Nhiều hội thảo liên quan tới việc giữ gìn, phát huy các giá trị di tích, lịch sử, văn hóa đã được tổ chức ở huyện Hòa Vang trong hành trình xây dựng vùng đất này thành đô thị sinh thái giàu bản sắc. Bởi lẽ, bên cạnh nỗi lo giá trị văn hóa có thể phai nhạt trước làn sóng đô thị hóa, vẫn còn đó những ý kiến cho rằng nếu biết kết hợp giữa bảo tồn văn hóa với phát triển kinh tế, Hòa Vang sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn trong tương lai.
Lối vào thôn Phong Nam, nơi sẽ hình thành "Làng văn hóa đặc trưng" tại Hòa Vang trong thời gian đến. Ảnh: T.Y |
Vùng đất lịch sử, văn hóa
Khi Hòa Vang đứng trước cơ hội phát triển thành đô thị, người dân không khỏi lo lắng diện mạo mới có thể làm phai mờ ký ức làng quê và những giá trị văn hóa truyền thống gắn bó bao đời. Thế nhưng, điều băn khoăn ấy đã phần nào được khỏa lấp khi Ban Thường vụ Huyện ủy công bố Nghị quyết về “Bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện Hòa Vang đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045” và mới đây là đề án xây dựng “Làng văn hóa đặc trưng” tại hai thôn Phong Nam (xã Hòa Châu) và thôn Bồ Bản (xã Hòa Phong).
Chỉ tay vào đình Phong Lệ (còn gọi đình Thần Nông hay đình Mục Đồng), ông Ngô Tất Hiền (72 tuổi), Trưởng làng Phong Lệ thuộc thôn Nam Phong, chia sẻ rằng, làng Phong Lệ hình thành từ thế kỷ XIV và là nơi tổ chức lễ hội Mục đồng duy nhất trên cả nước. Nhiều năm qua, ngôi làng cổ kính vẫn giữ nét đặc trưng với lũy tre xanh, cội đa già, giếng làng xưa và những mái nhà nhuốm màu xưa cũ. Cùng với mục tiêu giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa, truyền thống, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, ông Hiền kỳ vọng các công trình kiến trúc xây mới sẽ hài hòa với không gian làng cổ.
Như nhiều người dân khác ở thôn Phong Nam, ông Hiền không giấu niềm tự hào khi nhắc đến lễ hội Mục đồng, nơi những giá trị truyền thống và ký ức dân gian được tái hiện sinh động, gần gũi như nếp ăn, nếp nghĩ bao đời qua. Từ trò chơi dân gian đến các nghi lễ tế Thần Nông đều phảng phất hình ảnh người nông dân gắn với con trâu, cánh đồng hay những phong tục xưa cũ. Ông Hiền cho rằng lễ hội không chỉ là hình thức bảo tồn mà còn là cơ hội kết nối thế hệ trẻ với dòng chảy văn hóa làng xã, qua đó nuôi dưỡng tình yêu và niềm tự hào về nguồn cội, quê hương.
“Mỗi ngôi đình, lũy tre, di tích đều là chứng nhân lịch sử, là gốc rễ của làng, của chính chúng tôi. Đô thị hóa đến đâu cũng chỉ mong những giá trị ấy vẫn được giữ gìn nguyên vẹn”, ông Hiền hy vọng.
Để đáp ứng mục tiêu bảo tồn văn hóa làng xã, Hòa Vang đã có những bước đi thận trọng và bền vững trong quá trình phát triển. Đặc biệt, khi mô hình “đô thị sinh thái giàu bản sắc” triển khai, các khu vực dân cư được khuyến khích duy trì nếp sống làng xã thông qua hoạt động văn hóa cộng đồng. Ngoài trùng tu, tôn tạo kiến trúc cũ, thì mỗi kiến trúc, công trình xây mới đều phải đáp ứng tiêu chí hài hòa với cảnh quan xung quanh. Không ít ý kiến cho rằng, để giữ được bản sắc, địa phương cần tập trung định hình giá trị riêng thông qua hoạt động gìn giữ các lễ hội truyền thống, tôn tạo di tích, đình, chùa, những phong tục, tập quán đã được trao truyền qua nhiều thế hệ.
“Phải làm sao để mọi người biết đến Hòa Vang không chỉ là đô thị sinh thái mà còn vùng đất lịch sử văn hóa. Việc định hình, giới thiệu văn hóa địa phương sẽ là điều kiện để cộng đồng thêm tự tin gìn giữ, phát huy những giá trị lâu đời ấy”, nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tại Đà Nẵng tâm huyết nói.
