1. Hồi còn nhỏ, tôi thường được đi theo ông nội ra Bến Mía chỗ đường Bạch Đằng rồi xuống đò dọc chạy ngược dòng sông Hàn để về thăm quê An Trạch bên bờ sông Yên. Không biết cái tên Bến Mía có từ bao giờ - chắc là vào thời mặt hàng mía nơi đây còn đầy ắp trên bến dưới thuyền - và mặc dầu hơn sáu chục năm qua tôi chưa hề thấy cây mía nào xuất hiện ở bến sông này, thế nhưng cái tên Bến Mía vẫn được nhiều người Đà Nẵng nhắc tới một cách ngọt ngào trong hồi ức.
Cảnh sinh hoạt của người dân bên bờ sông Bạch Đằng Đà Nẵng (xưa). Ảnh: Tư liệu |
Nhiều người Đà Nẵng cũng hay nhắc tới Đò Xu - tên một bến sông xưa ở Đà Nẵng nhưng là bến đò ngang nằm cuối sông Cẩm Lệ chứ không phải bến đò dọc trên sông Hàn như Bến Mía. Bến đò nhỏ này vẫn còn đưa khách sang sông cho đến đầu thập niên 2010, khi cầu Hòa Xuân vừa được đưa vào sử dụng. Không phải ngẫu nhiên mà có người còn muốn đổi tên cầu Hòa Xuân thành cầu… Đò Xu (mặc dầu đã có cầu Đò Xu trên đường Núi Thành).
Nhà thơ Lê Minh Quốc từng sáng tác bài thơ bốn chữ với nhan đề Qua bến Đò Xu… Đà Nẵng chưa có con đường nào mang tên Bến Mía nhưng từ đầu thế kỷ XX đã có con đường mang tên Đò Xu/Route Đò Xu (sau năm 1955 đường Đò Xu được đổi thành đường Võ Tánh và sau năm 1975 được đổi thành đường Núi Thành)...
2. Trong khi hai cái tên Bến Mía và Đò Xu dân dã như vậy thì trên dòng ký ức Đà thành lại có một bến sông mang cái tên đầy chữ nghĩa: Bến Quảng Triều Hưng cũng nằm trên đường Quai Courbet - tức đường Bạch Đằng ngày nay. Đương thời có một người phụ nữ thường được người Đà Nẵng gọi là Bà Quảng, không phải vì bà là người Quảng Nam mà vì bà là chủ nhân của hãng buôn Hoa kiều Quảng Triều Hưng.
Chính tên gọi tưởng chừng mang màu sắc bản địa này mà đến nay người Đà Nẵng vẫn hay nhắc nhớ đến ngôi chùa Bà Quảng nằm ở đoạn cuối đường Quảng Nam tức đường Trưng Nữ Vương ngày nay - do chính bà chủ hãng buôn Quảng Triểu Hưng công đức xây nên. Trải qua quá trình đô thị hóa từ sau năm 1997, chùa Bà Quảng bây giờ không còn, nhưng tên chùa Bà Quảng thì vẫn tồn tại với thời gian mỗi khi người Đà Nẵng nhớ tới những chùa xưa…
3. Đoạn cuối đường Trưng Nữ Vương gợi nhớ chùa Bà Quảng, còn đoạn đầu đường Trưng Nữ Vương thì lại gợi nhớ tới Giếng Bộng - một giếng nước ngọt Chămpa quan trọng của hậu cần hàng hải Đà Nẵng xưa. Nhà nghiên cứu sử học Lê Thí từng giải thích trên Báo Đà Nẵng cuối tuần rằng giếng bộng trước hết là danh từ chung dùng để gọi một loại giếng nửa mở của người Chămpa, “có nguồn nước cung cấp thường từ những mạch ngầm ở chân những cồn cát, hoặc đồng ruộng, nước phun lên từ một mạch ngầm, người ta lấy một tấm đá lớn hoặc một thân cây cổ thụ để giữ nước, miếng đá được đục một cái lỗ lớn, thân cây được khoét rỗng ruột. Úp tảng đá hoặc thân cây khoét rỗng lên chỗ mạch nước, cố định chắc chắn, nước chảy dâng lên và thoát ra từ lỗ đã khoét”.
Với cách lý giải này thì ở làng Tỉnh Thủy ven biển phía đông thành phố Tam Kỳ cũng có một giếng nước ngọt gọi là Giếng Bộng, nhưng không nổi danh bằng Giếng Bộng của Đà Nẵng. Sở dĩ như vậy là do Giếng Bộng của Đà Nẵng nằm gần cửa Hàn nên có điều kiện góp phần nhiều hơn vào hoạt động hậu cần hàng hải và vì thế dễ được khách thập phương nghe tên biết tiếng. Chưa kể Giếng Bộng của Đà Nẵng còn là một “địa chỉ đỏ” với hoạt động in ấn tài liệu tuyên truyền của Chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tỉnh Quảng Nam những năm 1927-1929, trong đó đáng chú ý là vào năm 1928, tại cơ sở nhà bà Phán Thạnh gần Giếng Bộng, Chi bộ đã tổ chức ấn loát và phát hành rộng rãi cuốn sách Đường kách mệnh của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc… Giếng Bộng giờ đây nằm trong khuôn viên của Trường Mầm non Ánh Hồng và đang được rào kín nhằm đảm bảo an toàn cho các cháu bé…
4. Nhà tôi gần chợ Vông Đồng nên thuở ấy tôi vẫn thường đi dọc theo đường Trưng Nữ Vương để đến Trường Tiểu học Lê Quý Đôn gần kho xăng dầu Nại Hiên - kho xăng dầu mang thương hiệu Shell với mấy bồn chứa lớn nay không còn, và do vậy ngày nào cũng đi ngang qua Giếng Bộng. Đi tiếp về hướng Chợ Mới một đoạn, nhìn sang bên kia đường là Rạp hát Xuân Quang - cùng với Rạp hát Hòa Bình trên đường Phan Châu Trinh là hai cơ sở hoạt động nghệ thuật tư nhân của Đà Nẵng trước năm 1975 chuyên tổ chức biểu diễn hát bội và cải lương.
