Tấm lòng mùa xuân

.

1. Hôm nay đã nửa tháng Chạp. Sắp Tết rồi mà cái khuôn bánh thuẫn, bánh kẹp như mọi năm tới giờ này đã lôi ra chà rửa phơi khô chuẩn bị lên sóng chứ có đâu còn cất kỹ. Tôi nóng ruột quá, bèn nói dẻm (gợi ý):

- Mẹ, chị Bé nói ngày mai nhà chị làm bánh kẹp lá dứa á. Nhà mình mẹ tính gì chưa ?

- Bà ngoại mới gửi cho chục trứng vịt rồi kìa, chắc để mua thêm chục nữa làm ít đĩa bánh thuẫn.

Trời ơi, lại bánh thuẫn! Thì tôi cũng công nhận cái giờ phút được chứng kiến những chiếc bánh vun tròn, xòe bốn tai hoa trong lửa là hấp dẫn thiệt. Nhưng tôi khẳng định bánh kẹp giòn rụm, thơm lừng mùi lá dứa mới là món bánh Tết “ám ảnh” nhất.

Tôi lầm bầm trong bụng, có khó gì đâu món bánh kẹp lá dứa. Trứng gà, bột khoai hạ nhà làm, ít đường cát, lá dứa nữa sẽ có ngay những mẻ bánh giòn thơm… đến rụng tim. Mẹ bảo năm nay không có trứng gà, tại đợt mưa vừa rồi con gà mái mập mỉm bị rụ tuốt. Tôi năn nỉ, ráng mua, có chục trứng gà thôi mà mẹ. Không dễ. Tết năm nay thiếu trứng, bạn hàng dặn hết, mình lâu lâu tới người ta không bán. Trời ơi!

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG


Tôi buồn rũ.

Ngày hôm sau, lại rón rén thăm dò:

- Vậy chỉ cần có trứng gà thì mẹ sẽ làm bánh kẹp lá dứa đúng không?

Mẹ chưa kịp trả lời thì chị Ba trêu:

- Bộ mày đẻ được trứng gà hả?

Thấy kiểu giỡn móc họng chưa? Chị em gì kỳ vậy hông biết. Nói thiệt, lúc đó tôi cả gan ước có bà phù thủy, tôi sẽ tình nguyện cho bà thí nghiệm biến hóa, tôi sẽ làm con gà mái trong hai mươi ngày để tặng mẹ một rổ trứng hồng hào, cho chị Ba biết tay. Còn có một cách dễ thương hơn, tôi ước được ông Bụt hiện lên hỏi “Làm sao con khóc?”. Nhưng đời không như… mơ. Phù thủy chẳng có mà Bụt cũng không. Phải tự tìm cách thôi.

2. Đi chăn bò cuối năm với một đứa trẻ phàm ăn quả là một thử thách không hề nhỏ. Thì bởi mấy ngày rày, đầu trên xóm dưới đâu đâu cũng có mùi Tết. Nghe rồi, không nhầm vào đâu được, đích thị nhà bác Sáu đang làm bánh kẹp lá dứa.

Mới tưởng tượng những chiếc bánh hình tam giác, trên mặt có khứa những ô nhỏ hình thoi, nằm ngay ngắn trên chiếc mâm chờ sấy là tôi đã thèm nhỏ dãi. Những lúc thế này, tôi chả dại nôn nóng rượt bò đi nhanh hòng tới thổ chơi mấy trò bắn bi, nhảy dây cũ rích nữa. Tôi muốn được dềnh dàng cùng mấy con bò lúc qua xóm, để được hít khẳm khê mùi bánh kẹp.

Ôi ối, chết rồi, lũ bò ngốc nghếch đang đứng bên hàng rào nhà bà Ba Lịa. Ngày thường, lúc nào đi ngang nhà bà tôi cũng rượt bò đi nhanh. Xóm này, đứa nhỏ nào (kể cả người lớn) cũng sợ bà thì lý gì tôi không biết sợ. Cũng không có lý do chính đáng, chỉ nghe mấy đứa bép xép, chuyện có vẻ hoang đường nhưng đứa nào cũng tin sái cổ rồi chính thức sợ. Thấy mấy con bò đứng vặt lá chỗ hàng rào nhà bà, tôi ba chân bốn cẳng chạy.

Nhà bà Ba Lịa lùi sâu bên trong, từ đường cái phải đi vô một đoạn dài, qua khu vườn rộng thinh mới tới nhà - ngôi nhà lợp ngói vỉ, chỉ một gian. Bà sống một mình.

