Nhiều đình làng, chùa, mộ tiền hiền… được gìn giữ trong lòng phố phường Đà Nẵng từ nỗ lực của cộng đồng và chính quyền. Để lan tỏa và phát huy giá trị văn hóa - lịch sử của những dấu xưa này, cần lưu tâm đến không gian cho di tích trên cơ sở hài hòa với tiến trình phát triển của đô thị.
Ông Lê Văn Lễ, Trưởng Ban nghi lễ làng Thanh Khê tại nhà thờ Chư phái tộc Thanh Khê. Ảnh: X.S |
Những ông già tóc bạc như sóng biển, kính cẩn hành lễ trước bàn thờ bậc tiền hiền đã có công lập làng. Trong nghi ngút khói hương, họ tưởng nhớ tiền nhân, nhớ những anh hùng liệt sĩ làng Thanh Khê và những thế hệ ngư dân đã nằm lại trên hành trình mưu sinh giữa biển trời…
Dấu xưa trong lòng phố
Nơi họ ngồi kể chuyện xưa là khuôn viên di tích chùa làng và nhà thờ Chư phái tộc Thanh Khê (phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê). Theo sử liệu do Phòng Văn hóa và Thông tin (VH-TT) quận và ban nghi lễ làng tập hợp, vị “Tiền hiền thôn Thanh Khê, tiền khai Phú Lộc xã, hậu khai Thanh Khê thôn” là ông Hồ Văn Tri, quê ở huyện Nghi Xuân, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh) theo cha vào Nam lập nghiệp từ năm 1627.
Qua quá trình phát triển làng xã, giao thoa và tiếp biến văn hóa - tín ngưỡng của các thế hệ, chùa làng và nhà thờ Chư phái tộc Thanh Khê cùng những thiết chế văn hóa khác như: Đình làng Thanh Khê, Nhà thờ Tập Linh nghề cá, Lăng Ông, Miếu Tam vị, mộ Tiền hiền… được hình thành. Thời điểm khởi dựng chùa làng được ghi trên cổng chính - năm Cảnh Hưng 1740. Điều đặc biệt, ngôi chùa có tính chất là chùa dân gian, là thiết chế văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo của riêng bà con làng Thanh Khê.
Ông Lê Văn Lễ, Trưởng ban nghi lễ làng Thanh Khê năm nay gần 80 tuổi cho biết. Ba mươi năm trước, ông nghỉ nghề biển, cùng các thành viên trong ban dành thời gian cho việc làng trên tinh thần “kết nối thế hệ sau với thế hệ trước”. Là cháu của Mẹ Nhu (Mẹ Lê Thị Dãnh), trong niềm tôn kính người đi trước, ông Lễ hay kể về 5 ngôi mộ liệt sĩ và 3 hiện vật giá trị tại chùa làng với khách thập phương. Đó là địa bạ làng Thanh Khê lập năm Gia Long thứ 14 (Ất Hợi 1815) đề cập chuyện mở rộng khuôn viên chùa; đại hồng chung đúc năm Thiệu Trị thứ 4 (Giáp Thìn 1844) và văn bia cổ khắc năm Canh Tý 1900 kể chuyện người làng góp sức đại trùng tu chùa. Chùa làng và nhà thờ Chư phái tộc Thanh Khê chính thức được UBND thành phố xếp hạng di tích cấp thành phố vào ngày 25-10-2024. Đó là tin vui với cộng đồng dân cư sau nhiều năm tháng nỗ lực gìn giữ hồn cốt quê nhà.
Cách đó gần 3 cây số, khu vực di tích quốc gia đình Thạc Gián (phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) trong đó có mộ tiền hiền Huỳnh Văn Phước hiện đang trùng tu. Theo Phòng VH-TT quận Thanh Khê, địa phương đã kiểm tra lại mốc giới, lập hồ sơ pháp lý để làm căn cứ xử lý tình trạng lấn chiếm lối vào khu mộ, xây dựng hồ sơ thiết kế cảnh quan và tường bao bảo vệ khu mộ này.
