Nhiều năm nay, trên các diễn đàn đã có cuộc tranh luận không dứt về thầy giáo và học sinh, ai là chủ thể của giáo dục. Những người có xu hướng học tập phương Tây luôn khẳng định học sinh, sinh viên là chủ thể. Gần đây, trong giới nghiên cứu triết học và văn hóa của phương Tây lại có xu hướng nghiêng về phương Đông, nơi có cái nhìn rộng mở và toàn diện hơn trong thuyết chủ toàn và có sự hài hòa giữa cá nhân, gia đình và xã hội đúng như quy luật của vạn vật, không tuyệt đối hóa bất cứ hiện tượng nào.
Thầy Chu Văn An được đời đời ca tụng vì đã góp phần to lớn tạo nên nền văn hiến Việt Nam. Ảnh: Tư liệu |
Trong giáo dục cũng vậy. Việt Nam và phương Đông có những triết lý và phương cách giáo dục ưu việt mà ngày nay chúng ta nên tìm hiểu kỹ để kế thừa. Tôi xin nêu một vài điểm.
Một là, dạy cái gì?
Giáo dục truyền thống coi trọng yếu tố số một là dạy làm người, sau đó mới dạy chữ. Tiên học lễ, hậu học văn. Nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ, trong gia đình phải có hiếu với cha mẹ; ra ngoài xã hội phải hòa thuận với anh em. Soi vào những tư tưởng của Bác Hồ về giáo dục, về đào tạo thế hệ cách mạng cho đời sau, ta thấy có sự trùng hợp. Năm điều Bác Hồ dạy thiếu nhi, điều thứ nhất là “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào”.
Nhắc nhở việc làm người, phẩm chất người cán bộ cách mạng, Người nêu cao tứ đức cần, kiệm liêm, chính. Ngày 18-2-1958 (Mồng 1 Tết Mậu Tuất), Bác Hồ đến thăm và chúc Tết khu Việt Nam học xá (nay là cơ sở của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội), Người nói: “Các cô các chú phải trau dồi cả đức cả tài, không có đức thì vô dụng, không có tài thì làm gì cũng khó”.
Lối khoa cử ngày xưa đã bỏ từ năm 1918. Người đời sau tha hồ phê phán nó coi như một thứ học vẹt, một thứ văn công thức chi hồ dã giả. Thật ra, người học xưa không chỉ thuộc tứ thư ngũ kinh mà còn làu thuộc sách trăm nhà, sử bốn phương. Quan trọng hơn nữa là biết làm chiếu biểu thơ phú và nhất là “văn sách”, nói lên trách nhiệm xã hội và kế sách trị nước. Bài văn sách này là căn cứ để xét đỗ Trạng nguyên, bảng nhãn…; tức là giáo dục cũng rất gắn với thực tế. Người xưa vì thế mà khổ học và có khoa bảng là có tài. Trong Lều chõng, Ngô Tất Tố viết: “Những ông ngồi trong miếu đường làm rường cột cho nhà nước, những ông ở nơi tuyền thạch, làm khuôn mẫu cho đạo đức phong hóa, đều ở trong đám "lều chõng" mà ra”.
Hai là, ai dạy?
Việc giáo dục thoạt tiên từ trong gia đình, dòng họ. Nước có quốc pháp, nhà có gia quy. Bởi trẻ sinh ra, xã hội đầu tiên là gia đình, người dạy trẻ đầu tiên là cha mẹ, anh chị. Những công thức được nêu để truyền đời là “Phụ từ tử hiếu”, là “Trai thời trung hiếu làm đầu/ Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình”, “Đói cho sạch, rách cho thơm”, “Giấy rách phải giữ lấy lề”… Gia đình làm nên tính cách của trẻ, dạy trẻ những bài học căn bản đầu tiên và thường xuyên kiểm tra việc học của trẻ. Ngày nay, phải chăng các bậc cha mẹ vì quá bươn chải trong cuộc sống hiện đại mà “khoán gọn” việc dạy dỗ cho nhà trường, lấy việc bỏ nhiều tiền cho học thêm làm giải pháp tối ưu. Còn nhiều thầy cô giáo thì coi việc dạy học là một dịch vụ, một hoạt động thuộc cơ chế kinh tế thị trường.
Giáo dục truyền thống lấy người thầy làm “chủ thể”, theo cách nói bây giờ. Quan hệ thầy - trò là một trong ba giềng mối lớn của xã hội (tam cương: vua - tôi, thầy - trò, cha - con). Người thầy được coi như cha, như vua. Người thầy thuộc vào phạm trù của sự thiêng liêng, cao cả.
Ba là, dạy bằng cái gì?
Dĩ nhiên là dạy bằng kiến thức sách vở. Những người thầy xưa còn thường dắt trò đi du ngoạn, quan sát xã hội, dạy trò kỹ năng sống, khả năng phân tích, nhận biết đúng sai để luôn không xa rời đạo, xa rời chữ nhân. Thầy dạy trò bằng tình thương yêu cha con, bằng sự nêu gương sáng. Tình thương và sự nêu gương là một ưu việt của giáo dục Việt Nam truyền thống mà ngày nay cần phải học tập, phát huy nhiều hơn nữa.
Những người thầy vĩ đại là những người trước hết có nhân cách như băng tuyết, tình thương yêu học trò như cha con, học vấn như biển sâu. Những người thầy được đời đời ca tụng như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Thiếp, Nguyễn Đình Chiểu… là những người như thế. Và họ đã góp phần hết sức to lớn tạo nên nền văn hiến Việt Nam.
Ngày nay cũng vậy. Người thầy càng nên được tôn kính. Vì người thầy tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, giải quyết những yêu cầu lịch sử ngày càng khó khăn, phức tạp. Người thầy góp phần quan trọng số một trong việc tạo ra sản phẩm con người và văn hóa Việt Nam, tạo ra và giữ vững nền tảng đạo đức xã hội.
Chúng ta đang tiến tới kỷ niệm 100 năm thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Ta lại càng nhớ lời Bác trong năm học đầu tiên của chế độ mới “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Và ta cũng thấm thía rằng, việc học tập của các em có tiến bộ hay không, có trở thành rường cột nước nhà trong tương lai hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công dạy dỗ của các thầy!
TS. NGUYỄN SĨ ĐẠI, Nguyên Phó Vụ trưởng Báo Nhân Dân