Rạp hát Hòa Bình giờ được nâng cấp thành Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh nhưng Rạp hát Xuân Quang thì đóng cửa hơn nửa thế kỷ rồi… Bỗng dưng lại nhớ mấy tấm pano quảng cáo vở diễn mới ở trước cửa Rạp hát Xuân Quang nhìn rất bắt mắt, có khi tôi không kìm nổi sự háo hức nên phải sang đường để xem cho rõ…
5. Đà Nẵng bây giờ có nhiều cao giá lộ - cách người Trung Quốc gọi cầu vượt - như các cầu vượt Hòa Cầm, Ngã ba Huế, đường 2 tháng 9 (gần cầu Trần Thị Lý), đường Nguyễn Tri Phương (gần Công viên 29 tháng 3), đường Lê Duẩn (gần cầu sông Hàn)... Thực ra trên đường Lê Duẩn - xưa gọi là đường Thống Nhất - từng có một cây cầu vượt được xem là lâu đời nhất trong ký ức Đà thành và đó chính là Cầu Vồng chạy băng qua đường xe lửa Chợ Cồn - Ga Lớn. Giờ đây thì cả Cầu Vồng và đường xe lửa Chợ Cồn - Ga Lớn chỉ còn trong hoài niệm về một thời xa vắng.
Ngày xưa còn học trung học ở Trường Phan Châu Trinh, mỗi khi có dịp đạp xe lên xuống Cầu Vồng, tôi lại nhớ ông nội tôi kể chuyện thời ông làm phu xe kéo, rằng hồi ấy đoạn đầu đường Lê Duẩn là một con dốc nối từ đường Quai Courbet/Bạch Đằng đến đường Jules Ferry/Trần Phú và đã trở thành một thách thức nghề nghiệp đối với những người phu xe kéo đang chở khách - lên dốc còng lưng cố lôi cả xe lẫn khách về phía trước khổ đã đành, khổ hơn nhiều và thậm chí nguy hiểm là khi xuống dốc người phu xe phải trụ đôi chân và kìm đôi tay để giữ cho cả xe lẫn khách được an toàn…
6. Hồi còn công tác ở Thanh Khê, tôi thực sự ngỡ ngàng khi nghe đến địa danh Núi Cùng trên địa bàn phường Chính Gián. Một ca khúc nổi tiếng về Đà Nẵng của nhạc sĩ Đình Thậm phổ thơ Ngân Vịnh có câu: “Núi trong lòng thành phố”, nhưng đó là đang nói về sáu ngọn núi Ngũ Hành, về bán đảo Sơn Trà chiều chiều mây phủ, hay về núi Phước Tường… chứ không phải về Núi Cùng bằng phẳng và chỉ còn là một tên gọi ngay trong lòng phố thị đông dân… Và cuối cùng, ở ngay trên đất Thanh Khê, cũng có thể kể về một tên gọi mà gần nửa thế kỷ qua hầu như không còn mấy ai nhớ tới bởi thực tế bể dâu thương hải biến vi tang điền - Hầm Bứa.
Hầm Bứa trước ngày đất nước thống nhất năm 1975 là tên gọi một bãi rác lớn của cả Đà Nẵng kiểu như bãi rác Khánh Sơn ngày nay. Và trong ba thực thể mang tên ngày giải phóng Đà Nẵng là Công viên 29 tháng 3 ở quận Thanh Khê, Rạp chiếu phim 29 tháng 3 (nay không còn) và Quảng trường 29 tháng 3 ở quận Hải Châu, thì chỉ có Công viên 29 tháng 3 là đáng nói nhất, bởi đây là kết quả việc huy động sức người sức của để biến cái bãi rác ngày xưa thành “lá phổi xanh” của thành phố với một hồ nước rộng cùng nhiều cây cối ven hồ nhằm thể hiện thông điệp Đổi Đời.
Khi bức tường Công viên 29 tháng 3 phía đường Nguyễn Tri Phương được hạ thấp tối đa để khách đi đường có thể nhìn thấy hồ nước bên trong, bức thông điệp Đổi Đời ấy càng thêm ngời sáng, và điều đáng nói là không giống các tên gọi Bến Mía, Đò Xu, Giếng Bộng, Cầu Vồng, Núi Cùng… vẫn đang sống trong niềm cảm cựu mênh mang của người Đà Nẵng, tên gọi Hầm Bứa ngày càng chìm vào dĩ vãng xa xăm…
BÙI VĂN TIẾNG