Thời bao cấp làm báo vất vả từ đời sống vật chất đến tác nghiệp, thế nhưng ai cũng thấy vui và lòng yêu ngành, yêu nghề, tình yêu thương đồng chí, đồng nghiệp… vô bờ bến. Họ hầu như không so bì, tính toán thiệt hơn, tất cả vì công việc chuyên môn.
Tác giả tại chuyến bay tiếp tế hàng cứu trợ đồng báo các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế trong trận lụt đại hồng thủy năm 1999. Ảnh: L.V.H |
Làm báo thời bây giờ thật sướng, phương tiện làm việc từ laptop, điện thoại di động đến việc đi công tác bằng xe máy, ô-tô, ngồi trong phòng máy lạnh, mát mẻ, rộng rãi… Thời bao cấp làm báo thật vất vả từ khi đi khai thác tư liệu đến khi viết tin bài, nộp bài về tòa soạn…
Tôi vẫn còn nhớ, Báo Quảng Nam - Đà Nẵng thời chưa chia tách tỉnh, địa bàn rất rộng, mỗi lần đi công tác thật gian nan vất vả, phương tiện đi lại rất khó khăn, chủ yếu là xe khách, phần lớn ô-tô chạy bằng than, người nhồi nhét chật chội, nóng hầm hập như lửa đốt, xe chạy trên những con đường đầy ổ gà, ổ voi, sáng đi chiều tối mới đến các trung tâm huyện ở xa. Khi tác nghiệp chỉ có giấy, bút chứ không có máy ghi âm, máy ảnh. Phóng viên viết bài muốn có ảnh minh họa để bài viết thực tế, sinh động hơn phải nhờ phóng viên ảnh đi tác nghiệp cùng. Bởi vậy, mơ ước với anh em phóng viên chúng tôi ngày ấy là được cơ quan trang bị một chiếc máy ảnh hay máy ghi âm.
Chúng tôi ngày ấy phải viết bài trên giấy, nhiều khi phải sửa chữa chằng chịt hoặc viết đi viết lại nhiều lần để có một bản thảo sạch. Đó là phương tiện đi lại, tác nghiệp, còn cuộc sống vật chất thì khỏi phải bàn… Bây giờ, thời công nghệ số, phóng viên tác nghiệp chỉ cần chiếc điện thoại di động là có thể hoàn thiện bài viết. Gửi sản phẩm hoàn chỉnh về tòa soạn bao gồm cả hình ảnh từ cách xa nửa vòng trái đất, chỉ trong một vài giây.
Là báo Đảng địa phương, có một giai đoạn dài, phóng viên Báo Quảng Nam - Đà Nẵng phải thường trú dài ngày tại các địa phương để nắm tình hình, tác nghiệp. Nếu địa phương có sự kiện xảy ra mà phóng viên không bám địa bàn được phân công, không nắm tình hình để báo cáo Ban Biên tập hoặc không có tin, bài phản ánh thì phải chịu hoàn toàn tránh nhiệm. Các phóng viên nữ được ưu tiên phân công tác nghiệp ở các huyện gần thành phố. Phóng viên nam được phân công thường trú tại các huyện xa như miền núi Trà My, Phước Sơn, Hiệp Đức…
Đa số phóng viên đã lập gia đình và có từ một đến hai con nhưng phải thường trú ở các huyện xa thành phố nên xa vợ con cả tuần, cả tháng. Bao nhiêu việc ở gia đình như nấu ăn, xách nước, chẻ củi, dạy dỗ, đưa con đến trường học… các bà vợ lo tất tần tật, không biết nhờ cậy ai. Bây giờ mỗi khi gặp nhau nhắc lại chuyện này các phóng viên như Nguyên Khôi, Thanh Gián, Văn Diệu, Đình Xê, Quốc Khanh, Đức Thịnh… ai cũng lắc đầu thở ra.
Thời bao cấp, từ lương thực đến thực phẩm đều thiếu thốn. Cán bộ, công nhân viên Nhà nước cho đến lực lượng vũ trang mua lương thực phải có sổ, mỗi tháng được mua một kg thịt lại phải ra cửa hàng thực phẩm quốc doanh xếp hàng từ rất sớm, nhiều khi tranh thủ thời gian phải để cục gạch để giữ chỗ. Mua được miếng thịt ở cửa hàng phải dành riêng cho con có miếng tươi. Lo nhất là mất sổ gạo, cho nên thời ấy mỗi khi thấy mặt ai buồn hay có điều gì lo lắng, mọi người đều hỏi "mất sổ gạo à?".
Báo Quảng Nam - Đà Nẵng có chú Tạ Xuân Linh chuyên viết về nông nghiệp nên HTX nào ở các huyện cũng biết đến tên chú. Mỗi dịp lễ hoặc Tết, anh chị em cơ quan đều trông đợi vào chú để có miếng tươi cải thiện bữa ăn cho gia đình. Nhờ quan hệ tốt với cơ sở nên chú Linh đến các HTX chăn nuôi xin mua heo, bò với giá hữu nghị, hoặc nhiều lúc HTX biếu chứ không bán vì báo đã góp phần tuyên truyền về sản xuất, chăn nuôi của đơn vị.