Gần như ngày nào cũng lùa bò đi ngang nhưng ít khi tôi thấy bà. Không gặp nhưng nghe mấy đứa mô tả, tôi hình dung bà y như mụ phù thủy trong câu chuyện nào đó. Chúng nó kêu bà có cái bớt to, chiếm hết nửa khuôn mặt. Một đôi lần tôi thấy bà đứng trong sân quét dọn, nhưng cũng chỉ thấy dáng thôi. Ốm nhom trong bộ đồ phất phơ, đầu bạc trắng và da cũng trắng (trừ cái bớt). Nói chung, từ xa, thấy bộ dạng khác người lắm.

Nhớ có một lần, con bò cái đứng ngay cửa nhà bà vảnh đuôi chực ị. Khi ấy tôi vẫn thủng thẳng giỡn ở phía sau, mấy đứa hét, tới rượt chứ bà Ba chửi tắt bếp á. Kiểu đào mồ cuốc mả chín đời chứ không ít hơn đâu. Nếu không kịp thì mày lấy mũ hứng đi, thấy nhà cửa bả sạch trơn không? Tôi chạy như tốc độ của ánh sáng, tới quất mấy roi thiệt mạnh, con Mởn sảng hồn chạy. Chỉ có vậy mà sau lần đó, tôi buộc chỉ cổ tay nhớ, nhất định phải rượt bò mỗi khi ngang ngõ nhà bà Ba.

Nhưng hôm nay thì khác, cũng tại tiếc cái mùi thơm của chiếc bánh kẹp lá dứa mà tôi vẫn chần chừ khi thấy con nghé đang đứng trước cửa nhà bà. Mùi lá dứa, mùi nước cốt dừa, mùi trứng, mùi đường đang được luyện trong lửa, những chiếc bánh non mềm đang được đôi tay khéo léo úp ra sàn. Nóng hổi và thơm phức. Trong đầu tôi lúc ấy chỉ là những chiếc bánh kẹp, kết quả con nghé không chịu khó đứng ngoài rào ăn lá bậy bạ mà chui tọt vào trong ngõ, sực lá dâm bụt được bà Ba trồng thành hai hàng nhỏ dẫn vào sân.

Chết rồi! Tôi co cẳng - kẻo bà Ba phang què con nghé thì mẹ sẽ đánh đòn. Nhưng không kịp. Khi tôi chạy lại thì nghé ta đã vểnh đuôi, thả rơi dưới đất những viên bi đại. Ngay lúc đó, tôi nhanh trí trở dép, hất chúng ra đường, hất sát rào. Một đứa có thâm niên chăn bò thì khó khăn gì việc xử lý phân của một con nghé. Đang làm, bỗng tôi nghe: “Theo bò đi. Cứ để đấy!!”. Tôi có “dạ” nhưng vẫn nhẫn nại hất cho kỳ hết. Trong lúc làm, tôi bỗng thấy mé rào có một cái trứng gà hồng hào. Chao tôi, tôi lại ước mình có phép thuật để thu cái trứng kia vào túi áo. Ít rồi sẽ nhiều, từ hôm chị Ba thách “bộ mày đẻ được trứng gà hả?” thì trong tôi chỉ có duy nhất một tâm niệm, ước gì mình có được chục trứng gà. Không quay lại nhưng tôi biết bà Ba đang đứng trong hè nhìn ra, không thể dùng “phép thuật” để thu cái trứng vào túi được. Rất quái, tôi bẻ nhánh lá bỏ chồng lên cái trứng gà dưới đất, rồi chạy theo bò - như không có chuyện gì. Suốt buổi chăn bò hôm ấy, tôi chơi chẳng ngon lành, chỉ ước mau hết buổi để về thăm cái trứng.

Tôi cố tình không lùa bò chung với mấy đứa. Tôi có mánh lẻ mà. Lúc đi ngang nhà bà Ba, tôi giả bộ hát nghêu ngao nhưng không quên đưa cặp mắt cú vọ nhìn vào đọt lá được tôi đánh dấu. Ổn rồi, vẫn có màu trăng trắng dưới tàu lá. Tôi đảo mắt nhanh, không thấy bà Ba đứng ngoài vườn hay trong sân, giả bộ lại rào bẻ roi rồi vụng về làm rớt, cúi xuống nhặt roi nhưng đích thị để lượm cái trứng.

Liên tục, năm ngày, tôi xiệt được năm cái trứng từ hàng rào nhà bà Ba. Có năm cái trứng đặt trong chiếc tô đất bên dưới có lót miếng vải, tôi mơ màng nghĩ đến những chiếc bánh kẹp lá dứa thần tiên nằm trên cái đĩa sứ quý giá mà chỉ Tết mẹ mới lấy ra. Sung sướng, tôi nghĩ mình phải mang ơn con gà mái vô danh nào đó của bà Ba.

