

Cuốn hồi ký gồm 5 chương, tái hiện khá đầy đủ, chi tiết hoạt động của mạng lưới tình báo Quảng Nam - Đà Nẵng trong bối cảnh chiến tranh đang diễn ra ác liệt ở chiến trường Khu 5. Là thành viên đội Nữ điệp báo, tác giả lần lượt kể lại những nhiệm vụ “bất khả thi” mà bà và đồng đội thực hiện giữa vòng vây kẻ thù cũng như sự kiểm soát gắt gao của bộ máy quân sự Mỹ - ngụy tại Đà Nẵng. Những câu chuyện xoay quanh nhiệm vụ vận chuyển tài liệu, bí mật cài cắm người vào sâu trong bộ máy quân sự địch, hay những trận đánh nhằm “thoát vòng vây” đều khiến người đọc không khỏi thán phục.

Một chi tiết khá nổi bật trong cuốn hồi ký là hoạt động xây dựng các cơ sở bí mật ngay tại trung tâm thành phố Đà Nẵng, nơi kẻ thù luôn cảnh giác cao độ. Bà Thanh kể lại, năm 1965, bà được đào tạo trở thành nữ tình báo, hoạt động tại địa bàn Đà Nẵng. Thời gian này, từ huyện Duy Xuyên, bà được chị Bốn Chung - một cơ sở của ta - dẫn ra Đà Nẵng học nghề uốn tóc tại đường Trưng Nữ Vương với nhiệm vụ tìm hiểu, xây dựng cơ sở theo dõi hoạt động vận chuyển vũ khí của Mỹ - ngụy. Thời gian sau, bà nhận lệnh về địa bàn quận Thanh Khê, xây dựng cơ sở cách mạng để mang tài liệu, súng đạn vào nội thành Đà Nẵng, phục vụ cuộc đấu tranh tại chỗ của quân và dân ta.

Bên cạnh đó, câu chuyện về lần đầu mang vũ khí, thực hiện nhiệm vụ ám sát tình báo viên của địch là một trong những nội dung gây ấn tượng mạnh với bạn đọc. Hình ảnh cô gái 15 tuổi nhỏ nhắn, giấu khẩu K54 dưới lớp áo rộng, bình thản ngồi trên chiếc xe Jeep của hai sĩ quan ngụy từ trạm kiểm soát Thanh Quýt ra Đà Nẵng khiến người đọc vừa thán phục, vừa xúc động. “Đó là lần đầu tôi mang vũ khí, mặc áo rộng che K54 vào người, từ trong quê Điện Thọ, đến Thanh Quýt. Khi ngang qua doanh trại của địch, tôi nhìn thấy một xe Jeep chuẩn bị nổ máy, nhận ra là xe của Trung úy Mai và Đại úy Ngữ, tôi nở nụ cười ngỏ lời nhờ họ chở ra Đà Nẵng luôn.

Trên đường đi, họ luôn chuyện trò, tán tỉnh vui vẻ. Tuy nhiên, tư thế tôi luôn sẵn sàng cảnh giác, nếu bị họ va chạm phát hiện vũ khí trong người, tôi sẽ sẵn sàng nhả đạn. Đến Đà Nẵng, họ hỏi chỗ ở của tôi, đòi vào thăm nhà, nên tôi viện mọi lý do tránh né. Theo đúng kế hoạch đã định, sau khi nắm rõ nơi ở và quy trình đi lại của gã tình báo, đúng 6 giờ chiều hôm ấy, gã đi làm về, khi vừa bước xuống xe, tôi đã ở đó chờ sẵn và rút súng bắn vào người gã hai phát. Bọn cảnh sát nghe tiếng nổ chạy đến. Tôi biết đã lộ, liền vẫy tay người cơ sở đang đợi mình chạy đi. Tôi lách vào ngã hẻm được một đoạn thì gặp một phụ nữ ngồi bên gánh bún.

Tôi ngồi vào ghế sát nồi bún, nói: “Bán cho tôi tô bún”, đồng thời bỏ cây súng vào nồi, nói nhỏ chị bán hàng: “Xin chị giữ bí mật, sau này cách mạng sẽ luôn ghi công, nhớ ơn chị”. Người bán bún sững sờ, im lặng trong giây lát, rồi lặng lẽ đậy vung nồi bún lại, gánh hàng đi khuất. Tôi yên lòng, lách người vào một hẻm nhỏ khác. Đi được một quãng dài, tôi nghe tiếng chân sầm sập của vài tên cảnh sát, quân cảnh chạy đến, chặn tôi lại, còng tay dẫn đi…”, bà Thanh viết.

Ngày bà Thanh bị tòa án đưa ra xét xử công khai, người dân Đà Nẵng kéo đến coi rất đông. Sau khi đưa ra những cáo buộc, tòa tuyên án bà 18 năm tù. Bà kể: “Lúc đó tôi nghĩ, mình 16 tuổi, ở tù xong về tôi chỉ 34 tuổi, nên không có gì phải lo sợ, vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng được. Nên tôi nói với họ, thôi chi bằng các ông cứ giam đủ tôi 20 năm đi, tôi không ân hận gì cả, nhưng chắc rằng tôi chỉ ở chừng vài năm, phần còn lại dành cho các ông ở”. Trước sự gan dạ của nữ tình báo trẻ tuổi, tòa quyết định tăng thời gian phạt tù lên 20 năm.

Ngoài nhiệm vụ tình báo, cuốn sách miêu tả khá chi tiết cuộc sống khắc nghiệt trong các nhà tù miền Nam. Nơi bà được tiếp thêm ngọn lửa yêu nước từ những đồng đội từng chiến đấu khắp chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng. Cuốn hồi ký cũng dành nhiều trang viết về Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân Ngô Thị Huệ - bông hồng thép của Ban An ninh, Đặc khu Quảng Đà trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước: “Mỗi khi bị địch bắt, dùng nhiều thủ đoạn dụ dỗ, tra tấn, tôi luôn nghĩ về chị Huệ như một biểu tượng đầy tôn kính và yêu quý. Đến mức địch hỏi tôi tên gì, tôi đã không ngần ngại khai là Nguyễn Thị Như Huệ, bởi mong muốn mình được trở thành một người phụ nữ kiên cường như chị Huệ”, bà Thanh viết trong cuốn hồi ký.

Sau ngày thống nhất đất nước, bà Thanh về lại Đà Nẵng, đảm nhận nhiều vị trí công tác khác nhau đến ngày về hưu. Qua những dòng viết chân thực, giàu cảm xúc của nguyên nữ tình báo Nguyễn Thị Thanh đã khắc họa phần nào cuộc đời, sự nghiệp của một thế hệ đã sống và chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc. Qua đó, cung cấp những tư liệu quý cũng như làm giàu thêm truyền thống yêu nước của người dân Quảng Nam, Đà Nẵng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tại chiến trường Khu 5.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.