Mỗi lần thấy anh Nguyễn Cử (lái xe) chở heo hoặc bò về là anh chị em trong cơ quan mừng như mở hội. Một số anh em “có tay nghề cao” về giết mổ được huy động thức suốt cả đêm để sáng hôm sau có thịt chia cho mọi người trong cơ quan. Từ lãnh đạo đến nhân viên tạp vụ ai cũng được chia khẩu phần bằng nhau gồm đủ loại như tim, gan, phèo phổi, lòng, ruột non, ruột già của lợn, bò. Thời bấy giờ đúng là không sợ thiếu mà chỉ sợ không công bằng.
Tôi là phóng viên được phân công chuyên viết về hải sản nên được anh chị em bầu vào Ban Chấp hành Công đoàn của cơ quan để hằng tháng khai thác chất tươi cho đơn vị. Lúc bấy giờ tỉnh Quảng Nam -Đà Nẵng có xí nghiệp đánh cá quốc doanh đóng tại cầu Đen ở phường An Hải Bắc và các xí nghiệp đông lạnh ở đường Tiểu La và Thanh Bồ, Thuận Phước. Mỗi tháng tôi lại liên hệ với các đơn vị này để mua cá hoặc đầu mực đông lạnh cho cơ quan. Hằng tháng được mua hải sản giá rẻ, lễ Tết có thêm thịt heo, bò của các HTX cho nên xét về phần chất tươi lúc bấy giờ, Báo Quảng Nam - Đà Nẵng thuộc vào loại nhất nhì so với những cơ quan, đơn vị khác…
Thời bao cấp ai cũng nhớ, cùng với những khó khăn về cơm cà, mắm muối, chất đốt cũng là một trong những nhu cầu thiết yếu hằng ngày. Bởi vậy khi phóng viên được phân công đi công tác miền núi và được đi ké xe với các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là được đi nhờ xe U-oát (do Liên Xô sản xuất) là rất phấn khởi. Bởi lẽ xe U-oát càng chở nặng (đường miền núi lắm ổ gà, nhiều ổ voi) thì xe càng đỡ xóc.
Mỗi lần đi công tác miền núi về, bao giờ anh em chúng tôi cũng không quên ghé vệ đường mua mỗi người một vài bó củi của bà con dân tộc bán. Các anh lái xe của các cơ quan, đơn vị thông cảm và có cảm tình với cánh nhà báo nên vui vẻ chở củi về đến tận nhà. Vợ con thấy chồng đi công tác về có thêm bó củi để làm “quà” nên rất vui.
Cuộc sống vật chất khó khăn, vất vả nên nhiều người tìm mọi cách để cải thiện bữa ăn. Một trong những khu tập thể của Báo Quảng Nam - Đà Nẵng cũ là ở tại số 84 Trần Phú, phường Phước Ninh. Khu tập thể gồm hai tầng, có bảy hộ với diện tích mỗi hộ rất nhỏ, trong đó có sáu hộ có gia đình, duy nhất hộ anh Vũ Thành Lê (Phó Tổng Biên tập) lúc bấy giờ chưa lập gia đình. Để cải thiện bữa ăn, mặc dù diện tích đất khu tập thể chật hẹp nhưng nhiều hộ cũng cố gắng đóng một cái chuồng gà nho nhỏ đủ để nuôi một hoặc hai con gà.
Cơm thừa, canh cặn dành cho gà ăn. Để gà mau lớn, chóng đẻ, chúng tôi còn cho gà ăn thêm các loại côn trùng. Anh Vũ Thành Lê đêm nào cũng về muộn nhưng luôn thức để tìm gián cho gà ăn thêm. Bồi bổ cho gà nhưng lâu lâu gà của anh mới cho ra được một trứng (không hiểu là do chuột tha trứng hay người nào xấu bụng lấy mất trứng). Mỗi lần thấy anh mở cửa chuồng gà lại thất vọng vì không có quả trứng nào, thấy mà thương…
Đúng là thời bao cấp làm báo thật vất vả từ cuốc sống vật chất đến tác nghiệp thế nhưng ai cũng thấy vui và lòng yêu ngành, yêu nghề, tình yêu thương đồng chí, đồng nghiệp… vô bờ bến. Họ hầu như không so bì, tính toán thiệt hơn, tất cả vì công việc chuyên môn. Những người làm Báo Quảng Nam - Đà Nẵng thời ấy bây giờ tuổi đã già, nhiều người đã mãi mãi ra đi như anh Vũ Thành Lê, anh Đỗ Kỳ, chú Nguyễn Thanh Sâm, chú Trần Thúc, chú Tạ Xuân Linh…
Những người làm Báo Quảng Nam - Đà Nẵng ngày hôm qua, Báo Đà Nẵng ngày hôm nay, mãi mãi không bao giờ quên những năm tháng gian lao mà anh dũng về một chặng đường vì sự nghiệp phát triển báo chí của quê nhà...
LÊ VĂN HOA