Đứng giữa những khu phố khang trang hiện đại, ít ai biết rằng nơi đây 20 năm trước từng có một làng hoa nổi tiếng nhất Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung - làng hoa Phước Mỹ. Chúng tôi tìm về làng hoa nổi tiếng một thời này với mong muốn được gặp một mảng xanh bình yên, mang dáng dấp hồn quê giữa phố để quên đi những xô bồ phố thị.
Những vườn hoa vạn thọ của bà Hồ Thị Em vẫn còn sót lại trên làng hoa Phước Mỹ trước đây ở quận Sơn Trà. Ảnh: Đ.H.L |
1. Để thuận tiện cho “cuộc trở về” này, tôi rủ cô bạn thân người Đà Nẵng sinh ra và lớn lên ngay trên chính mảnh đất Sơn Trà. Trong ký ức của Ngô Phụng (SN 1980, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn), làng hoa Phước Mỹ là nơi trồng nhiều loại hoa truyền thống, quanh năm phục vụ cho cả ngày rằm, 30, mồng 1 chứ không riêng gì vào dịp Tết. Đó là những loại hoa mà chỉ cần nghe tên thôi cũng gợi lên bao ký ức tuổi thơ mộc mạc, bình dị như vạn thọ, cúc bảy màu, thược dược, lay ơn, mào gà, cúc trấu...
Từ tuyến đường Hồ Nghinh, chúng tôi rẽ vào những con đường nhỏ được quy hoạch ngay ngắn nằm trên địa bàn phường An Hải Bắc và phường Phước Mỹ. Quá trình đô thị hóa làm cho vết tích làng hoa Phước Mỹ phai mờ. Lọt thỏm đâu đó giữa những ngôi nhà cao tầng còn sót lại lô đất trống, được người dân tận dụng trồng hoa như muốn níu kéo nghề cũ.
Trời nhá nhem tối, bà Hồ Thị Em (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) vẫn cặm cụi nhổ cỏ giữa vườn hoa vạn thọ. Nghe chúng tôi nhắc đến làng hoa Phước Mỹ, bà Em xúc động kể: “Ngày xưa, nơi đây cũng là một phần của làng hoa Phước Mỹ. Mảnh đất này người ta mua rồi nhưng chưa làm nhà nên tôi trồng hoa cho sạch. Giờ tôi chỉ trồng đủ để bán sỉ cho chợ Phước Mỹ vào ngày rằm, 30, mồng 1”. Chỉ vào vạt đất xa xa, bà Em cho biết, vạt hoa đó cũng khoảng chừng 700 cây vạn thọ. Tới ngày rằm này là sẽ được nhổ bán sỉ hết cho khách buôn trong chợ Phước Mỹ, rồi họ bán lẻ lại cho người dân.
Đến nay, nhà bà Em trồng hoa và rau cũng được hai đời. Theo bà Em, hoa vạn thọ chỉ trồng được từ tháng Tám đến tháng Tư năm sau. Mùa hè, thời tiết nắng hạn hoa không nở, còn khi mùa mưa xuống thì cây bị dập. Những người làm hoa ngày xưa bây giờ đi gần hết, chỉ còn vài hộ. Nhiều nhà nghèo quá cũng đành bán nhà đi nơi khác sống.
2. Quá trình đô thị hóa, không chỉ người dân làng hoa Phước Mỹ mà những người trồng hoa ở quận Ngũ Hành Sơn cũng tự tìm cho mình những lô đất trống để trồng hoa như một thú vui. Nhờ đó mà những thửa đất trên địa bàn phường Mỹ An gần chân cầu Trần Thị Lý trở thành một nơi trồng nhiều hoa Tết.