Rời Thanh Khê, chúng tôi ngược về cánh Bắc thành phố, ngang qua cụm 7 di tích Nam Ô (Đình Nam Ô, Miếu bà Liễu Hạnh, Miếu bà Bô Bô, Nghĩa trủng Nam Ô, Lăng ông Nam Ô, Dinh âm linh Nam Ô và Giếng Lăng) tại phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu). Đây là cụm di tích mang nhiều dấu ấn và giá trị văn hóa, lịch sử, là sự tiếp biến giữa hai nền văn hóa Chăm - Việt với những tập tục sinh hoạt, các lớp trầm tích văn hóa đan xen. Mỗi di tích minh chứng cho những thời kỳ lịch sử khác nhau của mảnh đất Nam Ô nói riêng và Đà Nẵng nói chung. Sau một thời gian bị xuống cấp, cụm di tích này được ngành chức năng hoàn thành công tác bảo tồn, tu bổ và phục hồi vào năm 2022.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Trần Công Nguyên, cụm di tích trên đã góp phần bảo tồn giá trị văn hóa, tạo sự gắn kết phát triển làng nghề nước mắm Nam Ô với di sản văn hóa của địa phương. Đặc biệt, sau 3 năm triển khai đề án “Bảo tồn làng nghề nước mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng”, việc kết hợp làng nghề với du lịch đã tạo ra một sản phẩm du lịch mới, từng bước thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm…
Di tích và không gian đô thị
Tại nhà thờ Chư phái tộc làng Thanh Khê, nhiều mảng ngói không còn tránh được tác động của thời gian và khí hậu, gây thấm dột và phong hóa; sắc phong và địa bạ bị thất lạc trong khi chưa có không gian hay phương án bảo vệ và bảo tồn các hiện vật phù hợp… Khu vực xung quanh còn hạn chế để hình thành sản phẩm du lịch.
Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Đông Dương Thanh Phong nhìn nhận: “Các di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu trên địa bàn phường còn những bất cập về hạ tầng để có thể hình thành, xây dựng những sản phẩm du lịch đặc thù được xem là lợi thế của từng di tích, di sản văn hóa”. Đơn cử, nhà thờ Tập linh nghề cá, nhà Mẹ Nhu, đình làng Thanh Khê… đều nằm trong lối đi nhỏ ở khu dân cư, đây không phải điều kiện thuận lợi cho việc phát triển du lịch.
Theo ông Phong, khi không gian tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành được mở rộng thì việc quy hoạch đầu tư bãi đỗ xe khang trang, kết hợp lối đi bộ, bán hàng lưu niệm sẽ là điều kiện thuận lợi để kết nối du khách đến các địa chỉ đỏ trên địa bàn mà trước mắt là nhà Mẹ Nhu.
Hạ tầng đô thị cũng là khó khăn tại cụm di tích Nam Ô. Ông Trần Công Nguyên chia sẻ, việc xây dựng, phát triển làng Nam Ô thành điểm du lịch đang gặp khó, giao thông chưa dễ tiếp cận; dịch vụ tiện ích tại khu vực còn hạn chế, nhất là hình thành khu trình diễn sản xuất chưa được đầu tư, ít sản phẩm phụ trợ đặc sắc nên chưa thu hút được nhiều sự quan tâm của các hãng lữ hành, tour du lịch… Chính vì thế, dù đã có được những kết quả tích cực sau 3 năm triển khai đề án, nhưng những hạn chế về hạ tầng, với những di tích nằm khuất trong lối đi nhỏ hay diện tích có hạn của các cơ sở làm nước mắm truyền thống là rào cản cho sự chuyển mình của những di tích, di sản. Trước mắt, quận đang chờ thành phố cho chủ trương về việc chọn khu đất đầu đường Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Lương Bằng để bố trí, đầu tư xây dựng khu nhà trưng bày Làng nghề nước mắm Nam Ô.
Trong khuôn khổ hội thảo quốc tế “Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị các đô thị lịch sử trong bối cảnh mới” diễn ra tại Đà Nẵng năm ngoái, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Trương Văn Quảng, Phó tổng thư ký Hội Quy hoạch Việt Nam cho rằng, nên xem xét khái niệm “đô thị lịch sử - di sản”.
Nhấn mạnh sự hài hòa giữa các yếu tố nhân tạo và thiên nhiên của cảnh quan, ông Quảng cho rằng, một đô thị lịch sử được nhận diện khi có giá trị lịch sử văn hóa đô thị đặc sắc, có hệ thống di sản đô thị phong phú độc đáo tạo nên diện mạo đặc trưng, có cấu trúc đô thị được bảo tồn toàn vẹn... Đây là khái niệm mà Đà Nẵng và nhiều địa phương có thể lưu tâm khi giữ gìn các giá trị xưa trong bối cảnh đô thị hóa.
XUÂN SƠN