MÙA THU NƯỚC NGA

"Đông Dương" của nhà thơ Nga Nikolai Gumilev

.

Đọc ba bài thơ viết về “Đông Dương” của Nikolai Gumilev (1886-1921) hơn một thế kỷ trước có thể nhận thấy đầu tiên là cái nhìn của một người châu Âu trước cảnh và người xứ lạ của hai đất nước vùng Đông Dương. Rồi sau đó ta bất giác như được trở lại một thời cuộc sống thanh bình hồn nhiên khi con người được sống hòa mình giữa thiên nhiên, vạn vật.

Nhà thơ Nikolai Gumilev là người có sự quan tâm sâu sắc đến Phương Đông, song sự thực ông chưa hề đặt chân đến Việt Nam! Ảnh: Tư liệu
Nhà thơ Nikolai Gumilev là người có sự quan tâm sâu sắc đến Phương Đông, song sự thực ông chưa hề đặt chân đến Việt Nam! Ảnh: Tư liệu

Năm 1918 một tạp chí thơ và phê bình ở thành phố Petrogad (Nga) đã xuất bản một tập thơ mang tên “Lầu sứ: Thơ Trung Hoa”. Đây là tập thơ thứ bảy của nhà thơ Nikolai Gumilev, nó được in sau khi ông từ nước ngoài trở về nước Nga. Ông là nhà thơ Nga Thế Kỷ Bạc, người sáng lập trào lưu Acmeism, nhà văn, nhà viết kịch, dịch giả và nhà phê bình văn học, nhà lữ hành, nhà châu Phi học. Nikolai Gumilev là chồng của nhà thơ nổi tiếng Anna Akhmatova (1889-1966), bố của nhà sử học Lev Gumilev.

Tập thơ “Lầu sứ” gồm hai phần. Phần một nhan đề “Trung Hoa" có 12 bài thơ của các nhà thơ cổ điển Trung Hoa do Nikolai Gumilev dịch từ tiếng Pháp theo bản dịch từ tiếng Hán của nữ nhà thơ Pháp Judith Gautier (1845-1917). Ở phần này có thơ của Lý Bạch, Đỗ Phủ, Trương Kế, Nguyễn Tịch, Mạnh Hạo Nhiên, Trương Nhược Hư. Tên tập thơ “Lầu sứ” là theo tên một bài thơ của Lý Bạch trong tập.

Phần hai nhan đề “Đông Dương” gồm 5 bài thơ, trong đó có 2 bài ca dao Việt Nam và 3 bài thơ sáng tác. Có lẽ Nikolai Gumilev đã lấy hai bài ca dao từ cuốn sách của Judith Gautier.

Bài ca dao thứ nhất: “Tham chi đồng bạc con cò/ Bỏ cha bỏ mẹ đi phò Lang Sa”. Bài này ông đặt đầu đề “Những cô gái” và dịch khá sát là: “Những cô gái thích đồng bạc/ Có vẽ hình con chim/ Họ rời bỏ cha mẹ/ Để đi theo những người Pháp”.

Bài ca dao thứ hai: “Cái cò trắng bạch như vôi/ Có về lấy lẽ chú tôi thì về/ Chú tôi chẳng đánh, chẳng chê/ Thím tôi móc ruột, lôi mề, ăn gan”. Bài này ông đặt đầu đề “Đồng dao” và dịch ra như sau:

Cái miệng con cóc sao đỏ thế
Có phải con cóc này ăn trầu không?
Hãy để cái cô muốn thành vợ yêu
Của cha tôi nhanh nhanh đến!

Cha tôi sẽ đón cô ấy ân cần
Nấu cơm cho cô ăn và không đánh đập
Chỉ mẹ tôi là sẽ moi mắt
Và lôi mọi thứ trong bụng ra

Ba bài thơ sáng tác của Nikolai Gumilev là 1. “An Nam”, kèm chú thích An Nam là “tên gọi Việt Nam thời thuộc địa Pháp”; 2. “Nước Lào” và 3. “Khơ Mú” kèm chú thích Khơ Mú là “tên gọi một tộc người ở Lào và Việt Nam”.

Nikolai Gumilev chưa trực tiếp sang Đông Dương nhưng có lẽ qua tập thơ dịch của Judith Gautier cũng như những sách vở khác đã đọc được mà ông hình dung về cảnh sắc êm đềm, con người thuần hậu, cuộc sống bình an của người dân nơi đây. Đoạn kết bài thơ “An Nam” cho thấy nhà thơ Nga đã thấm được cái triết lý sống giản dị, sâu sắc của người dân nước ta, cũng là một truyền thống Á Đông bao đời nay.

An Nam

Vầng trăng treo trên cao
Giữa vòm trời bát ngát
Gió bờ tre xào xạc
Thoảng mùi hương man mác
Một gia đình ấm êm.

Người lớn ngồi uống trà
Đọc thơ vườn cây mát
Bầy trẻ chơi trong nhà
Tiếng vọng ra bay khắp
Trẻ sơ sinh oa oa.

Ai sống thế một đời
Là người biết hoan lạc
Cần gì danh, tiền bạc
Nếu tin rằng cháu con
Sống vượt ông cha trước.


Lào

Cô gái ơi, hai má cô mịn thế
Vồng ngực cô nhấp nhô đồi nhỏ.

Yêu tôi nhé cô gái Lào ơi
Để từ nay ta mãi chẳng rời.

Cô ngồi trên chiếc thuyền độc mộc
Tôi sẽ tìm đường cho thuyền cô lướt.

Cô cưỡi voi đi khắp núi rừng
Tôi sẽ làm người quản tượng thủy chung.

Nếu cô là mặt trăng sáng soi
Tôi sẽ thành mây cùng cô đùa chơi.

Nếu cô thành một cây dây leo
Tôi sẽ thành chim hay khỉ leo trèo.

Nếu cô đứng ở trên đỉnh núi
Trước vực thẳm hút sâu vời vợi

Thì dù cho chân có bị xiềng
Đỉnh núi kia tôi vẫn trèo lên.

Nhưng tôi tài giỏi cũng hoài công
Số phận bắt tôi phải đau lòng.

Cô không yêu tôi, tôi chết thôi
Như con trâu không có cỏ tươi,

Không có một nụ hôn duy nhất
Vào cặp má hồng tươi ngây ngất.


Khơ Mú

Các cô đâu rồi, những cô gái đỏ da
Các cô ở đâu, sao không lời đáp lại
Các cô ở đâu, sao để tôi trơ trọi
Giọng nói yếu loang đi trong núi
Có đủ vọng thành tiếng dội ngân xa?

Hay các cô đã bị hổ vồ
Hay người tình đang ôm các cô…
Trả lời tôi đi các cô gái đẹp
Tôi yêu các cô tôi đi tìm gặp
Lang thang rừng sâu.

Từ trên núi cao tôi nhìn xuống dưới
Thấy các cô trần truồng bên suối
Và tôi chạy tới mà quên nghĩ rằng
Tất cả các cô là con mặt trăng
Còn tôi là con của loài quạ đen.

NGÂN XUYÊN

Giới thiệu và dịch từ nguyên bản tiếng Nga.

;
;
.
.
.
.
.