Chúng tôi ghé vào khu vực quanh đường An Dương Vương, gặp ông Lê Bích Được đang cần mẫn vót thanh tre để làm giàn cho những chậu hoa mãn đình hồng và hướng dương. Ông Được chia sẻ: “Nhà tôi ở phường An Hải Tây, quận Sơn Trà. Do thích trồng hoa nên qua bên này. Trồng hoa cho tôi niềm vui và mang lại thêm chút thu nhập. Năm nào đến Tết, tôi cũng trồng mãn đình hồng, hoa này sau 5 tháng rưỡi mới cho bông và chơi được 1 tháng rưỡi. Nhiều người thích hoa mãn đình hồng vì ý nghĩa của tên hoa - tràn đầy hạnh phúc. Thân cây mãn đình hồng cao 2,2 đến 3,5m nên phải vót thanh tre chống đỡ cho cây khỏi ngã”.
Tính đến nay, ông Lê Bích Được đã làm nghề trồng hoa Tết hơn 20 năm. Theo ông Được, trồng hoa tuy cực nhưng mang lại nhiều điều thú vị. Từ lúc chăm bón cây cho đến khi ra hoa, ông Được nhìn thấy những thành quả của mình sau những ngày đầu tắt mặt tối trong vườn. Khác với ông Được, bà Trần Thị Bông (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) thích trồng cúc đại đóa và cúc pha lê.
Nói về công việc của mình, bà Bông bảo: “Trồng hoa vất vả nhưng chỉ cần chịu thương, chịu khó là có thể tăng thêm thu nhập. Từ khi trồng cây con cho đến khi nở phải mất hơn 5 tháng. Sắc màu của hoa, đặc biệt mỗi dịp Tết đến, Xuân về là điều níu giữ tôi gắn bó với nghề...”.
Năm nay, bà Bông trồng khoảng 500 chậu hoa cúc và gần 1.300 chậu dạ yến thảo. Đến Tết, các cửa hàng hoa và người dân đến vườn mua sỉ. Cũng nhờ bán sỉ mà vụ hoa Tết nào, bà cũng bán hết. Dù vậy, bà Bông vẫn lo lắng: “Không chỉ chăm bón, tưới tiêu mà còn phải chong đèn cho hoa từ khi cây còn nhỏ. Làm từ sáng sớm đến tận 9 giờ tối mới về tới nhà. Nghề ni quá bấp bênh...".
Bấp bênh là vậy nhưng giờ nhiều người vẫn còn nặng nợ với nghề trồng bông. Cũng nhờ vậy mà những thửa đất trống nơi đây trở thành những vườn hoa khoe sắc giữa phố. Mỗi khi Tết đến, xuân về, nhiều người dân không chỉ đến mua hoa về chưng Tết mà còn đến để tham quan như một thú vui ngày xuân.
3. Đứng giữa những khu phố khang trang hiện đại, ít ai biết rằng nơi đây 20 năm trước từng có một làng hoa nổi tiếng nhất Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung. Thời kỳ phát triển thịnh vượng nhất là những năm thập niên 80 khi làng hoa Phước Mỹ có khoảng 500 hộ dân chuyên trồng hoa cung cấp cho thị trường Quảng Nam - Đà Nẵng và các tỉnh lân cận. Đặc biệt, sau khi thành phố Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 1997, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh khiến làng hoa thu hẹp dần và biến mất. Giờ chỉ còn vài hộ lớn tuổi cần mẫn trồng hoa trên những khu đất trống, tạo nên những vườn hoa nhỏ lung linh sắc màu bên những tòa nhà cao tầng.
Có lẽ nhiều người tiếc nuối về một làng hoa Phước Mỹ nức tiếng một thời. Giá như trong quá trình quy hoạch, thành phố giữ lại làng hoa hoặc chọn một khu đất nào đó thích hợp để trồng hoa như khu Đảo xanh chẳng hạn. Biết đâu bây giờ bên cạnh những rừng cây bần, cây đước ở khu vực đất ngập mặn ven sông Hàn lại có thêm những vườn hoa rực rỡ sắc màu để người dân thành phố và du khách đến thưởng lãm và chụp ảnh. Đó sẽ là một góc làng hoa bình yên với những đàn cò sải cánh bay về trên dòng Hàn giang trong những buổi sớm mai hay những chiều hoàng hôn buông xuống, tạo nên điểm nhấn du lịch hấp dẫn cho du khách khi đến tham quan thành phố biển.
ĐOÀN HẠO LƯƠNG