Những “điểm chạm” trong quy hoạch
Tôi tin rằng Hòa Vang trong tương lai sẽ là minh chứng cho một mô hình đô thị không đánh mất gốc rễ, mà ngược lại, càng phát triển lại càng lưu giữ được cội nguồn văn hóa và lịch sử riêng biệt". Bí thư Huyện ủy Tô Văn Hùng |
Nói về điều này, Bí thư Huyện ủy Tô Văn Hùng khẳng định, trong quy hoạch tổng thể, Hòa Vang đã chọn mô hình “đô thị sinh thái giàu bản sắc”, với quyết tâm mang đến chất lượng sống tốt nhất cho người dân, từ cơ sở hạ tầng, hệ sinh thái đến gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa, truyền thống theo cấu trúc “làng trong phố, phố trong làng”. Đến năm 2025, dự kiến huyện có tỷ lệ đô thị hóa hơn 85% và khoảng 80% xã đủ điều kiện trở thành phường. Đặc biệt, nơi đây sẽ phát triển lên đô thị từ sự kế thừa giá trị đặc trưng của nông nghiệp, nông thôn, trong đó dành không gian cho văn hóa làng và những giá trị truyền thống.
Có thể nói, ý thức cội nguồn, tôn trọng giá trị lịch sử, văn hóa làng là điều làm nên nét cuốn hút ở Hòa Vang. Theo PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Kiến trúc, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), kiến trúc hoặc không gian đô thị muốn có được bản sắc phải sở hữu các tính năng hữu ích và phù hợp với bối cảnh địa phương. Cụ thể Hòa Vang cần hình thành không gian kiến trúc dựa trên mô hình đô thị mà mình hướng đến, trong đó chú trọng đến những yếu tố đặc trưng, phản ánh được cốt cách, văn hóa vùng đất. Không gian đô thị mới phải có “chất liệu” gắn với đời sống người dân, như khu vườn, đồng lúa hay không gian làng xã được bảo tồn và phát huy trong bối cảnh mới.
Việc phục dựng di sản, đặc biệt là những di sản tư nhân như nhà cổ, đình làng, miếu mạo, sẽ góp phần tạo nên một không gian sống vừa hiện đại, vừa đặc trưng. Đặc biệt, trong quy hoạch, cần tránh tối đa tình trạng chia lô, tách thửa, phá vỡ cấu trúc không gian làng xã, phá hủy hệ sinh thái và ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên.
Theo định hướng, mô hình “đô thị sinh thái giàu bản sắc” ở Hòa Vang sẽ tập trung duy trì không gian xanh, hệ sinh thái nông nghiệp truyền thống, tạo ra sự hài hòa giữa kiến trúc và địa hình tự nhiên. Những khoảng xanh xen kẽ giữa các khu đô thị giúp điều hòa không khí cũng như giữ lại nét đặc trưng của làng.
Theo lời Bí thư Huyện ủy, quy hoạch đô thị ở Hòa Vang không chỉ tạo ra không gian hiện đại mà sẽ “kể lại” câu chuyện của làng, thông qua từng chi tiết kiến trúc. Cụ thể, mỗi công trình công cộng, mỗi công viên, quảng trường đến các con đường đều thiết kế dựa trên bản sắc văn hóa được chắt lọc, trao truyền qua nhiều thế hệ. Trong bối cảnh đó, câu hỏi được địa phương đặt ra là, làm thế nào để chắt lọc, chọn lựa các giá trị văn hóa cũ - mới để “hòa nhập nhưng không hòa tan”. Tất cả phải được đánh giá, nhìn nhận, tổ chức thực hiện khoa học và bền vững.
Trong quá trình lập đồ án quy hoạch chung cho xã, huyện, các công trình văn hóa truyền thống được tích hợp vào không gian phát triển đô thị và trở thành bộ phận không thể tách rời của không gian chức năng đô thị mới.
“Tôi tin rằng Hòa Vang trong tương lai sẽ là minh chứng cho một mô hình đô thị không đánh mất gốc rễ, mà ngược lại, càng phát triển lại càng lưu giữ được cội nguồn văn hóa và lịch sử riêng biệt”, ông Hùng phân tích.
Việc lồng ghép các yếu tố văn hóa vào quy hoạch góp phần tạo nên bản sắc độc đáo cũng như truyền tải câu chuyện văn hóa giữa các thế hệ. Trong câu chuyện của mình, người dân Hòa Vang kỳ vọng những “điểm chạm” trong quy hoạch sẽ giúp vùng đất này trở thành một đô thị vừa hiện đại, vừa lưu giữ được những giá trị văn hóa làng xã. Và khi làm được điều này, người dân sẽ không phải đắn đo, chọn lựa giữa phát triển đô thị hay gìn giữ giá trị truyền thống, bởi tất cả đã được hòa quyện trong một không gian sống hiện đại, giàu bản sắc.
TIỂU YẾN