Ngày hôm sau, tôi lại ăn quen thủng thẳng, tướng đi khoan thai, khuôn mặt rất chi quang minh chính đại nhưng đừng lầm, mắt tôi vẫn gian, nó đang lén tia vào cái hàng rào phép thuật. Ồ, không có cái trứng nào. Khu vườn toàn lá tre và những cây rau đã bị mổ què quặt, chắc đói quá hết đẻ được rồi. Tôi bi thiết, cảm giác như mình đang từ từ chìm xuống lòng đại dương khi âm mưu làm một mẻ bánh kẹp lá dứa sắp bị phá sản.

Hôm đó tới thổ, thấy thằng Tèo Bụng bắt thằn lằn, cào cào bỏ vào cái túi ni lông, tôi hỏi thì nó bảo về cho gà đá. Gà đá ăn thứ đó sẽ tung chiêu mạnh mẽ chắc gà mái ăn vào sẽ đẻ trứng bạo hơn hả? Chắc chắn rồi. Vậy là tôi không thả bò rồi nô đùa như mọi bận mà đi tìm mồi, lúc về ngang rào nhà bà Ba, tôi mở cái túi, quăng mớ mồi mập béo vào cho mấy con gà mái với lời nhắn, ráng ăn rồi đẻ trứng cho to nghen. Trời ơi, chúng mừng thiếu nước nhảy cẫng, miệng cúc cúc… gọi bầy.

Ngày hôm sau, lúc lùa bò đi ngang, tôi lại không quên nhìn vô rào tìm cái trứng bằng tất cả hy vọng. Nhưng dưới chân hàng rào vẫn chỉ có lá khô. Dễ dàng tuyệt vọng không phải tính cách tôi, vẫn còn bảy ngày nữa mới tới Tết, nếu căng quá thì bảy, tám cái trứng chắc mẹ cũng “nể” con gái ghiền bánh kẹp mà làm cho một mẻ mong mỏng.

Nhưng không, một, hai, ba ngày… mãi đến hai bảy Tết vẫn không có cái trứng nào lấp ló dưới lá khô. Lỡ cỡ quá! Năm cái trứng đó, tôi biết làm gì? Đưa mẹ. Có hai giả thuyết. Hoặc mẹ tin tôi nhặt, hoặc sẽ nghi ngờ. Và kết quả là tôi sẽ ăn mắng nặng nhẹ tùy vào điều đang được mẹ hình dung trong đầu. Được rồi, ăn gian hem được thì bỏ. Tôi sẽ đem trả lại cho khổ chủ, phương án đó lành nhất.

Mờ sáng tôi đã lén ra khỏi nhà, trên tay cầm cái bọc vải với năm cái trứng mà hổm rày tôi luôn lại nhìn âu yếm trước khi leo lên giường ngủ, tôi sẽ đem trả về chỗ của nó. Ảo mộng về những chiếc bánh kẹp lá dứa đã tiêu tan, tôi không muốn mai mốt xuống âm phủ, sẽ bị lia vào chảo dầu chiên xù vì tội trộm cắp của người già.

Tôi rón rén núp ngay hàng rào, lòn túi trứng vô phía trong, từ từ nhỏn ra từng trứng. Hình như bà Ba không có thói quen mở cửa sớm. Xong. Tôi quay lưng, nhẹ nhõm như vừa cất đi một gánh nặng.

3. Tết tới nơi rồi, không khí rộn ràng hẳn. Một vài nhà đã Tất niên sớm, tôi đi chăn bò một mình, lòng không vui không buồn. Tính tôi là vậy, cái gì đã bất khả thì chấp nhận.

Lúc về gần đến cửa, tôi hơi bất ngờ khi thấy bà Ba đi ngược chiều, nếu đoán không nhầm thì bà đi ra từ ngõ nhà tôi. Tôi cúi đầu chào khi giáp mặt. Đúng như lời đồn từ trước tới nay, không ai chào mà bà gật đầu hay mỉm cười.

Bữa cơm chiều ấy, mẹ nói ngày mai nhốt bò, ở nhà phụ mẹ làm bánh kẹp lá dứa. Gì vậy, tôi có nên tin vào điều mình vừa nghe không? Tôi đâu may mắn gặp ông Bụt, hay bà phù thủy nào, lại càng không có khả năng đẻ trứng. Thấy vẻ mặt nghi ngờ của tôi, mẹ kể chuyện lúc chiều bà Ba ra nhờ mẹ gói ít cây bánh tét, bà thơm thảo biếu cho chục trứng gà, bảo đợt này vườn có nhiều mồi nên gà mắn đẻ.

Lúc nghe xong, tôi có hơi hoảng vì bí mật to bự đã âm thầm bại lộ nhưng ngay sau đó vui mừng đến nỗi muốn gào to: “Mùa xuân ơi, bánh kẹp ơi, bà Ba ơi…”

NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN
 

;
;
.
.
.
.
.